Trung Quốc mới đây đã nhận định về tương lai của Không quân Việt Nam kèm theo bức ảnh về Yak-130 mới nhận, hé lộ màu sơn ngụy trang và số hiệu của chúng.
Ảnh đầu tiên về Yak-130 Không quân Việt Nam
Cách đây ít hôm trang báo điện tử Sina của Trung Quốc đăng tin nổi bật: Việt Nam trang bị máy bay huấn luyện tiên tiến do Nga sản xuất, mở đường để chuẩn bị tiếp nhận chiến đấu cơ thế hệ thứ 5.
Đồng thời, trong bài viết trên, Sina cũng đăng tải 3 bức ảnh về dòng máy bay này, trong đó có một bức được cho là Yak-130 Không quân Việt Nam, 1 bức của Không quân Nga và còn lại là ảnh chụp ban đêm Yak-130 của Không quân Belarus – một trong 6 quốc gia ngoài Nga đang sở hữu những chiếc máy bay huấn luyện tiên tiến.
Trước đó, bức ảnh này cũng đã được trang thông tin quân sự tổng hợp VPK của Nga công bố
Nhiều khả năng bức ảnh về 1 trong 6 chiếc Yak-130 của Không quân Việt Nam thuộc lô đầu tiên này được chụp trong khoang hàng trên máy bay vận tải An-124 Ruslan khổng lồ chở sang giao hàng tại sân bay Phù Cát (Bình Định).
Theo hợp đồng trị giá khoảng 350 triệu USD, toàn bộ 12 chiếc máy bay huấn luyện Yak-130 của Không quân đều được sản xuất tại nhà máy chế tạo hàng không Sokol ở vùng Nizhny Novgorod (tên viết tắt NAZ Sokol).
Đáng chú ý, những chiếc Yak-130 đều được sơn màu rằn ri rừng xanh cát vàng (hay cũng có thể gọi là màu nâu đất hoặc màu cỏ úa, tùy theo hình dung của từng người) đặc trưng và mang phù hiệu đặc trưng của Không quân Việt Nam. Màu sơn rằn ri này được đánh giá là rất khỏe khoắn và hiện đại.
Màu sơn rừng xanh này khá tương đồng với những chiếc L-39 Albatros nhưng màu vàng cát đậm (máu cỏ úa) thì lại giống tiêm kích Su30MK2 của 2 hợp đồng mới nhất cũng như tiêm kích Su-27 sơn lại sau khi đại tu, sửa chữa lớn và tăng hạn.
Hiện chưa rõ những chiếc tiêm kích Su-30MK2 có màu sơn ngụy trang xanh da trời đầu tiên của Không quân Việt Nam tới đây khi đến hạn đại tu, sửa chữa lớn và tăng hạn có sơn màu ngụy trang như 2 lô Su-30MK2 mới nhất hay không. Rất có thể chúng cũng sẽ được “đồng bộ”.
Số hiệu lần đầu sử dụng bởi Không quân Việt Nam
Về số hiệu, chiếc Yak-130 Không quân Việt Nam bên trong khoang hàng của máy bay An-124 được đánh số 2101, có lẽ là chiếc đầu tiên trong lô 12 chiếc đã và sẽ được Nga bàn giao cho Không quân Việt Nam. Các máy bay Yak-130 tiếp theo có thể sẽ được đánh số lần lượt 2102, 2103… đến 2012.
21xx là một đầu số lần đầu tiên được sử dụng cho các máy bay của Không quân Việt Nam.
Dựa trên những bức ảnh do báo Quân đội nhân dân và báo Phòng không – Không quân (thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân) công bố, có thể thấy số hiệu của Su-30MK2 mang đầu 85xx, Su-27SK 1 người lái là 60xx, Su-27UBK huấn luyện 2 người lái là 85xx, Su-22 là 58xx cho loại 1 người lái và 85xx cho loại 2 người lái.
Trong khi đó, các máy bay huấn luyện L-39 2 chỗ ngồi mang đầu số 87xx.
Ngoài ra, còn có một đầu số mới cũng lần đầu tiên được Không quân sử dụng, đó là 89xx dùng cho những chiếc máy bay vận tải quân sự C-295 và C212. Máy bay C-212 của Cảnh sát biển Việt Nam cũng có đầu số 89xx.
Một điểm thú vị nữa là số hiệu của các máy bay huấn luyện sơ cấp Yak-52 của Không quân Việt Nam chỉ có 2 chữ số thay vì 4 chữ số như các loại máy bay khác.
Máy bay vận tải cánh quạt An-2 thì số hiệu lại có 3 chữ số và trước khi nghỉ hưu, các máy bay vận tải An-26 của Không quân Việt Nam cũng có 3 chữ số.
Ngược thời gian xa hơn, ngày xưa Không quân Việt Nam cũng đã dùng đầu số 20xx, 22xx cho các máy bay tiêm kích MiG-17.
Hy vọng những máy bay Yak-130 rất hiện đại mà Không quân Việt Nam mới vừa tiếp nhận sẽ nhanh chóng được các phi công giáo viên làm chủ để sớm đưa vào huấn luyện bay phản lực cho các thế hệ phi công chiến đấu trẻ và thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu khác khi có yêu cầu.
T.P