Sunday, December 22, 2024
Trang chủThâm cung bí sửTại sao tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên lại khó...

Tại sao tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên lại khó khăn?

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gần đây cho biết Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Triều Tiên đã đạt được “nhất trí về nguyên tắc” tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên nổ ra vào năm 1950. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không dễ để đưa ra tuyên bố này.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Tổng thống Hàn hy vọng

Ngày 13/12, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Úc Morrison rằng Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ và Triều Tiên “đã nhất trí về nguyên tắc chính thức tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên”. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng vì Triều Tiên coi việc Hoa Kỳ hủy bỏ “chính sách thù địch đối với Triều Tiên” là điều kiện tiên quyết nên các cuộc tham vấn liên quan vẫn chưa bắt đầu. “Chính sách thù địch đối với Triều Tiên” mà Triều Tiên nói đến thường ám chỉ sự hiện diện quân sự của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên và các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Ông Moon Jae-in cũng nói rằng Hàn Quốc sẽ nỗ lực để đạt được tuyên bố chấm dứt chiến tranh, và tin rằng làm như vậy sẽ giúp tái khởi động đối thoại giữa Hàn Quốc với Triều Tiên, cũng như giữa Triều Tiên và Hoa Kỳ. Ông cho rằng, chỉ có tuyên bố chấm dứt chiến tranh mới có thể chấm dứt tình trạng chiến tranh, xóa bỏ quan hệ thù địch, mở đường cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Chiến tranh Triều Tiên nổ ra vào ngày 25 tháng 6 năm 1950 khi quân đội Triều Tiên xâm lược Hàn Quốc. Liên hợp quốc, với Hoa Kỳ là lực lượng chính, hỗ trợ quân đội Hàn Quốc phản công, trong khi Liên Xô hỗ trợ Triều Tiên, và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đưa quân trực tiếp tham chiến.

Vào ngày 27 tháng 7 năm 1953, các chỉ huy quân sự của Trung Quốc, Triều Tiên, Liên hợp quốc và Hoa Kỳ đã ký hiệp định đình chiến ở Panmunjom, và các bên ngừng bắn cho tới nay. Tuy nhiên, sau 71 năm, tất cả các bên liên quan đến cuộc chiến vẫn chưa ký một tuyên bố chấm dứt chiến tranh hay hiệp ước hòa bình; vì vậy, về mặt pháp lý, Chiến tranh Triều Tiên vẫn chưa kết thúc.

Trong vài thập kỷ qua, khu vực dọc biên giới giữa Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn là một trong những khu vực quân sự hóa nhiều nhất trên thế giới, với hơn một triệu binh sĩ được triển khai gần đó.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng tuyên bố rằng bản thân “tuyên bố chấm dứt chiến tranh” không phải là mục đích cuối cùng, nhưng việc ban hành tuyên bố kết thúc chiến tranh không chỉ mang ý nghĩa chấm dứt việc đình chiến kéo dài hơn 70 năm, mà còn tạo động lực cho việc nối lại đối thoại giữa Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Triều Tiên.

Vào ngày 21 tháng 9, ông Moon Jae-in đã đề xuất tại Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 76 rằng Chiến tranh Triều Tiên nên được chính thức kết thúc. Ông nói: “Khi các bên liên quan đến Chiến tranh Triều Tiên thống nhất tuyên bố kết thúc chiến tranh, tôi tin rằng chúng ta có thể đạt được tiến triển không thể đảo ngược trong việc phi hạt nhân hóa (bán đảo) và mở ra một kỷ nguyên hòa bình hoàn toàn”.

Đại diện đặc biệt của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc về các vấn đề hòa bình và an ninh bán đảo Noh Kyu-duk từng mô tả tuyên bố này là một cử chỉ “mang tính biểu tượng” để thể hiện rằng Seoul và Washington không thù địch với Bình Nhưỡng và tạo động lực để Bình Nhưỡng nối lại đối thoại.

Ông Moon Jae-in một lần nữa tuyên bố tại Hội nghị cấp Bộ trưởng về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Seoul năm 2021 do chính phủ Hàn Quốc tổ chức ngày 7/12 rằng tuyên bố chấm dứt chiến tranh là bước đầu tiên hướng tới hòa bình và phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Một số nhà phân tích cho rằng việc ông Moon Jae-in nhanh chóng thúc đẩy tuyên bố kết thúc chiến tranh là do chính quyền Moon sẽ rời nhiệm sở vào tháng 5 năm sau, và ông cần để lại một di sản chính trị hoàn chỉnh và có ý nghĩa trong quan hệ với Triều Tiên. Tuy nhiên, Frank Aum, chuyên gia về các vấn đề Bán đảo Triều Tiên tại Viện Hòa bình Hoa Kỳ, cho biết ông Moon Jae-in thực sự tin rằng tuyên bố kết thúc chiến tranh có thể giúp đạt được các mục tiêu của ông.

Ông Aum nói: “Ông ấy đang thúc đẩy tuyên bố kết thúc chiến tranh vì ông ấy tin rằng mình có thể giúp khởi động lại các cuộc đàm phán. Bạn biết rằng một trong những mục tiêu chính của ông ấy trong suốt quá trình cầm quyền của mình là cải thiện quan hệ với Triều Tiên, xoa dịu căng thẳng trên bán đảo và nỗ lực đạt được hòa bình cuối cùng. Vì vậy, thúc đẩy tuyên bố kết thúc chiến tranh là một cách giúp đạt được những mục tiêu chính này, ngay cả trong thời gian có hạn của mình”.

Một số báo cáo đã phân tích việc Hàn Quốc tuyên bố không tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh cũng là vì lý do này, vì ông Moon Jae-in hy vọng Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh, cũng như Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018 ở Hàn Quốc, sẽ trở thành cơ hội đột phá cho các cải thiện quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.

Hàn Quốc cũng đã hơn một lần công khai bày tỏ mong muốn tận dụng Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh để kết nối với Triều Tiên. Khi ông Moon Jae-in gặp Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vào tháng 9 năm nay, ông hy vọng Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh sẽ trở thành “một bước ngoặt khác” trong việc cải thiện quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên và đóng góp vào hòa bình ở Đông Bắc Á và thế giới.

Tuy nhiên, ngay cả khi Tổng thống Moon Jae-in thúc đẩy việc ban hành tuyên bố kết thúc chiến tranh trong nhiệm kỳ của mình, thì liệu di sản chính trị của ông ấy có đứng vững trước thử thách của thời gian hay không vẫn còn là một câu hỏi.

Vấn đề nằm ở Triều Tiên và Hoa Kỳ

Theo ông Aum, chìa khóa để các bên liên quan cuối cùng có thể đạt được tuyên bố kết thúc chiến tranh không nằm ở Hàn Quốc hay Trung Quốc, mà nằm ở Hoa Kỳ và Triều Tiên. Trung Quốc cho biết họ sẽ duy trì liên lạc với tất cả các bên và đóng vai trò xây dựng trong các vấn đề liên quan đến tuyên bố chấm dứt chiến tranh.

Ông nói: “Hiện Hoa Kỳ và Triều Tiên đang rất mâu thuẫn và nghi ngờ về tuyên bố kết thúc chiến tranh. Từ quan điểm của Triều Tiên, họ lo ngại rằng tuyên bố như vậy sẽ không giải quyết được những lo lắng của họ và cũng sẽ không chấm dứt chính sách thù địch của Hoa Kỳ đối với Triều Tiên và các lệnh trừng phạt mà họ đang tìm cách dỡ bỏ”.

Bình Nhưỡng luôn phản đối mạnh mẽ việc quân đội Mỹ đóng tại Hàn Quốc, các cuộc tập trận quân sự hàng năm giữa Hàn Quốc và Mỹ cũng như các biện pháp trừng phạt do Mỹ dẫn đầu nhằm vào chương trình vũ khí của Triều Tiên. Tuy nhiên, Washington đã nhiều lần nhắc lại rằng Triều Tiên trước tiên phải từ bỏ vũ khí hạt nhân trước khi các lệnh trừng phạt có thể được dỡ bỏ.

Vào ngày thứ ba sau khi ông Moon Jae-in đưa ra lời kêu gọi ký tuyên bố kết thúc chiến tranh tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Triều Tiên Ri Son Gwo đã trả lời cụ thể vào ngày 23 tháng 9 rằng còn “quá sớm” để ký tuyên bố kết thúc chiến tranh. Ông Ri Son Gwo nhấn mạnh rằng “ưu tiên hàng đầu” hiện nay trên bán đảo Triều Tiên là “loại bỏ các tiêu chuẩn kép của Mỹ và chính sách thù địch đối với Triều Tiên”. Nếu không, dù có được ký kết thì điều đó cũng trở nên vô nghĩa.

Vào ngày 24 tháng 9, bà Kim Yo-jong Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên cũng đã có bài phát biểu về tuyên bố kết thúc chiến tranh. Bà nói rằng tuyên bố chấm dứt chiến tranh của Hàn Quốc là một đề xuất rất thú vị và là một ý tưởng hay. Bà Kim nói Triều Tiên sẵn sàng duy trì liên lạc chặt chẽ giữa hai miền Nam-Bắc và các cuộc thảo luận mang tính xây dựng về việc khôi phục quan hệ và triển vọng phát triển.

Bà cũng đề cập đến “tiêu chuẩn kép và thành kiến, các chính sách thù địch, lời nói và hành động thù địch” của Hoa Kỳ và Hàn Quốc đối với Triều Tiên. Bà nói rằng tuyên bố kết thúc chiến tranh trong bối cảnh như vậy “đơn giản là không thể thực hiện được”.

Vào ngày 29 tháng 9, Tổng Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên, Kim Jong-un, tuyên bố rằng trước khi tuyên bố kết thúc chiến tranh, tất cả các bên liên quan cần tôn trọng lẫn nhau, từ bỏ thái độ thành kiến ​​và bất công, đồng thời xóa bỏ các chính sách thù địch. Chắc chắn đây là gáo nước lạnh dội vào đề xuất của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in về việc tuyên bố chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên.

Ông Aum của Viện Nghiên cứu Hòa bình cho rằng Hoa Kỳ cũng có những lo lắng riêng. Ông nói: “Tương tự như vậy, Hoa Kỳ hơi lo ngại rằng tuyên bố kết thúc chiến tranh sẽ không nhất thiết mang lại cho họ các cam kết phi hạt nhân hóa mà họ đang tìm kiếm từ Triều Tiên. Ngoài ra, một nguy cơ tiềm ẩn khác của việc tuyên bố kết thúc chiến tranh là làm dấy lên nghi ngờ về sự tồn tại của Quân đội Hoa Kỳ và Bộ Chỉ huy Liên hợp quốc tại Hàn Quốc”.

Ông nói rằng nếu tuyên bố kết thúc chiến tranh có hiệu lực, Trung Quốc, Triều Tiên và thậm chí cả Nga sẽ đặt câu hỏi về tính hợp pháp của quân đội Hoa Kỳ tại Hàn Quốc.

Bruce Klingner, một nhà nghiên cứu cấp cao của Quỹ Di sản tại Trung tâm Nghiên cứu Châu Á, một tổ chức tư tưởng bảo thủ ở Washington, đã viết vào tháng 11 rằng việc sớm tuyên bố kết thúc chiến tranh chỉ là một cử chỉ thân thiện và sẽ không cải thiện môi trường an ninh đối với Bán đảo Triều Tiên. Ông nói rằng không phải hiệp định đình chiến thực sự đảm bảo hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, mà là sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ và Hàn Quốc.

Mỹ thận trọng

Sau khi ông Moon Jae-in đưa ra đề xuất tuyên bố chấm dứt chiến tranh tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Hàn Quốc đã cử các quan chức cấp cao tới Mỹ và Trung Quốc để thực hiện các hoạt động ngoại giao nhằm thúc đẩy đề xuất này, nhưng chính quyền Biden đã thận trọng trong thái độ của mình đối với tuyên bố kết thúc chiến tranh.

Vào tháng 10, Trợ lý phụ trách các vấn đề an ninh quốc gia của Toà Bạch Ốc Jack Sullivan đã cho biết khi được hỏi rằng Hoa Kỳ nghĩ gì về việc ông Moon Jae-in tuyên bố chấm dứt chiến tranh để bắt đầu các cuộc đàm phán mới với Triều Tiên, Hoa Kỳ và Hàn Quốc đồng ý rằng ngoại giao và đối thoại là cần thiết để đạt được tiến bộ hiệu quả trong vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên, họ có thể có quan điểm hơi khác nhau về trình tự, thời gian và điều kiện tiên quyết để đưa ra tuyên bố kết thúc chiến tranh.

Dẫu vậy, cuộc thảo luận vẫn tiếp tục. Ngày 23/11, trang mạng “Chính trị gia” của Mỹ dẫn một nguồn tin cho biết, việc soạn thảo văn bản tuyên bố Mỹ – Hàn Quốc về việc chấm dứt chiến tranh trên thực tế sắp hoàn thành, bất đồng lớn nhất là làm thế nào để bao gồm “phi hạt nhân hóa” và cách diễn đạt từ ngữ có thể được Triều Tiên chấp nhận.

Ngoài các cơ quan quản lý hành chính, Quốc hội Mỹ cũng nhấn mạnh việc “phi hạt nhân hóa” Bán đảo Triều Tiên là điều kiện tiên quyết để tuyên bố kết thúc chiến tranh. Vào ngày 7 tháng 12, 35 dân biểu Hoa Kỳ đã gửi một lá thư tới chính phủ liên bang bày tỏ “phản đối tuyên bố kết thúc chiến tranh mà không phi hạt nhân hóa của Triều Tiên và tôn trọng nhân quyền”.

Hoa Kỳ hiện triển khai khoảng 30.000 binh sĩ ở Hàn Quốc, và Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc được thành lập vào cuối Chiến tranh Triều Tiên cũng tiếp tục tồn tại cho đến ngày nay.

Những hành động gần đây của chính quyền Biden chẳng khác nào dội một gáo nước lạnh vào đề xuất của ông Moon Jae-in. Vào ngày 10 tháng 12, chính quyền Biden công bố các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên, và chính phủ Mỹ công bố danh sách trừng phạt Triều Tiên vì vấn đề “nhân quyền”. Đây là một sự phản kháng ngày càng tăng đối với việc tuyên bố kết thúc chiến tranh.

Ông Aum cho rằng, để tuyên bố kết thúc chiến tranh thành công, cần phải có những yếu tố quan trọng sau đây. Đầu tiên, tất cả các bên phải đồng ý rằng tuyên bố kết thúc chiến tranh chỉ mang tính chính trị và không có tính ràng buộc, và không thể giải quyết các vấn đề liên quan đến Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc trong hiệp định đình chiến. Thứ hai, việc tuyên bố kết thúc chiến tranh phải bao gồm một số điều khoản nhượng bộ giữa hai bên, bao gồm việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và đảm bảo an ninh mà Triều Tiên lo ngại. Ông nói rằng chỉ bằng cách này thì mới có thể khởi động lại các cuộc đàm phán.

Nỗ lực trước đây đã thất bại

Đây không phải là lần đầu tiên Hàn Quốc muốn tuyên bố chấm dứt chiến tranh. Vào tháng 11 năm 2006, Tổng thống Hàn Quốc lúc bấy giờ là Roh Moo-hyun đã đề xuất ý tưởng về tuyên bố kết thúc chiến tranh trong cuộc gặp với Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush Jr. Vào tháng 10 năm 2007, chính quyền Roh Moo-hyun đã viết “Tuyên bố chấm dứt chiến tranh” thành “Tuyên bố về phát triển quan hệ Bắc-Nam, hòa bình và thịnh vượng” ban hành sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ hai. Đây là lần đầu tiên tuyên bố kết thúc chiến tranh được đề xuất một cách rõ ràng. Năm 2008, với sự ra đi của ông Roh Moo-hyun và Triều Tiên liên tục thử hạt nhân, “tuyên bố kết thúc chiến tranh” đã bị gác lại.

Vào tháng 4 năm 2018, ông Moon Jae-in và Kim Jong-un đã nhắc lại tuyên bố kết thúc chiến tranh trong Tuyên bố Panmunjom. Vào tháng 6 cùng năm, Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump đã gặp Kim Young-Chol, Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên, và nói rằng Bán đảo Triều Tiên có thể đề xuất một tuyên bố kết thúc chiến tranh. Nhưng với thất bại của cuộc hội đàm thượng đỉnh giữa Triều Tiên và Hoa Kỳ tại Hà Nội tháng 2/2019, tình hình bán đảo Triều Tiên một lần nữa đi vào bế tắc.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới