Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiCông việc sắp tới của Tòa Bạch Ốc

Công việc sắp tới của Tòa Bạch Ốc

Chuyến thăm Đông Nam Á của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong bốn ngày từ 13 đến 16/12 kết thúc sớm hơn dự định. Thay vì thăm ba nước, ông Blinken chỉ thăm được Indonesia và Malaysia. Ngoại trưởng Mỹ buộc phải hoãn thăm Thái Lan vì trong đoàn có một người nhiễm Covid-19.

Đây là chuyến công du Đông Nam Á đầu tiên của ông Blinken trên cương vị ngoại trưởng. Chuyến thăm được coi là nỗ lực của Washington nhằm xốc lại quan hệ với khu vực sau khi có một số băn khoăn về cam kết của Mỹ với châu Á, đặc biệt khi Mỹ và ASEAN kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ đối tác đối thoại vào năm 2022.

Thời dịch bệnh hoành hành kéo dài luôn ẩn chứa rất nhiều bất ngờ, phức tạp. Chỉ riêng việc ông Blinken không tới được Bangkok đã dẫn đến rất nhiều đồn đoán. Song không vì thế mà chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ bị ảnh hưởng đến mục đích. Chủ nhà cả hai nước mà ông đặt chân đến đều đón tiếp trọng thị, cởi mở.

Mục đích chuyến công du của nhà ngoại giao Mỹ gói gọn trong hai vấn đề: Chiến lược của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; thái độ cứng rắn hơn nhằm chống lại hành động bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Phát biểu tại Jakarta (Indonesia), Ngoại trưởng Mỹ Blinken nhấn mạnh chiến lược của Mỹ. Diễn giải có thể hơi dài, nhưng cốt lõi là: làm sâu sắc hơn nữa các quan hệ đồng minh có hiệp ước ở châu Á, tăng cường phối hợp về quốc phòng và tình báo với các đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Ông Blinken mô tả Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là khu vực năng động nhất thế giới. Các nước liên quan đều phải có nghĩa vụ bảo đảm nguyên trạng, không bị ép buộc và đe dọa, nhất là trước các “các hành động gây hấn” kéo dài của Trung Quốc. Mỹ sẽ cùng các đồng minh và một số nước liên quan ở Biển Đông kiên quyết đẩy lùi mọi hành động ngang ngược của Bắc Kinh.

Ngoại trưởng Blinken cho hay, bước vào năm mới, Mỹ sẽ tăng cường quan hệ với các đồng minh hiệp ước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Philippines, đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc phòng và chia sẻ thông tin tình báo với các đối tác ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bảo vệ môi trường internet mở và an toàn.


Phát biểu tại một trường đại học của Indonesia, ông Blinken tuyên bố: “Chúng tôi sẽ làm việc với các đồng minh và đối tác để bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ mà chúng ta đã xây dựng nên trong những thập kỷ qua nhằm bảo đảm khu vực này cởi mở và có thể tiếp cận”.

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh: “Tôi muốn nói rõ: mục tiêu của bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ không phải để kiềm chế ai, mà để bảo vệ quyền của tất cả các quốc gia trong việc lựa chọn con đường của họ, để họ không bị bắt nạt và đe dọa”.

Trước những chỉ trích nặng nề đối với Trung Quốc, nhà cầm quyền Bắc Kinh lập tức đáp trả. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói trong cuộc báo thường kỳ tại Bắc Kinh: Mỹ không nên “cả vú lấp miệng em” mà nên tỏ ra có thiện chí trong việc thúc đẩy hợp tác ở khu vực.

Theo dõi các cuộc khẩu chiến giữa các nhà chiến lược Mỹ và Trung Quốc, giới quan sát đánh giá, dưới thời Tổng thống Joe Biden, những trụ cột trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở thể hiện cách tiếp cận mang đậm dấu ấn của chính quyền mới. Những trụ cột này là cơ sở của những hy vọng thúc đẩy hợp tác giữa Mỹ với các nước trong khu vực đi vào thực chất.

Để thực hiện chiến lược này, Mỹ cần có có sự hợp tác chặt chẽ của các nước trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó ASEAN với vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế. ASEAN được coi là mắt xích quan trọng để thúc đẩy chiến lược này.

Tính đến cuối năm 2021, giá trị của nền kinh tế ở khu vực ASEAN đã tăng 5%. Nếu như năm 2020 mới đạt 105 tỷ USD thì dự kiến sẽ vượt 300 tỷ USD vào năm 2025. Tốc độ tăng nhanh chóng đó có sự hỗ trợ tích cực từ chính phủ Mỹ. Hơn 120.000 doanh nhân các nước ASEAN đã nhận được sự giúp đỡ từ chính phủ và các doanh nghiệp Mỹ.

Đó là điều mà Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – hết sức quan ngại. Không chỉ có, tàu chiến, máy bay, vũ khí, khí tài hiện đại, Mỹ đang tạo ra một “hậu phương thật sự” ở Đông Nam Á, nơi mà Bắc Kinh luôn cố gắng giành giật bằng chính sách ngoại giao “cây gậy và củ cà rốt”, đặc biệt là chiến lược ngoại giao vắc-xin.

Chuyến thăm Đông Nam Á của Ngoại trưởng Mỹ tuy bị rút ngắn song không vì thế mà hạn chế tầm ảnh hưởng. Một nhận xét có vẻ như công thức nhưng không thể nói khác là mở ra nhiều cơ hội để các bên có thể tăng cường hiểu biết lẫn nhau, cùng phối hợp hành động làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác ASEAN – Mỹ trong thời gian tới.

Rõ ràng, Washington đã tạo được thiện chí và kỳ vọng cao giữa các nước ASEAN. Trong bối cảnh Đông Nam Á ngày càng thiếu tin tưởng Trung Quốc, đặc biệt là hành động hiếu chiến của họ trên Biển Đông. Có điều các nước ASEAN luôn mong đợi một chính sách can dự mạnh hơn của Mỹ trong khu vực.

Còn vì sao phải mạnh hơn, mạnh hơn như thế nào là việc của Tòa Bách Ốc.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới