Cách đây ba thập kỷ, Mỹ và Châu Âu đã tin rằng khi Trung Quốc cải cách mở cửa và Châu Âu cùng Mỹ cũng mở cửa cho các doanh nghiệp đầu tư vào Trung Quốc làm cho Trung Quốc phát triển thì Trung Quốc sẽ tiến gần đến nền dân chủ của Mỹ và Châu Âu.
Khi ông Trump làm tổng thống đã nhanh chóng chỉ ra những bất cập trong quan hệ Mỹ – Trung và đưa ra những đòn trừng phạt Trung Quốc, đồng thời ông Trump cũng đỏi hỏi sự công bằng trong quan hệ của Mỹ với các đồng minh Châu Âu. Chính sách của Trump đã làm cho các đồng minh Châu Âu không mặn mà ủng họ Trump trong chính sách với Trung Quốc.
Lợi dụng mối quan hệ bất hoà giữa Mỹ và Châu Âu, Trung Quốc đã tìm mọi cách lôi kéo, mua chuộc các nước Châu Âu xích gần lại quan hệ với Trung Quốc. Năm 2020 Trung Quốc đã hoàn tất Thỏa thuận đầu tư toàn diện (CAI) sau bảy năm đàm phán với EU. Bắc Kinh ca ngợi đây là thắng lợi to lớn, là điểm sáng ngoại giao giữa Trung Quốc và phương Tây, giúp tăng cường quan hệ thương mại giữa Bắc Kinh và Brussel. Còn phương Tây thì cho rằng họ “vừa được tiếng vừa được miếng trong quan hệ với Trung Quốc, bởi vì Trung Quốc là đối tác thương mại hàng hoá lớn nhất.
Nhưng bước vào năm 2021, thái độ của Châu Âu với Trung Quốc đã thay đổi. Hậu quả của dịch Covid-19 xuất phát từ Trung Quốc đã làm cho Châu Âu thiệt hại nặng nề. Người dân Châu Âu đã mất dần thiện cảm với Trung Quốc, các chính trị gia cũng nhận ra các quan hệ kinh tế bất bình thường và Trung Quốc không thay đổi về dân chủ và nhân quyền. Giờ đây EU thể hiện rõ ưu tiên hàng đầu của họ là thể hiện lập trường cứng rắn với Trung Quốc, bất chấp hậu quả tiềm ẩn với hoạt động đầu tư vào Châu Âu.
Tháng 3 năm 2021, EU cùng các nước đồng minh áp lệnh trừng phạt một số quan chức Trung Quốc, cáo buộc họ “vi phạm nhân quyền nghiêm trọng” với người Duy Ngô Nhĩ. Bắc Kinh cũng ngay lập tức đáp trả bằng luật trừng phạt một số nghị sĩ Châu Âu.
Ngày 19 tháng 5, Nghị viện Châu Âu (EP) thông qua nghị quyết đóng băng quá trình bỏ phiếu phê chuẩn thoả thuận CAI. Đồng thời EU yêu cầu các nước tăng cường giám sát nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc và thúc đẩy phối hợp với Mỹ trong khuôn khổ Đối thoại xuyên Đại Tây Dương về vấn đề Trung Quốc. Quyết định này như một đòn giáng với Trung Quốc, bởi Bắc kinh trước đó tin rằng thoả thuận CAI đã nằm trong tay họ, hỗ trợ tham vọng mở rộng ảnh hưởng sang Đại Tây Dương.
Tháng 12, Uỷ ban Châu Âu tiếp tục giáng đòn mới với Trung Quốc bằng kế hoạch huy động 300 tỷ EURO (340 tỷ USD) cho đến năm 2027 đầu tư vào các dự án hạ tầng, kết nối kỹ thuật số và hạn chế biến đổi khí hậu. Đây thực tế là kế hoạch thay thế cho sáng kiến vành đai và con đường của Bắc Kinh.
Châu Âu đã bừng tỉnh sau nhiều năm ngây thơ tin tưởng vào sự hữu hảo của Trung Quốc. Chắc chắn Trung Quốc sẽ còn chịu nhiều đòn trừng phạt cả về kinh tế, chính trị và sự gia tăng hiện diện của Châu Âu ở khu vực Thái Bình Dương.
H.B