Tuesday, January 21, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiBài học cho nước Đức trong xử lý vấn đề Biển Đông...

Bài học cho nước Đức trong xử lý vấn đề Biển Đông và TQ

Ngày 02/8/2021, tàu khu trục Bayern rời căn cứ hải quân của Đức bắt đầu hành trình kéo dài 7 tháng tới Thái Bình Dương và Biển Đông, đánh dấu việc Đức triển khai thực hiện những hướng dẫn về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã được Berlin phê chuẩn hồi năm 2020.

Giới quan sát nhận định động thái này của Đức nhằm thể hiện Đức đang đồng hành cùng các đồng minh và đối tác bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp quốc tế ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Biển Đông. Tuy nhiên, do vẫn e ngại việc làm này ảnh hưởng đến quan hệ với Trung Quốc nên Berlin đã có những việc làm “lấy lòng” Bắc Kinh không phù hợp khiến chính Trung Quốc làm cho Đức trở nên “bẽ bàng”. Có hai việc làm cụ thể của Berlin khiến cho sự việc trở nên phức tạp và Đức mất đi thế chủ động của mình.

Một là, cùng với việc điều tàu chiến Bayern đến Biển Đông, Đức tuyên bố không đi vào giới hạn 12 hải lý của các cấu trúc ở Biển Đông mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Đây là một dấu hiệu cho thấy Đức không muốn làm mất lòng Trung Quốc quá nhiều. Dưới thời Thủ tướng Angela Merkel, Đức coi Trung Quốc là một đối tác hợp tác khi xét về tổng thể và hợp tác là khía cạnh chính bởi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức. Do vậy, rõ ràng Đức không muốn tỏ ra quá cứng rắn trong quan hệ với Trung Quốc.

Giới chuyên gia nhận định việc triển khai tàu khu trục đến Biển Đông và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một bước tiến lớn trong chính sách đối ngoại của Đức và là một tín hiệu quan trọng cho thấy Đức quan tâm đến luật pháp quốc tế và tự do hàng hải ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông cũng như có mong muốn hợp tác chặt chẽ với các đối tác chung chí hướng trong khu vực. Tuy nhiên, việc Đức tuyên bố ngay trước chuyến đi rằng không đi vào phạm vi 12 hải lý các cấu trúc ở Biển Đông chẳng khác nào truyền đi một tín hiệu sai lệch cho Trung Quốc và làm mất đi giá trị bảo vệ luật pháp quốc tế của tàu Đức.

Khi hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, việc tàu Bayern có đi vào 12 hải lý các cấu trúc hay không là quyền của Đức bởi đây là quyền qua lại vô hại của các tàu thuyền theo quy định của luật pháp quốc tế, cũng không cần “báo cáo” với Bắc Kinh về hành trình của mình. Một số học giả còn cho rằng việc làm này của Đức cho thấy sự “lo sợ, khúm núm” của Đức trước Trung Quốc, không tương xứng với vị thế chủ chốt ở châu Âu.

Hai là, theo kế hoạch ban đầu của Bộ Quốc phòng Đức, hành trình của tàu Bayern bao gồm các điểm dừng chân như Australia, Guam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và Singapore. Tuy nhiên, vào phút cuối, Đức đã thêm một chuyến dừng chân thân thiện ở Thượng Hải, Trung Quốc như một cách để trấn an Thủ tướng Angela Merkel – nhà lãnh đạo ôn hòa, với chủ trương tránh chọc tức Bắc Kinh trong những ngày cuối cùng tại vị.

Giới chuyên gia phân tích nhận định yêu cầu ghé cảng Thượng Hải trong hành trình ở khu vực của tàu Bayern là một phần thỏa hiệp nhằm giành được sự ủng hộ cho sứ mệnh này từ cả Thủ tướng Merkel và Lãnh đạo nhóm nghị sĩ của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đối lập Rolf Mutzenich. Cả hai đều hoài nghi việc triển khai tàu khu trục tới khu vực do lo ngại vấp phải phản ứng của Bắc Kinh. Đề xuất thăm cảng Thượng Hải là “một động thái ngoại giao cân bằng” của Đức nhằm loại bỏ các suy nghĩ cho rằng nước này đang đối đầu với Trung Quốc.

Ngày 03/8, trong một động thái bất ngờ, Trung Quốc đã từ chối yêu cầu cập cảng Thượng Hải của tàu Đức cho đến khi Berlin đưa ra lời giải thích rõ ràng hơn về việc điều tàu, đồng thời gọi đây là “trò bịp của Đức”. Việc Bắc Kinh yêu cầu Berlin giải trình về mục tiêu tàu Bayern đến khu vực thể hiện cách tiếp cận mới của Trung Quốc đối với EU theo hướng buộc các nước này phải lựa chọn giữa hợp tác, cạnh tranh và đối đầu. Qua cách hành xử này, Trung Quốc muốn nói với các nước rằng họ chỉ được chọn một là hợp tác, hoặc hai là đối đầu với Trung Quốc. Khi đối tác dao động, Trung Quốc sẽ gia tăng áp lực.

Yêu cầu của Bắc Kinh khiến Berlin đứng trước lựa chọn khó khăn. Nếu thông báo cho Bắc Kinh mục tiêu chuyến đi của tàu Bayern thì “mất mặt” với các nước đồng minh và các đối tác trong khu vực vì điều này chẳng khác nào phải báo cáo, xin phép Bắc Kinh và trong trường hợp Trung Quốc yêu cầu điều chỉnh hành trình chuyến đi thì Đức phải làm theo chăng?

Sau một tháng rưỡi chờ đợi, ngày 15/9 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Maria Adebahr cho biết tàu khu trục Bayern của hải quân Đức đã không được Bắc Kinh cho phép cập cảng Thượng Hải. Sự từ chối của Bắc Kinh sau nhiều tuần “đắn đo cân nhắc” là một đòn giáng mạnh vào những hy vọng của Đức khi cho rằng hoạt động cập cảng này có thể giúp tháo gỡ tình thế căng thẳng liên quan đến sứ mệnh hải quân của khinh hạm này. Từ việc tàu khu trục Bayern bị Trung Quốc từ chối cho ghé thăm Thượng Hải có thể rút ra nhiều điều, cụ thể là:

Thứ nhất, Berlin đã phạm phải một “sai lầm to lớn” khi đưa ra từ trước lời yêu cầu phía Bắc Kinh cho cập cảng. Việc đưa ra từ trước lời yêu cầu này chính Đức đã tự trao cho Bắc Kinh “thế chiếu trên”, khiến Berlin phải thấp thỏm chờ đợi và hy vọng rằng việc ghé thăm tại cảng Thượng Hải sẽ như một “món quà” thể hiện tinh thần và thiện chí tốt đẹp của Đức đối với Trung Quốc trong sứ mệnh này. Tuy nhiên, việc từ chối cập cảng đã đem lại vị thế thắng cuộc cho Trung Quốc, trong khi chính quyền Berlin sẽ nhận thấy đây là sai lầm của họ khi đưa ra yêu cầu này từ quá sớm để rồi họ bị rơi vào tình thế khó xử.

Thứ hai, việc Bắc Kinh thẳng thừng từ chối cho tàu Bayern ghé thăm càng cho thấy rõ cách hành xử thô bạo và hung hăng của giới chức Bắc Kinh. Giới quan sát nhận định giờ đây với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và thị trường 1,4 tỷ dân, Bắc Kinh ngày càng trở nên ngạo mạn hơn, họ không ngần ngại trả đũa các nước nếu không hài lòng.

Vụ việc này giúp chính quyền Berlin nhận ra rằng sự chập chững, nhún nhường trước Bắc Kinh chỉ khiến cho họ càng thêm lấn tới để trở nên quyết đoán hơn, mạnh mẽ hơn trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến Biển Đông và trong quan hệ với Trung Quốc.

Thứ ba, việc Bắc Kinh từ chối cho tàu Bayern ghé cảng Trung Quốc được coi là một sự “trừng phạt” đối với Berlin. Tuy nhiên, Bắc Kinh nên hiểu rằng việc họ từ chối sẽ càng tạo tâm lý phản kháng đối với các lực lượng có thái độ mạnh mẽ hơn trên chính trường Đức, vốn ưu tiên một đường lối cứng rắn hơn đối với Trung Quốc và chưa bao giờ cho rằng một chuyến ghé thăm cảng Thượng Hải sẽ giúp ổn định tình hình.

Tại cuộc họp báo hôm 16/9, khi được hỏi về việc Bắc Kinh từ chối tàu Bayern ghé thăm, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng Trung Quốc hy vọng các nước bên ngoài khu vực sẽ đóng “vai trò xây dựng” và tôn trọng các nỗ lực của các nước trong khu vực để duy trì hòa bình và ổn định. Vậy là quá rõ ràng về động cơ của Trung Quốc trong vụ việc này. Trung Quốc đang sử dụng vụ việc này để làm “bẽ mặt” Đức trước các đồng minh Mỹ và phương Tây. Việc Bắc Kinh từ chối đề nghị này của Berlin rõ ràng mang đậm màu sắc chính trị.

Có lẽ Đức phải học tập cách ứng xử quyết đoán của Anh và Pháp trên các vấn đề khu vực và quan hệ với Trung Quốc. Khi điều nhóm tàu tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới khu vực và Biển Đông và cùng nhiều nước tiến hành diễn tập quân sự song phương hay đa phương, London đã thể hiện một thái độ phớt lờ, không thèm đếm xỉa đến các ý kiến của Bắc Kinh. Đặc biệt, hôm 27/9 khi Khinh hạm chống ngầm HMS Richmond (F239) thuộc nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh đã đi qua Eo biển Đài Loan, đại diện của tàu HMS Richmond còn chủ động đăng thông báo trên mạng xã hội Twitter về hoạt động này của tàu HMS Richmond trên đường tới Biển Đông sau khi kết thúc các hoạt động quân sự chung với các đối tác và đồng minh ở vùng biển Hoa Đông. Thái độ cứng rắn, nhất quán của Anh trong triển khai các hoạt động tàu chiến ở khu vực khiến Trung Quốc hết sức tức tối nhưng cũng chẳng làm gì được.

Pháp cũng có một thái độ rất rõ ràng khi điều tàu tới hoạt động ở Biển Đông và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tháng 2/2021, tàu ngầm tấn công hạt nhân SNA Emeraude cùng tàu hỗ trợ BSAM Seine của hải quân Pháp đã thực hiện cuộc tuần tra trên Biển Đông nhằm thách thức các yêu sách vô lý của Trung Quốc tại Biển Đông. Hoạt động này của tàu ngầm Pháp chỉ được Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly thông báo trên Twitter sau khi kết thúc cuộc hành trình. Tiếp đó, tàu đổ bộ tấn công Tonnere và tàu khu trục Surcouf của hải quân Pháp đến hoạt động ở Thái Bình Dương trong vòng 3 tháng (từ tháng 2 đến tháng 5/2021) và vào Biển Đông 2 lần, đồng thời tham gia các cuộc tập trận chung với Mỹ và Nhật Bản vào tháng 5/2021. Hạm trưởng Arnaud Tranchant, chỉ huy tàu Tonnere cho biết, hải quân Pháp muốn củng cố quan hệ đối tác với các nước thuộc nhóm “Bộ Tứ” gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.

Nếu Berlin thực hiện một chính sách mạnh mẽ, quyết liệt hơn với Trung Quốc, không tìm cách làm “yên lòng” Bắc Kinh khi điều tàu chiến Bayern tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Biển Đông thì Bắc Kinh không có cơ hội để làm khó hay trả đũa Berlin.

Cuối cùng là việc Trung Quốc “trừng phạt” Đức không cho tàu khu trục Bayern ghé thăm vô hình chung “gậy ông đập lưng ông”. Diễn biến trên chính trường Đức trong thời gian vừa qua cho thấy thời kỳ hậu Merkel, những quan ngại về Trung Quốc lại càng hiện hữu nổi bật hơn trước. Tâm lý không hài lòng với chính sách của bà Markel trong quan hệ với Trung Quốc được phản ánh rõ trong kết quả bầu cử ở Đức hôm 26/9 với sự thất thế của Liên minh Dân chủ (CDU). Ứng cử viên “định trước” Armin Laschet của CDU cầm quyền và cũng là người được bà Angela Merkel hậu thuẫn thất bại thảm hại; CDU chỉ giành được 24,1% phiếu bầu so với 25,7% số phiếu bầu của Đảng Dân chủ Xã hội (SPD). Sau 16 năm “trị vì” của bà Angela Merkel, nước Đức sẽ có một tân Thủ tướng và chắc chắn sẽ bước sang giai đoạn mới với chiều hướng cứng rắn hơn trong quan hệ với Trung Quốc.

Việc Đức điều chỉnh quan hệ với Trung Quốc theo hướng cứng rắn hơn thì các chính sách của Đức và châu Âu đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông sẽ thay đổi theo hướng có lợi hơn cho các nước nhỏ ven Biển Đông.

Sơn Hà

RELATED ARTICLES

Tin mới