Thursday, November 21, 2024
Trang chủQuân sựVì sao Mỹ thua Việt Nam trong chiến dịch "Điện Biên Phủ...

Vì sao Mỹ thua Việt Nam trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không?”

Sau trận đánh Hải Phòng ngày 16/04/1972, Không quân Mỹ coi B-52 là bất khả xâm phạm, có thể ra vào miền Bắc như “chốn không người”.

LTS: Trong 12 ngày đêm “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, cùng với các lực lượng tên lửa, pháo cao xạ, Không quân nhân dân Việt Nam đã lập nhiều chiến công xuất sắc, bắn hạ 2 “pháo đài bay” B-52 của Mỹ. Nhiều năm đã trôi qua, nhưng vẫn còn nhiều khía cạnh về trận đụng đầu lịch sử này chưa được công chúng biết đến.

Xin trân trọng giới thiệu đến độc giả loạt bài “Không quân Việt Nam trong 12 ngày đêm Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” của nhà báo, nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Cường – nguyên Sĩ quan dẫn đường KQNDVN – về những trận không chiến bảo vệ bầu trời miền Bắc tháng 12/1972.

Kỳ 1. Thắng không kiêu, bại không nản, chuẩn bị sẵn sàng cho chiến thắng

Dày công xây dựng không quân để tiêu diệt B-52

Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” là một trong những chiến thắng vĩ đại trong lịch sử của dân tộc ta, có ý nghĩa to lớn trên nhiều phương diện như chính trị, quân sự, ngoại giao, khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, của Bác Hồ kính yêu; cũng như tinh thần, ý chí quyết chiến, quyết thắng, sức sáng tạo của cán bộ, chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam.

Mỗi khi nhắc đến chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, chúng ta không thể quên lời tiên đoán chiến lược và sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bác Hồ từ nhiều năm trước đây.

Ngay từ năm 1962, Bác đã nhắc nhở bộ đội Phòng không phải tìm hiểu tính năng và cách đánh B-52. Bác nói với Đại tá Phùng Thế Tài ngay khi ông vừa được bổ nhiệm làm Tư lệnh Phòng không: “Chú phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến thằng B-52 này“.

Ngày 12/04/1966, Mỹ sử dụng máy bay chiến lược B-52 ném bom khu vực Đèo Mụ Giạ (Quảng Bình), mở đầu việc leo thang đánh phá của B-52 ra miền Bắc Việt Nam.

Bác Hồ đã chỉ thị cho đồng chí Đặng Tính, Chính ủy Quân chủng PK – KQ: “B-52 đã ném bom miền Bắc, phải tìm cách đánh cho được B-52. Trách nhiệm này Bác giao cho các chú Phòng không – Không quân“.

Cuối năm 1967, khi làm việc với Bộ tư lệnh Quân chủng PK – KQ, Bác khẳng định: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ chuẩn bị. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội“.

Thực hiện lời dạy của Bác, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng và Quân chủng PK-KQ đã nhanh chóng xây dựng lực lượng, chuẩn bị các phương án đánh B-52.

Trở lại năm 1968, sau khi buộc phải chấm dứt chiến dịch “Sấm Rền”, ném bom hạn chế từ Vĩ tuyến 20 trở vào, Mỹ tăng cường đánh phá các tuyến đường vận tải của ta ở Khu 4 chi viện chiến trường. Cường độ hoạt động đánh phá của Không quân và Hải quân Mỹ ra miền Bắc giảm. Đây cũng là thời gian Quân chủng PK-KQ xây dựng và củng cố lực lượng, sẵn sàng chiến đấu.

Riêng với KQNDVN, trong những năm này, Binh chủng Không quân đã củng cố, phát triển lực lượng, huấn luyện nâng cao trình độ bay cho phi công. Tháng 7/1968, cấp trên quyết định thành lập Phi đội bay đánh đêm. Thành phần phi đội gồm thế hệ bay khác nhau, nhưng phần lớn là các phi công mới tốt nghiệp năm 1968, để đánh chặn máy bay B-52.

Lực lượng không quân tiêm kích có bước phát triển mới về lực lượng: Ngày 03/02/1972, Trung đoàn Không quân 927 được thành lập, đây là Trung đoàn không quân thứ hai được trang bị máy bay tiêm kích MiG-21 hiện đại của KQNDVN.

Như vậy, lúc này lực lượng không quân tiêm kích có 04 trung đoàn mang phiên hiệu 921, 923, 925, và 927, trong đó có 2 trung đoàn MiG-21 hiện đại, có khả năng đánh B-52.

Cụ thể, Trung đoàn 927 được trang bị phiên bản MiG-21 F94 (PFM) đóng quân tại sân bay Đa Phúc.

Trong khi đó, Trung đoàn Không quân 921 sử dụng loại máy bay MiG-21 F96 hiện đại hơn, đóng quân ở sân bay Sao Vàng, được giao nhiệm vụ chiến đấu trên vùng trời Khu 4.

Ngành Dẫn đường không quân được tăng cường thêm quân số; tổ chức nhiều đợt tập huấn ngành; chuẩn bị các cách đánh địch theo phương án đã được Binh chủng thông qua và phê chuẩn.

Cuối năm 1971, xuất hiện các triệu chứng Mỹ sẽ quay trở lại đánh phá miền Bắc. Các dấu hiệu địch tình đều cho thấy năm 1972 sẽ là một năm rất ác liệt.

Ngày 28/02/1972, Quân chủng PK-KQ thành lập Sở chỉ huy phía trước tại Mộc Châu. Người chịu trách nhiệm về chỉ huy Không quân là phi công Nguyễn Nhật Chiêu, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 927.

Linebacker I: Học hỏi từ thất bại

Đầu tháng 04/1972, Quân Giải phóng tiến công mạnh mẽ trên khắp chiến trường miền Nam, làm thất bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ.

Để cứu vãn tình thế, Mỹ không còn cách nào khác, phải phát động cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai ra miền Bắc nhằm ngăn chặn chi viện từ miền Bắc vào Nam; đồng thời gây sức ép với ta trong quá trình đàm phán 4 bên tại Paris.

Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã ra lệnh tiến hành chiến dịch Linebacker I, thực hiện kế hoạch từng bước leo thang, vừa đánh vừa đàm, vừa đánh vừa thăm dò.

Đáng chú ý là Mỹ sử dụng cả máy bay ném bom chiến lược B-52 vào đánh phá các mục tiêu ở miền Bắc. Ngày 10/04/1972, Không quân Mỹ sử dụng lực lượng lớn máy bay, trong đó có máy bay B-52 ném bom khu vực thành phố Vinh – Bến Thủy. Ngày 13/04/1972 Mỹ cho B-52 đánh phá Thanh Hóa và sân bay Sao Vàng. Radar không bắt được mục tiêu do nhiễu dày đặc, ta cũng không phóng được quả tên lửa nào.

Từ 3 giờ sáng ngày 16/4/1972, Mỹ liều lĩnh hơn, cho hàng trăm lần tốp máy bay, trong đó có nhiều tốp B-52 ném bom rải thảm thành phố Hải Phòng, đồng thời cho pháo từ hạm tàu bắn vào.

Với thủ đoạn xảo quyệt, Mỹ đã cho máy bay F-4 bay ở độ cao B-52 thường hoạt động, gây nhiễu và đóng giả làm B-52.

Các lực lượng phòng không bảo vệ Hải Phòng đã phóng gần 100 quả tên lửa nhưng không hạ được máy bay B-52. Trận ném bom, bắn pháo ngày 16/04/1972 của Mỹ vào thành phố Hải Phòng đã gây cho ta tổn thất rất lớn về người và của, hàng ngàn người dân thương vong.

Cùng lúc đánh phá Hải Phòng, Mỹ cho nhiều tốp máy bay, đợt nối đợt đánh sâu vào Thủ đô Hà Nội. Kho xăng Đức Giang bị trúng bom và bốc cháy. Lực lượng phòng không của ta đánh trả rất quyết liệt, nhưng không một quả tên lửa nào bắn trúng B-52.

KQNDVN đã cho xuất kích 30 lần chiếc máy bay các loại: MiG-21, MiG-19, MiG-17 từ các sân bay: Kép, Đa Phúc, Yên Bái, Sao Vàng, Anh Sơn để đánh cường kích và B-52. Nhưng địch dùng thủ đoạn cho tiêm kích F-4 đóng giả B-52, gây nhiễu tiêu cực và nhiễu tích cực quá dày nên phía ta bị nhầm lẫn.

Có trận dẫn không gặp địch, có trận dẫn máy bay ta gặp đội hình lớn tiêm kích, có trận dẫn máy bay ta vào thế bất lợi … Ngày 16/4/1972, ba chiếc MiG-21 của ta đã bị bắn rơi, may mắn là phi công nhảy dù an toàn.

Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Đức Soát – một phi công huyền thoại – đã viết trong cuốn nhật ký cá nhân của ông về ngày 16/4/1972: “Tất cả mọi việc xảy ra hôm nay đã thành một dấu ấn cụ thể nhất và rõ nét nhất đóng vào óc những người còn lơ là nghĩ là bọn Mỹ không dám đánh ra. Vấn đề đặt ra trước mắt không phải sợ hay không sợ bọn Mỹ. Chỉ cần khâu chỉ huy khắc phục được nhiễu. Chúng mình sẽ không để cho máy bay B-52 lọt vào được Hà Nội“.

Tâm tư, quyết tâm của ông cũng là tâm huyết, quyết tâm chung của tất cả cán bộ, chiến sĩ trong Quân chủng PK-KQ: Quyết bảo vệ vững chắc bầu trời Thủ đô yêu dấu.

Sau ngày 16/04/1972, Bộ Tổng Tham mưu cử cán bộ xuống cùng Bộ Tư lệnh Quân chủng tổ chức nhiều cuộc họp rút kinh nghiệm, tìm ra nguyên nhân, tìm cách khắc phục những nhược điểm, tìm cách đánh trong điều kiện nhiễu tích cực và nhiễu tiêu cực dày đặc.

Những kinh nghiệm trả bằng máu từ những lần đụng độ với B-52 đã được tích lũy thành một tập tài liệu mỏng chỉ chừng 30 trang đánh máy và in roneo, mang tên “Cẩm nang đánh B-52”, hay “Cẩm nang bìa đỏ”.

Cuốn “Cẩm nang bìa đỏ” là kết quả của cả một quá trình xây dựng hết sức gian khổ, công phu, với tài trí và công lao của các cán bộ có trình độ kỹ thuật, chiến thuật giỏi, dày dạn trong chiến đấu … Tài liệu này đã được đưa ra bàn bạc kỹ tại Hội nghị của Quân chủng PK – KQ ngày 31/10/1972 (hay còn gọi là Hội nghị tháng 10).

Cuốn “Cẩm nang bìa đỏ” đã mang đến cho cán bộ, chiến sĩ PK-KQ những tri thức về cách phân biệt “Bê” thật, “Bê” giả trên màn hiện sóng radar. Viết thành tài liệu là như vậy, nhưng để thực hành được lại rất khó bởi kẻ địch thường xuyên thay đổi thủ đoạn gây nhiễu.

Để bảo vệ các đô thị lớn, các lực lượng đang làm nhiệm vụ ở Khu 4 được lệnh rút về xung quanh Hà Nội, Hải Phòng. Cùng lúc đó, cũng có những lực lượng bí mật di chuyển xa Hà Nội vào phía trong, những người nhận nhiệm vụ này lúc đầu vẫn còn chưa thông.

Sĩ quan dẫn đường màn hiện sóng Lê Thiết Hùng tâm sự: Trong lúc toàn Quân chủng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Hà Nội, quyết không cho máy bay B-52 vào đánh phá Thủ đô, ông lại được nhận nhiệm vụ mới.

Phó Tư lệnh Binh chủng Không quân Trần Mạnh ra lệnh cho ông và một số trợ lý khác cùng 1 Trạm radar dẫn đường khẩn trương cơ động trở vào phía trong. Lê Thiết Hùng còn chưa thông, và lên trình bày nguyện vọng muốn ở lại Hà Nội chiến đấu. Thủ trưởng Trần Mạnh ra lệnh ông phải chấp hành mệnh lệnh.

Cuối cùng, nhờ bố trí hợp lí ở hướng xa Hà Nội, mà trạm radar dẫn đường của Lê Thiết Hùng đã ít bị ảnh hưởng bởi nhiễu. Kể lại câu chuyện này, Lê Thiết Hùng rất ngưỡng mộ, nể phục trí thông minh, tài chỉ huy sáng suốt của Phó Tư lệnh Trần Mạnh.

Ngược lại với những đợt rút kinh nghiệm và chuẩn bị lực lượng của ta; sau những trận leo thang ném bom bằng B-52 mà không bị thiệt hại gì, Mỹ càng huênh hoang coi thường lực lượng PKKQ Việt Nam.

Mỹ tuyên bố: “Giờ đây Không quân Mỹ có thể ném bom vào bất cứ mục tiêu nào trên lãnh thổ Bắc Việt Nam như đi dạo chơi“. Và sự kiêu ngạo đó đã phải trả giá đắt.

Những tên giặc lái của Không quân Chiến lược Hoa Kỳ đã bị trừng phạt ngay trong đêm đầu tiên của Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”: Ngày 18/12/1972, pháo đài bay “bất khả xâm phạm” B-52 đã bị tên lửa phòng không Việt Nam bắn rơi tại chỗ ngay trên bầu trời Hà Nội.

B-52: Tội ác và trừng phạt

Sau khi Hội nghị Paris bế tắc do sự ngoan cố và hiếu chiến của Mỹ, cuối năm 1972, từ ngày 18/12 đến ngày 30/12, Mỹ đã huy động lực lượng không quân, trong đó có máy bay ném bom chiến lược B-52 để rải thảm thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên …

Đây là chiến dịch tập kích đường không lớn nhất trong chiến tranh Việt Nam. Mỹ đã sử dụng 50% tổng số máy bay chiến lược B-52 kết hợp với hàng ngàn máy bay chiến thuật của Không quân và Hải quân Mỹ đang triển khai tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chiến dịch này được đặt tên là Linebacker II.

Theo quan điểm của Mỹ, với cường độ gây nhiễu chủ động và nhiễu thụ động dày đặc thì lực lượng tên lửa phòng không của Việt Nam khó thể bắt được các máy bay B-52, nên không đáng lo ngại.

Ngược lại, họ cho rằng đối thủ chính của B-52 là các máy bay tiêm kích MiG-21 nên tập trung đánh phá liên tục và rất ác liệt các sân bay, chế áp các trạm radar dẫn đường không quân.

Ngay trong ngày 18/12/1972, Mỹ đã ném bom đồng loạt các sân bay hòng ngăn MiG của ta cất cánh. Việc B-52 đánh vào ban đêm cũng là để hạn chế không quân tiêm kích phát hiện máy bay B-52 bằng mắt thường.

Mặc dù vậy, vượt qua mọi khó khăn, KQNDVN đã xuất kích hàng chục lần chiếc trong chiến dịch, tham gia cả đánh ngày và đánh đêm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bắn rơi 8 máy bay Mỹ các loại (5 chiếc bị bắn rơi ban ngày, 3 chiếc bị bắn rơi ban đêm).

Các phi công đánh ban ngày liên tục xuất kích đánh chặn các máy bay chiến thuật của Mỹ, bắn rơi 4 máy bay F-4 và 1 chiếc RA-5C, cụ thể:

Ngày 23/12/1972 phi công Nguyễn Văn Nghĩa bắn rơi 1 máy bay F-4, đây là chiếc máy bay Mỹ đầu tiên bị KQNDVN bắn rơi trong Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”.

Ngày 28/12/1972 phi công Hoàng Tam Hùng, trong một trận đánh đã bắn hạ 2 máy bay Mỹ, gồm 1 chiếc F-4 và 1 chiếc RA-5C. Việc chiếc RA-5C bị bắn hạ đã bổ sung thêm một cái tên vào danh sách các loại máy bay bị KQNDVN tiêu diệt trong chiến tranh.

Ngày 27/12/1972, lúc 13h47, phi công Dương Bá Kháng bắn rơi 1 chiếc F-4. Lúc 14h19 phi công Trần Việt bắn rơi thêm 1 máy bay F-4 nữa.

Về phía các phi công đánh đêm, mục tiêu chính của họ là các máy bay ném bom chiến lược B52 của Không quân Chiến lược Hoa Kỳ:

Phi công Phạm Tuân và phi công Vũ Xuân Thiều đã bắn rơi 2 chiếc máy bay ném bom chiến lược B-52 trong 2 đêm 27 và 28/12/1972, lập nên những chiến tích huyền thoại trong “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”.

Phi công Bùi Doãn Độ trong đêm 29/12/1972 bắn rơi 1 chiếc F-4. Đây là chiếc F-4 đầu tiên của Mỹ bị MiG-21 bắn rơi vào ban đêm.

Đổi lại những thắng lợi đó, hai phi công Hoàng Tam Hùng và Vũ Xuân Thiều đã anh dũng hy sinh, dùng máu xương của mình để viết nên bản hùng ca về những cánh én bạc MiG trong 12 ngày đêm Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới