Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiBối cảnh ra đời công nghệ phần mềm thử phản ứng

Bối cảnh ra đời công nghệ phần mềm thử phản ứng

Để giải quyết những bất đồng sâu sắc với Trung Quốc, gần đây chính quyền của Tổng thống Joe Biden có nhiều động thái được xem là thận trọng hơn để tránh bị… hiểu lầm. Mới đây nhất, Quân đội Mỹ tập trung xây dựng phần mềm để “dự đoán được những phản ứng của Trung Quốc” về hành động của Washington trong những vấn đề quân sự liên quan đến Biển Đông.

Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks.

Hôm 16/12, Hãng Reuters cho hay, Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Thái Bình Dương đã xây dựng một công cụ phần mềm. Công cụ này có chức năng khá đặc biệt: dự đoán hành động của Trung Quốc khi phản ứng Washington trong những vấn đề liên quan quân sự, như hoạt động tuần tra, tập trận trên Biển Đông, bán vũ khí, hậu thuẫn các hoạt động quân sự, thậm chí phản ứng về việc các nghị sĩ Mỹ thăm Đài Loan.

Không chỉ là thông báo bình thường, mà dường như Wasinghton đã cố tình tiết lộ để Bắc Kinh được biết, rằng chúng tôi rất minh bạch, không muốn mất lòng các ngài (!). Cụ thể là, hôm 14/12, nhân chuyến thăm của bà Kathleen Hicks – Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ – đến Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, phần mềm này đã được giới thiệu rộng rãi cho báo chí biết để thông tin.

Bà Hicks nói: “Xung đột và thách thức đang mở rộng đến vùng xám. Chúng ta cần nhiều dấu hiệu nhận biết hơn để hiểu rõ các mối đe dọa. Phần mềm được xây dựng sẽ tính toán nguy cơ va chạm chiến lược”. Theo đó, công cụ này sẽ phân tích dữ liệu từ đầu năm 2020 đến nay, từ đó đánh giá các hoạt động lớn có ảnh hưởng đến mối quan hệ Mỹ – Trung.

Không chỉ có vậy, phần mềm mới sẽ cho phép Lầu Năm Góc xây dựng kế hoạch hành động từ trước bốn tháng so với thực tế.

Về động thái này của Mỹ, theo các nhà bình luận quốc tế, Wasinghton cũng muốn “rút củi đáy nồi”. Quan hệ Mỹ – Trung năm 2021 tiếp tục căng thẳng, liên quan vấn đề virus Vũ Hán (Covid-19) dò dỉ từ Trung Quốc, cạnh tranh thương mại, vấn đề Đài Loan, Hong Kong, đặc biệt là hành động hung hăng muốn độc chiếm Biển Đông của Trung Nam Hải.

Thái độ của Trung Quốc về cái “phần mềm hạ hỏa” này ra sao. Chắc chắn các bộ óc con cháu Khổng Mạnh vốn đa nghi và thính nhạy sẽ không dễ tiết lộ khả năng nhận diện và tính toán của họ. Có điều họ sẽ không dừng các hành động đang tiếp diễn ở biển Đông, thậm chí sẽ mở rộng hơn các hoạt động của mình ở nơi này. Tiếp tục quân sự hóa, kiến cố hóa cơ sở hạ tầng quân sự, hậu cần, kỹ thuật các khu vực đã lấn chiếm.

Những bước đi này của Trung Quốc là rất kiên trì, cứng rắn, bất chấp mọi sự phản đối của Liên hợp quốc và các nước trong khu vực. Chiến lược cụ thể của Bắc Kinh trên Biển Đông vẫn là: Tiếp tục quân sự hóa nhanh nhất có thể các thực thể đã bồi đắp. Sau khi đã đủ lực lượng sẽ tiến hành kiểm soát khu vực biển và vùng trời để tiến hành tuyên bố vùng nhận dạng phòng không. Cuối cùng sẽ tuyên bố chủ quyền của mình. Năm tới Bắc Kinh sẽ lôi kéo các nước đồng minh, nhất là các nước trong khu vực Đông Nam Á ủng hộ các hành động của họ. Trung Quốc cũng sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với Nga để hình thành một cực đủ mạnh đối đầu với Mỹ và phương Tây.

Trong những năm tới, Trung Quốc phải hoàn thành một số nhiệm vụ trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Cụ thể là khẩn cấp củng cố khả năng răn đe của mình để ngăn chặn Mỹ sử dụng các biện pháp cưỡng ép chiến lược cực đoan, hoặc “giả bộ” xuống thang như cái thiết kế “phần mềm” đang làm (!).

Nếu chuẩn bị “thống nhất Đài Loan” bằng vũ lực, Bắc Kinh sẽ tăng cường khả năng răn đe đối ngoại, bao gồm cả khả năng răn đe hạt nhân. Tuy không dám và không thể tấn công các mục tiêu của Mỹ, nhưng khi Mỹ can thiệp quân sự vào công việc của Trung Quốc, thì việc đối đầu bằng sức mạnh quân sự là cách duy nhất để thiết lập cân bằng và an ninh.

Gần đây Trung Nam Hải luôn tuyên bố tăng tốc phát triển, huênh hoang về cái gọi là “khả năng đột phá vòng vây công nghệ của Mỹ”. Cho nên Mỹ và các nước đồng minh chớ ảo tưởng sẽ bóp nghẹt được sự phát triển của Trung Quốc. Khi “con hổ” Trung Quốc lớn dậy thần kỳ, nó sẽ giáng đòn chí tử vào sự kiêu ngạo của Mỹ. Và điều đó càng có khả năng khiến các quốc gia khác còn dao động sẽ dần dần hiểu “lòng tốt” của Trung Quốc và tránh xa Mỹ.

Đương nhiên, Nhà trắng biết rất rõ chính sách ngoại giao lấy mềm thắng cứng, lấy nhu thắng cương, vừa đấm vừa xoa của Bắc Kinh. Và khi Trung Quốc “xoa” thì Mỹ chả dại gì “đấm”. Bối cảnh ra đời công nghệ phần mềm thử phản ứng của đối phương ra đời vì lẽ đó, hiểu theo nghĩa giản đơn nhất. Còn để hiểu sâu sắc hơn thâm ý của “con hổ” Mỹ thì phải chờ xem tới đây phần mềm hoạt động cụ thể ra sao, đáp số thế nào. Nói theo tiểu thuyết chương hồi truyền thống của Tàu thì “chờ đến hồi sau sẽ rõ”.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới