Sunday, November 17, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnAnh phối hợp cùng đồng minh ngăn chặn TQ bành trướng ở...

Anh phối hợp cùng đồng minh ngăn chặn TQ bành trướng ở Biển Đông

Trong bối cảnh Bắc Kinh liên tiếp biểu dương sức mạnh cơ bắp ở Biển Đông thông qua các cuộc tập trận quân sự liên tiếp từ đầu năm 2021, Anh đã triển khai một loạt các hoạt động ở khu vực và trên Biển Đông nhằm thể hiện quyết tâm phối hợp cùng với các đồng minh ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc.

Anh đã triển khai một loạt các hoạt động ở khu vực và trên Biển Đông

1. Trưa ngày 26/7/2021, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh dẫn đầu nhóm tác chiến tàu sân bay đã băng qua eo biển Malacca tiến vào Biển Đông. Trong lúc di chuyển ở eo Malacca ngày 25/7, nhóm tàu đã tiến hành diễn tập với hải quân Malaysia. Cùng với đó còn có một số chiến hạm đã vào Biển Đông trước đó như: tàu ngầm HMS Artful (S121), tàu khu trục HMS Defender (D36), tàu tiếp tế RFA Tidespring (A136) và tàu hộ vệ HMS Richmond (F239).

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Anh, sau khi vào Biển Đông, nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tiến hành tập trận với hải quân Singapore trong ngày 26/7. Đây là lần đầu tiên nhóm tác chiến thế hệ 5 của hải quân Anh diễn tập bên cạnh hải quân Singapore. Cao ủy Anh tại Singapore Kara Owen nhận định sự hiện diện của nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đánh dấu cho mối quan hệ ngày càng sâu sắc hơn trong lĩnh vực an ninh và quân sự giữa Anh và các nước ASEAN.

Một số hình ảnh vệ tinh được công bố cho thấy nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth hoạt động ở khu vực giữa bãi Tư Chính và quần đảo Trường Sa trong ngày 28/7. Theo một số hình ảnh vệ tinh được hải quân Mỹ công bố, Nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tiến hành một cuộc tập trận với các tàu của Hải quân Mỹ ở Biển Đông trong ngày 29/7.

Nhằm tránh khiêu khích Trung Quốc, nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth không đi vào phạm vi 12 hải lý của các cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, tuy nhiên sự hiện diện của nhóm tàu này cùng với các cuộc diễn tập với hải quân Mỹ ở Biển Đông đã thể hiện rõ việc Anh thúc đẩy xây dựng trật tự dựa trên pháp luật ở Biển Đông, bác bỏ yêu sách vùng biển theo “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

2. Trước khi nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth vào Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace đã thăm Hawaii, Hàn Quốc và Nhật Bản, nơi ông đưa ra một số thông báo quan trọng về lịch trình hoạt động của nhóm tàu sân bay HMS Queen Elizabeth cũng như sự hiện diện của Anh ở khu vực.

Trong cuộc họp báo chung sau hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi hôm 20/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace khẳng định: “Tiếp theo sau đợt triển khai đầu tiên của nhóm tác chiến tàu sân bay, Anh sẽ thường trực triển khai hai tàu chiến đến khu vực từ cuối năm nay”. Bộ trưởng Ben Wallace tuyên bố một cách thẳng thừng rằng Anh có kế hoạch triển khai thường xuyên tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Anh đến khu vực là nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với các đồng minh. Ngoài ra, Bộ trưởng Wallace còn tiết lộ Anh cũng sẽ triển khai Nhóm Phản ứng Ven biển, một đơn vị thủy quân lục chiến được huấn luyện để thực hiện những sứ mệnh như sơ tán và các hoạt động chống khủng bố. Đây là một chỉ dấu nữa cho thấy Anh đang tăng cường can dự vào khu vực.

Theo chuyên gia Sidharth Kaushal của Viện nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh, việc London triển khai 2 tàu cố định là phù hợp với các mục tiêu sâu rộng hơn trong đánh giá quốc phòng mùa xuân, vốn xác định Bắc Kinh là một trong những đối thủ toàn cầu chính của London.

Nhật Bản, một đồng minh thân cận của Washington, là nơi tập trung lực lượng quân sự lớn nhất của Mỹ bên ngoài Mỹ, bao gồm tàu chiến, chiến đấu cơ và hàng ngàn binh sĩ. Giới quan sát cho rằng Bộ trưởng Anh Ben Wallace chọn Nhật Bản là nơi đưa ra những cam kết về sự hiện diện của hải quân Anh ở khu vực là có chủ đích, nhằm khẳng định quyết tâm của Anh đồng hành cùng Mỹ trong cuộc đối đầu trên biển với Trung Quốc ở khu vực. Mặt khác, ông Wallace muốn thể hiện cam kết củng cố các mối quan hệ an ninh với Nhật Bản, quốc gia gần đây thể hiện quan ngại gia tăng với tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc ở châu Á.

Trong một tuyên bố liên quan kế hoạch triển khai nói trên, Người phát ngôn Lầu Năm Góc hoan nghênh Anh vì thể hiện “cam kết của mình với một mạng lưới liên kết giữa các đồng minh và đối tác, vốn cùng hợp tác với nhau và ủng hộ tự do hàng hải và trật tự dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

3. Sự phối hợp với các đồng minh trong các hoạt động ở khu vực và Biển Đông. Một số nhà phân tích quân sự đánh giá, trong chuyến đi đầu tiên đến Biển Đông và khu vực lần này của tàu sân bay HMS Queen Elizabeth không đơn độc mà có sự tham gia của các đồng minh trong NATO và nhất là sự phối hợp chặt chẽ của Mỹ. Điều này không chỉ gửi tới Bắc Kinh thông điệp mạnh mẽ của riêng nước Anh mà còn là thông điệp chung của tập thể nhiều nước trong việc bảo vệ tự do hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế.

4. Phản ứng tức tối của Bắc Kinh

Giới cầm quyền Bắc Kinh phản ứng dữ dội trước việc nhóm tàu tác chiến tàu sân bay tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến Biển Đông và thực hiện một loạt các cuộc diễn tập với các đồng minh và đối tác trong khu vực. Bắc Kinh cao giọng đe dọa Anh.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm hôm 30/7 phát biểu: “Những hành động quân sự, mà mới nhất là liên kết quân sự giữa Anh và Nhật Bản, tốt nhất đừng bao giờ nhằm thử phá vỡ hòa bình khu vực. Hải quân Trung Quốc sẽ có hành động cần thiết để đáp trả lối hành xử kiểu như vậy”.

Trong khi đó, Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại London nói cạnh khóe về hoạt động của hải quân Hoàng gia Anh rằng: “Mối đe dọa đối với tự do hàng hải chỉ có thể đến từ quốc gia cách nửa vòng trái đất sử dụng nhóm tác chiến tàu sân bay ở Biển Đông để phô diễn sức mạnh quân sự nhằm làm gia tăng căng thẳng quân sự trong khu vực đó”.

Truyền thông Trung Quốc cũng đồng loạt lên tiếng chỉ trích động thái mới của hải quân Hoàng gia Anh. Thời báo Hoàn Cầu – một tờ báo chính thức của nhà nước Trung Quốc vu cáo Anh “theo đuôi” Mỹ “gây gổ” ở Biển Đông, đồng thời cảnh báo: “Họ có nghĩa vụ kiềm chế và tuân theo các quy tắc. Hãy đi theo các tuyến đường biển vận chuyển quốc tế hiện tại và cách xa các đảo và bãi đá ngầm của Trung Quốc ít nhất 12 hải lý”.

Thời báo Hoàn Cầu ngỗ ngược đe dọa rằng, Trung Quốc đã và đang tăng cường khả năng quân sự của mình ở Biển Đông. Những hoạt động tăng cường năng lực này không chỉ liên quan đến việc triển khai các tàu chiến đến khu vực, mà còn là các hoạt động chuẩn bị quân sự mang tính hệ thống. Do vậy, sự hiện diện của Anh ở Biển Đông là điều rất nguy hiểm. Tất cả các quốc gia khác bên ngoài khu vực được khuyến cáo nên tránh xa cuộc đối đầu này để tránh “thương tích bất ngờ”.

Đáp lại sự hung hổ và những lời lẽ xưng hung xưng bá của Bắc Kinh, Anh bày tỏ thái độ một cách ôn hòa nhưng kiên quyết. Hãng truyền thông BBC của Anh cho biết London không tìm kiếm một “cuộc đối đầu”. Thay vào đó, việc điều tàu chiến này là nhằm “thực hiện quyền tự do hàng hải”. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Wallace cho biết: “Khi chứng kiến mất cân bằng về quyền lực ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, chúng tôi (Anh quốc) cam kết hợp tác với các đối tác để bảo vệ các giá trị dân chủ, giải quyết các mối đe dọa chung và đảm bảo an toàn”.

5. Trong bối cảnh Bắc Kinh gia tăng các hoạt động hung hăng ở Biển Đông, hầu hết các học giả chân chính và chính phủ nhiều nước hoan nghênh việc nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến Biển Đông và đánh giá cao ý nghĩa hoạt động này của hải quân Hoàng gia Anh:

Thứ nhất, việc nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến Biển Đông là nhân tố quan trọng trong việc duy trì trật tự dựa trên luật pháp ở Biển Đông, bao gồm UNCLOS 1982 và phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài; bảo đảm tự do, an toan hàng hải, hàng không ở Biển Đông; ngăn chặn Trung Quốc bành trướng tiến tới độc chiếm Biển Đông.

Thứ hai, việc triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth cùng với tàu chiến máy bay của các nước đồng minh ở Biển Đông cùng với tuyên bố sẽ triển khai lâu dài 2 tàu chiến ở khu vực này từ năm nay thể hiện mức độ hướng tới Đông Á chưa từng có tiền lệ của hải quân Anh, khằng định quyết tâm của London trong việc phát huy vai trò ngày càng lớn đối với các vấn đề an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông. Động thái mới này đánh dấu bước đi mạnh mẽ của London trong việc thúc đẩy chiến lược “Nước Anh Toàn cầu” hậu Brexit.

Thứ ba, việc nhóm tàu tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến Biển Đông là kết quả cụ thể của chính quyền Tổng thống Biden trong việc củng cố quan hệ với các đồng minh và khuyến khích các đồng minh cùng tham gia vào các vấn đề khu vực.

Việc Mỹ và các đồng minh tăng cường triển khai hải quân ở đây sẽ khiến Trung Quốc ngày càng gặp khó khăn trong mưu đồ thống trị các vùng biển cũng như hăm dọa các nước nhỏ láng giềng. Đây có thể coi là một thắng lợi của chính quyền Tổng thống Biden trong việc khuyến khích, lôi kéo đồng minh ngăn chặn, kiềm chế Trung Quốc.

Thứ tư, mặc dù Bắc Kinh lớn tiếng chỉ trích hoạt động của nhóm tàu tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth, công kích Anh “theo đuôi” Mỹ, nhưng các nước ven Biển Đông và trong khu vực đều tỏ thái độ hoan nghênh hoạt động của hải quân Anh đóng góp tích cực vào duy trì trật tự dựa trên pháp luật, không có bất cứ nước nào phê phán hoạt động của nhóm tàu tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth trừ Trung Quốc. Điều này phản ánh sự bất mãn cao độ của các nước trong khu vực trước việc Bắc Kinh ngày càng hung hăng leo thang ở Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan. Việc Bắc Kinh lớn tiếng công kích và đe dọa hải quân Anh càng khiến cho cộng đồng quốc tế thấy rõ bản chất bành trướng, bá quyền của giới cầm quyền Bắc Kinh.

Thứ năm, đây được coi là biểu tượng cho hoạt động tập thể mạnh mẽ nhất mà Mỹ và các đồng minh tiến hành ở Biển Đông, gửi tới Bắc Kinh thông điệp cứng rắn, mở đường cho các hoạt động phối hợp trong tương lai. Tiếp theo Vương quốc Anh sẽ còn có nhiều nước, nhất là các đồng minh và đối tác của Mỹ, tiếp tục điều tàu chiến tới Biển Đông, tham gia vào ngăn chặn hoạt động bành trướng, cưỡng ép, bắt nạt các nước nhỏ ven biển của Bắc Kinh trong thời gian tới.

Quốc Anh

RELATED ARTICLES

Tin mới