Sunday, December 22, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ phải cắt giảm lương công chức vì thiếu tiền

TQ phải cắt giảm lương công chức vì thiếu tiền

Cư dân mạng tiết lộ trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc rằng công chức ở Giang Tô, Chiết Giang, Quảng Đông, Phúc Kiến và Thượng Hải đã nhận được thông báo về việc cắt giảm lương, mức giảm khoảng 20 đến 30% kể từ tháng 12. Một số đợt cắt giảm lương đã xảy ra, và một số sắp xảy ra, theo Epoch Times.

Một nữ công chức ở tỉnh Chiết Giang đã phàn nàn về điều này trong một bài đăng trên Weibo: cơ quan tài chính Hàng Châu thông báo rằng họ sẽ cắt giảm lương nhân viên trong hệ thống, bao gồm cả các tổ chức công, mà không tiết lộ lý do cụ thể.

“Nó đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày của chúng tôi và mang lại áp lực kiếm sống rất lớn cho nhiều cán bộ công nhân viên có hoàn cảnh gia đình trung bình”, nữ công chức viết.

Người phụ nữ này tiết lộ rằng thu nhập hàng năm của cô đã giảm 50.000 nhân dân tệ (7.860 USD), tương đương khoảng 25% thu nhập.

Không có xác nhận chính thức nào về tin đồn cắt giảm lương đối với công chức Trung Quốc. Phóng viên của Epoch Times đã liên hệ với các nguồn tin tại 5 tỉnh, thành phố nói trên và nhận được câu trả lời rằng: công chức các tỉnh Giang Tô, Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông về cơ bản đã bị cắt giảm lương; Thượng Hải tuy chưa cắt giảm nhưng vấn đề này đang được thảo luận rộng rãi.

Ngoài ra, các thành phố khác nhau trong cùng một tỉnh có những hình thức cắt giảm khác nhau. Các nguồn tin khác nói với phóng viên Epoch Times rằng thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, đang cắt giảm lương, trong khi Thiều Quan chủ yếu cắt giảm biên chế. Việc cắt giảm biên chế tương đương với việc sa thải hoặc thay đổi vị trí công tác, và đối với chính quyền địa phương, điều đó cũng có nghĩa là có thể giảm bớt gánh nặng tài chính.

Lương của công chức Trung Quốc gồm 3 phần: lương cố định, lương theo hiệu quả công việc và trợ cấp. Trong số đó, mức lương cố định được chuẩn hóa trên toàn quốc. Lương và trợ cấp theo hiệu quả công việc được trả tương ứng với nguồn thu tài chính của mỗi tỉnh, và chiếm khoảng 60% tổng nguồn thu.

Một báo cáo trên NetEase ngày 10/12 cho biết việc điều chỉnh lương công chức lần này thực hiện dựa theo hiệu quả công việc. Để giảm gánh nặng tài chính, chính quyền địa phương đã quyết định thực hiện các điều chỉnh phù hợp đối với tiền lương theo hiệu quả công việc và tất cả các tỉnh và thành phố có thể sẽ thực hiện các biện pháp tương ứng. Người ta ước tính rằng những khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là những khu vực có chế độ đãi ngộ tốt nhất đối với công chức, bởi vì lương theo hiệu quả công việc ở các khu vực kém phát triển ban đầu không cao.

Việc cắt giảm lương của công chức không gây ra bất ngờ lớn vì 31 tỉnh và thành phố của Trung Quốc trong nửa đầu năm, chỉ có Thượng Hải là có “thặng dư tài khóa”.

Theo số liệu phát hành trái phiếu của chính quyền địa phương do Bộ Tài chính Trung Quốc công bố ngày 23/11, Trung Quốc đã phát hành 6,5 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 1 nghìn tỷ đô-la Mỹ) trái phiếu từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay. Tính đến cuối tháng 10, tổng số dư nợ của chính quyền địa phương ở Trung Quốc là 29,7 nghìn tỷ nhân dân tệ (4,7 nghìn tỷ đô-la Mỹ).

Tập đoàn Goldman Sachs, một công ty dịch vụ tài chính và ngân hàng đầu tư đa quốc gia của Mỹ, cho biết trong một báo cáo hồi tháng 9 rằng tổng số nợ tiềm ẩn của các chính quyền địa phương Trung Quốc đã tăng lên hơn một nửa tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.

Trong bài phát biểu ngày 2/12, chuyên gia kinh tế Lý Đạo Quỳ cho biết vài năm tới đối với nền kinh tế Trung Quốc có thể là giai đoạn khó khăn nhất trong 40 năm qua.

Các tỉnh Quảng Đông và Giang Tô cho biết giáo viên cũng bị cắt giảm lương. Hiện tại, một số giáo viên ở tỉnh Giang Tô đã xác nhận với phóng viên của Epoch Times rằng họ cũng đã “bị cắt lương” trong thời gian gần đây.

Một hãng truyền thông của Hồng Kông trong một chương trình của mình đã cho rằng tình hình hiện tại của Trung Quốc rất giống với vụ vỡ bong bóng kinh tế của Nhật Bản và sự suy thoái kinh tế của Mỹ trước đây, nhưng điều khác biệt là cả Nhật Bản và Mỹ đều không bị bao vây trên phạm vi toàn cầu như tình trạng của ĐCSTQ bây giờ.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới