Wednesday, December 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLiệu có hình thành một liên minh vì tự do hàng hải...

Liệu có hình thành một liên minh vì tự do hàng hải ở Biển Đông?

Thời gian gần đây, trong khi Trung Quốc gia tăng các cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông với sự tham gia của nhiều loại khí tài hiện đại, trong đó có cả tàu sân bay, máy bay ném bom chiến lược tầm xa… hòng kiểm soát vùng biển này, thì tàu chiến của các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Australia… cũng lần lượt xuất hiện tại Biển Đông, báo hiệu sự can thiệp của nhiều bên với những toan tính lợi ích khác nhau.

Câu hỏi đặt ra là, để đối phó với các hoạt động “không bình thường” của Trung Quốc, thì liệu có thể hình thành một liên minh vì tự do hàng hải ở Biển Đông không? Giới nghiên cứu bắt đầu tìm câu trả lời thông qua việc tập trung phân tích, làm rõ cơ sở pháp lý và thực tiễn để cho thấy khả năng, triển vọng về một liên minh vì tự do hàng hải ở vùng biển này trong tương lai.

Trả lời cho câu hỏi này, trước hết phải tìm ra nhân tố chủ yếu, chủ lực để có thể đứng ra kết nối, xây dựng liên minh đã. Có lẽ không ai khác hơn, làm ứng cử viên nặng ký cho vấn đề này là Mỹ. Có thể nói, Mỹ có đủ thực lực và cơ sở để gia tăng và mời gọi các nước đồng minh cùng tham gia hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông vì những lý do sau:

Một là, tự do hàng hải trên biển là vấn đề đã được luật biển quốc tế khẳng định; Mỹ thực hiện tự do hàng hải ở Biển Đông là nhằm duy trì và bảo vệ trật tự thế giới trên biển theo quy định của luật pháp quốc tế, mục đích này rất dễ được các nước đồng minh chấp nhận và cùng tham gia.

Tuy không phải là thành viên của UNCLOS 1982, nhưng Mỹ luôn cổ súy cho các quyền tự do biển cả, coi đó là các quyền mang tính tập quán và cần phải được bảo vệ. FONOP là một trong những biện pháp cơ bản được Mỹ sử dụng từ năm 1979, kết hợp giữa ngoại giao và các hoạt động thực địa nhằm bảo vệ các quyền lợi thương mại hàng hải và sự cơ động của lực lượng quân sự Mỹ. Các hoạt động này được lên kế hoạch cẩn thận, chuyên nghiệp, dựa trên UNCLOS 1982 nhằm đề cao tính tuân thủ luật pháp quốc tế mà không gây ra xung đột vũ trang. FONOP của Mỹ vì thế không tập trung vào một bên yêu sách cụ thể nào mà được áp dụng cho cả các đồng minh, các đối tác và các đối thủ cạnh tranh, được thực hiện không chỉ nhằm đáp trả các sự kiện hiện thời. Mỹ khuyến khích và mời các nước tham gia vào các chiến dịch FONOP để bảo vệ luật pháp quốc tế và trật tự thế giới trên biển dựa trên luật lệ.

Hai là, Trung Quốc tăng cường các hành động bá quyền ở Biển Đông, gây quan ngại cho khu vực và là nguyên nhân chủ yếu để Mỹ và đồng minh có thể hình thành một liên minh vì tự do hàng hải ở Biển Đông.

Để thực hiện tham vọng về chủ quyền ở Biển Đông theo yêu sách “đường chín đoạn”, Trung Quốc đã triển khai quyết liệt chiến lược “Tam chủng chiến pháp” trên cả ba mặt trận: pháp lý, tuyên truyền và thực địa. Trên mặt trận pháp lý, ngoài việc chuyển đổi từ yêu sách “đường chín đoạn” sang yêu sách “Tứ sa” (có phạm vi rộng hơn cả yêu sách “đường chín đoạn”), Trung Quốc còn kiên quyết bác bỏ phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016; đơn phương áp đặt một loạt các quy định luật pháp và củng cố các yêu sách trên biển, như thành lập hai “quận” Tây Sa và Nam Sa để quản lý Hoàng Sa và Trường Sa, đặt tên mới cho 80 thực thể chủ yếu nằm trên thềm lục địa của Việt Nam, ban hành Luật Hải cảnh vào tháng 02/2021. Luật này cho phép lực lượng chấp pháp biển có quyền sử dụng vũ khí hạng nặng cả trên không, trên biển, chống lại tàu thuyền nước ngoài được coi là “vi phạm” các vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc. Điều này sẽ dẫn tới nguy cơ hạn chế quyền tự do hàng hải, tự do hàng không của các nước trong và ngoài Biển Đông. Trên thực địa, Trung Quốc ráo riết thể hiện sức mạnh thông qua việc tịch thu ngư cụ, bắt người, đâm chìm tàu cá ngư dân các nước xung quanh Biển Đông; tổ chức diễn tập quân sự với quy mô lớn và dài ngày với sự tham gia của cả tàu sân bay; o ép các công ty dầu khí nước ngoài từ bỏ các hợp đồng dầu khí trên thềm lục địa các nước xung quanh Biển Đông… Năm 2020, Trung Quốc tiến hành 37 cuộc tập trận quân sự trên biển (số lượng lớn nhất từ trước đến nay), trong đó có mục bắn thử tên lửa chống hạm DF-26 vào các tàu chiến đang đi lại bình thường trên Biển Đông. Mỹ và nhiều nước trên thế giới đánh giá, đây là hành động bắt nạt các nước láng giềng nhỏ bé của Trung Quốc, vi phạm nghiêm trọng trật tự thế giới dựa trên luật lệ, gây tác động xấu đến an ninh khu vực.

Ba là, tại Biển Đông, tuy chưa đầy đủ, nhưng đã xuất hiện một số điều kiện để hình thành một liên minh vì tự do hàng hải.

Đầu tiên là các hoạt động FONOP của Mỹ được tổ chức ngày càng bài bản, đi vào chiều sâu, có sự gia tăng cả về sức mạnh và số lần hoạt động. Nếu như trước đó, sau khi lên nắm quyền, chính quyền Tổng thống D.Trump phải cần tới 5 tháng để nối lại các hoạt động FONOP thì ngay trong tháng đầu tiên cầm quyền, khi Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh (02/2021), chính quyền Tổng thống Joe Biden lập tức cùng lúc cử hai tàu sân bay và số lượng lớn tàu chiến tham gia FONOP ở Biển Đông. Hành động này cho thấy, ông Joe Biden không có dấu hiệu nhân nhượng với Trung Quốc và không thay đổi đường lối cứng rắn đã được người tiền nhiệm vạch ra. Tuy nhiên, ông Joe Biden đang có sự thay đổi trong cách tiếp cận. Theo đó, chính quyền Joe Biden đang tích cực điều chỉnh chiến lược biển, tăng cường phối hợp với các đối tác, đồng minh mà nòng cốt là nhóm “Bộ Tứ” tham gia bảo đảm tự do hàng hải. An ninh hàng hải được “Bộ Tứ” xác định là một trong những “thách thức thời đại”. Việc Mỹ thúc đẩy “Bộ Tứ” tham gia bảo đảm an ninh hàng hải cho thấy Washington đang rất cần hợp tác với tất cả các đồng minh và đối tác trong khu vực để đạt được sự ổn định, duy trì an ninh, trật tự khu vực dựa trên luật pháp.

Tiếp theo là, trong khi Mỹ đang thúc đẩy sự tham gia của các đồng minh, đối tác vào việc đảm bảo tự do hàng hải, thì các nước lớn khác bên ngoài khu vực như Anh, Pháp, Đức cũng tỏ ra rất quan ngại trước sự lớn mạnh của Trung Quốc sẽ đe dọa các quyền lợi thiết thân của họ, đặc biệt là tự do và an ninh hàng hải. Vì thế, dưới sự dẫn dắt của Mỹ, các nước này cũng bắt đầu tham gia các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông theo cách làm của riêng họ để vừa duy trì sự tôn nghiêm của luật pháp quốc tế, vừa bảo vệ lợi ích của mình. Sau Công hàm chung gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc ngày 16/9/2020 bác bỏ các yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, ủng hộ sự toàn vẹn của UNCLOS 1982, đề cao sự tôn trọng quyền tự do biển cả, nhất là quyền tự do hàng hải, hàng không trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa và quyền qua lại không gây hại trong vùng lãnh hải, ba nước Anh, Pháp, Đức cũng đã đưa tàu chiến đến thực hiện các hoạt động tự do hàng hải tại Biển Đông. Đến nay, các nước thành viên nhóm G7, trừ Italia, đều có kế hoạch cử tàu chiến đến Biển Đông. Hoạt động này nhằm mục đích tăng cường hiện diện trong khu vực, bảo vệ tự do hàng hải, bảo vệ thương mại cũng như trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. Nó cũng cho thấy các nước trên rất quan tâm tới khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, muốn hợp tác với các nước trong khu vực, với Mỹ và nhóm “Bộ tứ” để bảo vệ các quyền lợi kinh tế ở khu vực.

Cuối cùng là sáu nước ASEAN xung quanh Biển Đông đều ủng hộ lập trường coi UNCLOS 1982 là văn bản pháp lý duy nhất để giải quyết tranh chấp trên biển và ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016. Đây là điều kiện thuận lợi để các nước bên ngoài khu vực có thể hình thành một liên minh vì tự do hàng hải ở Biển Đông.

Tuy nhiên, bên cạnh những lý do kể trên, cũng còn nhiều khó khăn, thách thức không nhỏ để Mỹ và các đồng minh tiến tới hình thành một liên minh vì tự do hàng hải ở Biển Đông. Đó là:

Trong lịch sử quan hệ quốc tế, liên minh được hiểu là sự cam kết chính thức giữa các quốc gia nhằm phối hợp hay tương trợ lẫn nhau để đối phó với các vấn đề an ninh, chống lại các mối đe dọa chung. Liên minh cho phép kết hợp các nguồn lực và phối hợp hành động nhằm nâng cao vị thế của các quốc gia trong liên minh so với các quốc gia không tham gia liên minh. Trên quan điểm chủ nghĩa hiện thực, các quốc gia thành lập liên minh phải dựa trên lợi ích quốc gia của mình và các mục tiêu chung. Tuy nhiên, liên minh cũng có thể là nguồn gốc gây xung đột giữa các quốc gia. Vì vậy, việc thành lập liên minh phải có sự dàn xếp linh hoạt, đòi hỏi phải có chính sách ngoại giao khéo léo.

Sau cuộc gặp cấp cao lịch sử đầu tiên của nhóm “Bộ tứ”, đã có nhiều kỳ vọng về nhóm này sẽ tạo ra một liên minh hàng hải ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, “Bộ tứ” không phải là cơ chế chính thức về quân sự như kiểu “NATO châu Á”, mà chỉ là một diễn đàn không chính thức nhằm trao đổi thông tin và phối hợp các cuộc diễn tập quân sự. “Bộ tứ” tuy có các tuyên bố cứng rắn nhưng không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc vì hầu như tất cả các nước trong nhóm này đều có “va chạm” với Trung Quốc. Các nước này đều có nhu cầu đối trọng với sự lớn mạnh và bành trướng của Trung Quốc tại châu Á – Thái Bình Dương, nhưng lại có sự quan tâm khác nhau. Ấn Độ sẽ ưu tiên hơn cho Ấn Độ Dương, trong khi đó Australia và Nhật Bản sẽ mong muốn có nhiều hoạt động tại Biển Đông và biển Hoa Đông. Điều này sẽ ảnh hưởng đến cơ chế ra quyết định của nhóm “Bộ tứ” dựa trên nguyên tắc đồng thuận. Nhóm “Bộ tứ” có thể sẽ hành động hữu hiệu khi có chiến tranh nổ ra, nhưng Trung Quốc rất khôn ngoan, mặc dù rất hung hăng và hiếu chiến ở Biển Đông, nhưng họ chỉ tiến hành các hoạt động dưới ngưỡng chiến tranh, không tạo cớ cho nước ngoài can thiệp.

Các nước Anh, Pháp, Đức và Australia tham gia vào các hoạt động FONOP tại Biển Đông đều có mục tiêu chung là bảo vệ trật tự biển được xây dựng trên cơ sở UNCLOS 1982, chống lại các hành vi trái với luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Sự vào cuộc của các nước này có thể hình thành một mặt trận để kiềm chế Trung Quốc do Mỹ cầm đầu. Song, các hoạt động FONOP này chủ yếu mang tính biểu tượng, chưa nhiều và chưa đủ sức răn đe để buộc Trung Quốc phải từ bỏ hành vi cứng rắn.

Các nước phương Tây nói trên tuy ủng hộ Mỹ và tham gia các hoạt động FONOP ở Biển Đông, nhưng họ lại không có căn cứ quân sự, hậu cần tại Biển Đông hoặc gần đó để có thể duy trì thường xuyên hoạt động này, cũng như tiết kiệm chi phí. Hơn nữa, họ cũng có những quan tâm chiến lược khác biệt đối với đối thủ cạnh tranh là Trung Quốc, nên khó có thể đưa ra được sự đồng thuận trong phối hợp hành động.

Cuối cùng, muốn hình thành một liên minh vì tự do hàng hải ở Biển Đông thì nhất thiết phải có sự ủng hộ của chính các nước trong khu vực. Sáu nước ASEAN xung quanh Biển Đông tuy đều ủng hộ lập trường coi UNCLOS 1982 là văn bản pháp lý duy nhất để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, nhưng việc Malaysia từng tỏ thái độ không hài lòng với sự hiện diện của tàu chiến nước ngoài trong khu vực sẽ làm cho các nước ASEAN quan ngại. Trong khi đó, Trung Quốc luôn đổ lỗi cho Mỹ và các nước đồng minh lợi dụng tự do hàng hải để xâm phạm chủ quyền, an ninh của các nước ven Biển Đông, chia rẽ ASEAN, gây mâu thuẫn, xung đột, để gia tăng hoạt động mạnh hơn.

Ông Kurt Campbell – Điều phối viên khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Ủy ban An ninh quốc gia Mỹ đã khẳng định: “Tôi cho rằng vấn đề quan trọng nhất trong tranh chấp Biển Đông là quyền tự do hàng hải”. Lời khẳng định này cho thấy, FONOP là một trong những phương cách hữu dụng nhất hiện nay để đối phó với những thách thức của Trung Quốc ở Biển Đông. Nó đề cao sự bảo vệ luật pháp quốc tế và buộc Trung Quốc phải cân nhắc thận trong hơn về cách xử sự ở Biển Đông. Hiện tại, điều kiện để hình thành một liên minh vì tự do hàng hải ở Biển Đông đang hình thành nhưng chưa đủ sức để gắn kết các thành viên với nhau. Điều này còn phụ thuộc vào hành vi và mức độ phản ứng của Trung Quốc và sự đồng lòng của các nước trong và ngoài khu vực ngăn chặn các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế đó của Trung Quốc.

Chí Bảo

RELATED ARTICLES

Tin mới