Tuesday, January 21, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiBắc Kinh tiếp tục giọng điệu lừa bịp về Biển Đông

Bắc Kinh tiếp tục giọng điệu lừa bịp về Biển Đông

Ngày 09/11/2021, Hội nghị chuyên đề về Hợp tác Hàng hải và Quản trị Đại dương Toàn cầu 2021 diễn ra theo hình thức trực tuyến tại thành phố Tam Á ở tỉnh Hải Nam, miền Nam Trung Quốc thu hút sự quan tâm của hàng trăm đại diện đến từ 30 quốc gia. Bắc Kinh đã tận dụng sự kiện này như một công cụ để truyền bá những quan điểm sai trái, bóp méo sự thật với những giọng điệu lừa bịp trắng trợn, đồng thời đưa ra những lời hứa hão huyền với những cam kết mang tính chất ru ngủ các nước về vấn đề Biển Đông; biến hội nghị này thành diễn đàn chỉ trích Mỹ và các đồng minh của Mỹ.

Tại hội nghị, Trung Quốc tuyên bố rõ rằng nước này cam kết hợp tác với các nước ở Biển Đông để mở rộng hợp tác hàng hải, bảo vệ các chuỗi cung ứng hàng hải toàn cầu và đối phó vấn đề biến đổi khí hậu để xây dựng Biển Đông trở thành một vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Tuy nhiên, trên thực tế những hành động của Bắc Kinh hoàn toàn đi ngược lại những gì họ cam kết thể hiện đúng bản chất của nhà đương cục Bắc Kinh “nói không đi đôi với làm” hay “nói một đằng làm một nẻo”. Chúng ta cùng đi phân tích những gì diễn ra tại hội nghị này và cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông để thấy rõ “trắng, đen”.

Bắc Kinh tiếp tục giọng điệu lừa bịp về Biển Đông

Tại lễ khai mạc, Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Ngô Giang Hạo (Wu Jianghao) nói rằng Trung Quốc là một người bảo vệ vững chắc cho hòa bình trên biển, Trung Quốc chưa bao giờ lợi dụng đại dương để tiến hành xâm lược hoặc bành trướng. Ông Ngô Giang Hạo nói: “Chúng tôi yêu cầu các lực lượng bên ngoài khu vực Biển Đông tôn trọng ý chí và nỗ lực của các nước trong khu vực, thay vì tùy tiện xâm phạm chủ quyền và an ninh của các quốc gia ven biển, vô cớ gây rối, cố tình gieo rắc bất hòa hoặc phá vỡ hòa bình và ổn định ở Biển Đông”. Lời phát biểu của ông Ngô Giang Hạo mâu thuẫn với chính các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông:

(i) Ông ta nói Trung Quốc bảo vệ vững chắc hòa bình trên biển và chưa bao giờ lợi dung đại dương để tiến hành xâm lược hoặc bành trướng. Vậy xin mời ông Ngô nhìn lại lịch sử để thấy rõ sự thật. Năm 1974, hải quân Trung Quốc đã lợi dụng lúc Việt Nam đang bận cho công cuộc thống nhất đất nước để dùng vũ lực đánh chiếm quần đào Hoàng Sa lúc bấy giờ đang do Việt Nam Cộng hòa quản lý hay năm 1988 lợi dụng lúc Việt Nam đang khó khăn do cấm vận để gây ra cuộc chiến đẫm máu tại đá Gạc Ma đánh chiếm một số cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa là những sự thật lịch sử chứng minh cho việc Trung Quốc dùng vũ lực xâm lược nước khác, vi phạm trắng trợn Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Đó phải chăng là hành động bảo vệ hòa bình sao?

(ii) Ông Ngô yêu cầu “các lực lượng bên ngoài” ám chỉ Mỹ và các đồng minh “tôn trọng ý chí và nỗ lực của các nước trong khu vực, thay vì tùy tiện xâm phạm chủ quyền và an ninh của các quốc gia ven biển”. Ở đây cần phải khẳng định một cách rõ ràng rằng chính Bắc Kinh đang tùy tiện xâm phạm chủ quyền và an ninh của các quốc gia ven Biển Đông khi họ liên tiếp tiến hành các hoạt động hung hăng, xâm lấn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các nước ven Biển Đông được xác định theo quy định của UNCLOS 1982. Trung Quốc mới chính là người phá vỡ luật pháp quốc tế ở Biển Đông khi không công nhận và không tuân thủ phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi xướng. Cả thế giới đều thấy rõ các hành động hung hăng của Trung Quốc đang đe dọa hòa bình ổn định ở Biển Đông và gieo rắc những nỗi khổ đau cho các ngư dân nghèo của các nước ven Biển Đông khi các tàu hải cảnh, tàu dân quân biển của họ rượt đuổi đâm chìm các tàu cá của các nước ở Biển Đông.

(iii) Ông Ngô còn cao giọng nói rằng trong những tháng gần đây, Biển Đông ngày càng trở thành vấn đề tuyến đầu cho chính sách chống Trung Quốc của Mỹ khi Washington không chỉ thường xuyên điều các hàng không mẫu hạm vào khu vực mà còn hợp tác với các đồng minh gồm Anh và Nhật Bản để tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung đa phương trong khu vực. Trước hết, cần phải nhấn mạnh rằng Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ đưa tàu chiến vào tiến hành tự do hàng hải ở Biển Đông là phù hợp với luật pháp quốc tế với mục tiêu bảo vệ trật tự dựa trên pháp luật ở Biển Đông. Các hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc bắt nạt, cưỡng ép các nước láng giềng ven Biển Đông chính là nguyên nhân Mỹ cùng các nước khác phải can dự vào Biển Đông để hỗ trợ, bảo vệ các nước nhỏ ven Biển Đông trước sự bành trướng, hiếu chiến của Bắc Kinh. Ông Ngô hãy tự xem lại mình khi từ đầu năm đến nay Trung Quốc đã tiến hành hàng chục cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông, bao gồm tập trận bắn đạn thật để uy hiếp các nước ven Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng an ninh hàng hải trên biển. Do vậy việc Mỹ, Nhật cùng các nước khác tiến hành diễn tập quân sự cũng bắt nguồn từ các hành động của Trung Quốc.

Bản thân các nước ven Biển Đông nhận thấy sự cần thiết về sự hiện diện của các tàu chiến Mỹ và các nước ngoài khu vực để tạo sự đối trọng cân bằng với Trung Quốc. Do vậy thay cho những “lời giảng đạo đức”, Bắc Kinh hãy tự chấm dứt các hành vi hung hăng của họ ở Biển Đông, bao gồm các hành động quân sự hóa và tập trận ở Biển Đông để thế giới thấy được sự chân thật trong những lời nói của giới chức Bắc Kinh.

Phát biểu trực tuyến tại Hội nghị, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi “chúng ta cần ủng hộ chủ nghĩa đa phương để cùng bảo vệ trật tự hàng hải. Những đại dương và lục địa không phải là trò chơi cạnh tranh có tổng bằng không”; đồng thời nhấn mạnh rằng “chúng ta cần cùng nhau thúc đẩy kết nối hàng hải và tự do thương mại để duy trì sự ổn định của vận tải biển và các chuỗi công nghiệp, đồng thời chúng ta cần phát triển và sử dụng các nguồn tài nguyên biển một cách có trật tự và cùng nhau làm việc để giải quyết những thách thức toàn cầu như tình trạng ấm lên toàn cầu và mực nước biển dâng cao”. Ông Vương cho rằng không nên lợi dụng các đại dương như một công cụ để tìm kiếm quyền lực toàn cầu đơn phương và “chúng tôi phản đối việc các nước phô trương sức mạnh trên biển, hình thành các bè phái và xâm phạm những quyền lợi hợp pháp của các nước khác để duy trì sự bá chủ hàng hải”. Chúng ta cùng đi tìm hiểu sự thật về những gì ông Vương nói:

Thứ nhất, ông Vương Nghị kêu gọi ủng hộ chủ nghĩa đa phương trong bảo vệ trật tự hàng hải ư? Vậy sao Mỹ và các nước ngoài khu vực đang làm điều đó khi cử tàu đến Biển Đông và khu vực thì Bắc Kinh lại lồng lộn lên để phản đối? Hay đa phương mà ông Vương nói ở đây là chủ nghĩa đa phương của một mình Trung Quốc. Qua đây có thể thấy sự mâu thuẫn ngay trong những lời nói của giới chức Bắc Kinh. Ông Vương không nghe thấy Mỹ và các đồng minh của Mỹ tuyên bố rất rõ ràng “đưa tàu đến hoạt động ở Biển Đông và khu vực để bảo vệ trật tự hàng hải dựa theo pháp luật quốc tế” đó sao? Hay Bắc Kinh muốn trật tự hàng hải phải dựa trên “luật rừng” của họ theo Luật Hải cảnh sửa đổi và Luật An toàn giao thông hàng hải vừa được Trung Quốc ban hành từ đầu năm 2021 đến nay?

Thật trắng trợn và lố bịch khi người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc lại có thể đưa ra được những lời “lừa bịp”, “mị dân” đến vậy. Trên thực tế, các nước ven Biển Đông đang mong muốn vấn đề Biển Đông phải được giải quyết thông qua những nỗ lực đa phương với sự đóng góp của các nước ngoài khu vực, kể cả Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc lại luôn đòi các nước ven Biển Đông phải giải quyết song phương với Trung Quốc để họ có cơ hội gây sức ép nhằm đạt được mục tiêu của họ là bành trướng lãnh thổ và thống trị Biển Đông.

Thứ hai, việc ông Vương Nghị nói rằng “cần phát triển và sử dụng các nguồn tài nguyên biển một cách có trật tự” là thế nào đây trong khi Bắc Kinh luôn ngăn cản, quấy rối các hoạt động đánh bắt thủy sản hay hoạt động dầu khí hợp pháp của các nước láng giềng ven Biển Đông? Giới chuyên gia đặt câu hỏi phải chăng điều ông Vương Nghị nói có nghĩa là Bắc Kinh quản lý hết các nguồn tài nguyên ở Biển Đông và các nước phải “cùng khai thác” với Trung Quốc mới được coi là “có trật tự” còn các nước ven Biển Đông hợp tác với các nước khác tiến hành khai thác trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền của họ là không có trật tự. Giới phân tích cho rằng ông Vương đang cố tình “đánh lận con đen”.

Sự thực là tất cả các nước nhỏ ven Biển Đông đều mong muốn Trung Quốc tôn trọng quyền lợi hợp pháp của họ ở Biển Đông được xác định theo UNCLOS 1982. Việc phát triển và sử dụng nguồn tài nguyên theo đúng các quy định của UNCLOS mới chính là “có trật tự” như ông Vương Nghị nói, do vậy Bắc Kinh hãy dừng ngay các hành vi quấy phá hoạt động dầu khí hay nghề cá của các nước ven Biển Đông.

Ông Vương còn kêu gọi cùng nhau làm việc để giải quyết các vấn đề thách thức môi trường biển, nhưng trên thực tế việc Trung Quốc nạo vét, bồi đắp, mở rộng, quân sự hóa các thực thể ở Biển Đông đã dẫn tới nguy cơ hủy hoại môi trường biển, rất nhiều rạng san hô ở Biển Đông đã bị hủy hoại do các hoạt động nạo vét, bồi đắp các thực thể ở Biển Đông. Việc làm của Bắc Kinh đã để lại những hậu quả khôn lường cho môi trường sinh thái biển ở Biển Đông.

Thứ ba, ông Vương Nghị còn lớn tiếng “phản đối việc các nước phô trương sức mạnh trên biển”, “xâm phạm những quyền lợi hợp pháp của các nước khác để duy trì sự bá chủ hàng hải”. Vậy việc các tàu chiến Trung Quốc, bao gồm tàu sân bay, tàu ngầm Trung Quốc diễu võ dương oai và gần 100 cuộc diễn tập quân sự của hải quân, không quân Trung Quốc ở Biển Đông chẳng phải là việc “phô trương sức mạnh” sao? Theo ông Vương Nghị chắc là Trung Quốc “có quyền phô trương sức mạnh” ở Biển Đông để dọa nạt các nước láng giềng, còn các nước khác thì không được làm điều này sao.

Ông Vương cao giọng phản đối việc “xâm phạm những quyền lợi hợp pháp của các nước khác” thì trước hết hãy phản đối ngay chính quyền Bắc Kinh bởi chính Trung Quốc đang xâm phạm các quyền lợi chính đáng của các nước ven Biển Đông khi cho tàu hải cảnh, tàu dân quân biển và tàu khảo sát uy hiếp, quấy phá các hoạt động dầu khí của các nước láng giềng ở Biển Đông. Và chính Bắc Kinh đang tìm mọi cách để “duy trì sự bá chủ hàng hải” ở Biển Đông khi Trung Quốc tự ý đưa ra các bộ luật trái với các quy định của luật pháp quốc tế ở Biển Đông.

Là một hội nghị chuyên đề, nhưng thực tế nó đã mất đi tính khách quan của một diễn đàn mang tính khoa học bởi Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã sử dụng nó như một công cụ để lừa bịp dư luận về tình hình thực tế diễn ra ở Biển Đông qua phát biểu của 2 quan chức ngoại giao cấp cao ông Vương Nghị và Ngô Giang Hạo.

Một số học giả Trung Quốc tham dự hội nghị chuyên đề này đã vào hùa với hai ông này để bảo vệ cho những quan điểm sai trái của Bắc Kinh về các vấn đề liên quan ở Biển Đông. Ông Trần Tương Miễu (Chen Xiangmiao), Trợ lý nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nam Hải Quốc gia Trung Quốc, nói rằng những phát biểu của các quan chức Trung Quốc đã giải đáp cặn kẽ về những lo ngại của các nước ASEAN đối với Trung Quốc, đồng thời giải thích rõ rằng Trung Quốc sẽ tập trung vào hợp tác và đối thoại hữu nghị, hòa bình với các nước trong khu vực, và Bắc Kinh sẽ không tham vọng bành trướng. Giới phân tích quốc tế nhận định những gì diễn ra ở hội nghị chuyên đề hôm 09/11 đúng là “mẹ hát con khen hay”, khi các học giả Trung Quốc ca ngợi nội dung phát biểu của ông Vương Nghị và ông Ngô Giang Hạo.

Cũng trong ngày 09/11, tờ Thời báo Hoàn Cầu có bài viết với tiêu đề “Trung Quốc cam kết hợp tác hàng hải, đối phó vấn đề biến đổi khí hậu ở Biển Đông trong bối cảnh Mỹ chèn ép ASEAN” để chỉ trích Mỹ. Bài viết dẫn lời giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng cam kết này của Bắc Kinh không giống với những gì Mỹ đang làm khi Washington lâu nay vẫn chèn ép các nước ASEAN “vào hùa” với chương trình nghị sự chống Trung Quốc đầy ích kỷ của Mỹ nhằm gây mất ổn định khu vực.

Sự thực ai chèn ép, lôi kéo, phân hóa, chia rẽ ASEAN mọi người đều đã rõ. Nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi phải chăng “cam kết hợp tác hàng hải” của Trung Quốc là tự vạch ra luật lệ của họ ở Biển Đông bằng việc thông qua Luật Hải cảnh cho phép lực lượng hải cảnh của họ bắn vào tàu thuyền nước ngoài hay thông qua Luật An toàn giao thông hàng hải bắt tàu thuyền nước ngoài khai báo và cho phép các lực lượng chức năng truy đuổi, kiểm soát tàu thuyền nước ngoài hoạt động ở Biển Đông?

“Cam kết” của Trung Quốc “đối với vấn đề biến đổi khí hậu ở Biển Đông” là việc nạo vét, bồi đắp, mở rộng quy mô lớn, quân sự hóa các cấu trúc ở Biển Đông đó sao? Theo đánh giá của các chuyên gia khoa học biển, việc làm này của Trung Quốc đã hủy hoại nghiêm trọng hệ sinh thái môi trường Biển Đông, nhất là đối với môi trường rạng san hô. Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài đã kết luận Trung Quốc vi phạm nghĩa vụ của mình theo Điều 192 và 194 của UNCLOS 1982 trong việc bảo tồn và bảo vệ môi trường biển đối với các hệ sinh thái dễ bị tổn thương, khiến môi trường sinh sống của các loài sinh vật bị đe dọa, sắp cạn kiệt. Phán quyết này của Tòa Trọng tài đã làm sáng tỏ cái gọi là “cam kết” của Bắc Kinh đối với môi trường, khí hậu ở Biển Đông.

Bắc Kinh đã dùng chiêu “kẻ tung người hứng” để cùng nhau lừa bịp dư luận theo kiểu “ru ngủ” các nước về vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, thủ đoạn này của giới chức Bắc Kinh không thể che mắt được thiên hạ. Những gì đang diễn ra trên thực tế đã chứng minh một cách hùng hồn rằng những hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc chính là nguyên nhân gây căng thẳng và rắc rối ở Biển Đông, đe dọa hòa bình, ổn định, tự do an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông, phá hoại môi trường sinh thái trên Biển Đông.

Kim Ngân

RELATED ARTICLES

Tin mới