Giữa lúc các tàu sân bay Mỹ giảm tần suất hoạt động, nhóm tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc lại lên đường tới Thái Bình Dương tập trận.
Nhóm tàu Trung Quốc do tàu sân bay Liêu Ninh dẫn đầu đang tiến vào Thái Bình Dương để tiến hành đợt tập trận quân sự mới.
Cuộc tập trận của nhóm chiến hạm Trung Quốc diễn ra giữa lúc các tàu sân bay Mỹ hoặc di chuyển tới Ấn Độ Dương, hoặc trở về quân cảng để nghỉ lễ Giáng sinh và mừng Năm mới.
Các nhà phân tích quốc phòng nhận định, động thái của Trung Quốc cho thấy hải quân nước này vẫn duy trì tình trạng cảnh báo, ngay cả khi dàn tàu chiến Mỹ không còn xuất hiện gần.
Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, được tàu khu trục Type 055 Nanchang, tàu hộ vệ Type 054A Rizhao và tàu cung ứng Hulun Lake hộ tống. Nhóm tàu Trung Quốc được phát hiện có mặt ở khu vực cách phía tây quần đảo Danjo 350 km vào ngày 15/12. Đội tàu Trung Quốc tiếp tục di chuyển qua eo biển Miyako và tiến vào Thái Bình Dương vào ngày 16/12.
Dù đội hình trên không thuộc quy mô của một nhóm tác chiến tàu sân bay, song theo ông Lu Li-shih, cựu huấn luyện viên tại Học viện Hải quân Đài Loan ở thành phố Cao Hùng, dường như ít nhất sẽ có thêm 1 chiến hạm tham gia tập trận với nhóm tàu sân bay Liêu Ninh.
“Quân đội Trung Quốc thường triển khai các tàu chiến mà đôi khi chỉ là 1 chiến hạm di chuyển qua chuỗi đảo thứ nhất để thực hiện nhiều nhiệm vụ, và sau đó yêu cầu tàu này tham gia tập trận cùng một nhóm tàu chiến quy mô nhỏ”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Lu nói.
Chuỗi đảo thứ nhất chạy từ Nhật Bản tới bán đảo Mã Lai và bao gồm Đài Loan đóng vai trò quan trọng đối với chiến lược của Mỹ trong khu vực. Ngoài ra, các lực lượng Trung Quốc cũng thường xuyên đi qua khu vực này để tiến vào Thái Bình Dương.
Cũng theo ông Lu, hôm 14/12, hải quân Nhật Bản thông báo đã phát hiện tàu khu trục tên lửa dẫn đường Type 054D Xiamen của Trung Quốc đi qua eo biển Miyako. Do đó, khả năng tàu Xiamen sẽ cùng tham gia với nhóm tàu sân bay Liêu Ninh tập trận ở Thái Bình Dương.
Quân đội Trung Quốc hiện có 2 tàu sân bay đang hoạt động và chiếc thứ 3 sắp hoàn thành. Tất cả nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc được thiết kế để hoạt động ngoài phạm vi chuỗi đảo thứ nhất nhằm ngăn chặn các lực lượng nước ngoài can thiệp trong hoàn cảnh xung đột bùng nổ ở eo biển Đài Loan.
Lâu nay, Trung Quốc chỉ xem Đài Loan là một tỉnh ly khai và nhiều lần ám chỉ sẵn sàng dùng vũ lực để sáp nhập hòn đảo này vào lãnh thổ đại lục.
Trong khi quân đội Trung Quốc vẫn tích cực tiến hành các hoạt động diễn tập, 2 nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ làm nhiệm vụ tuần tra ở Thái Bình Dương đã cắt giảm tần suất hoạt động trước thềm nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới.
Theo Viện Hải quân Mỹ, tàu sân bay USS Ronald Reagan đã trở về quân cảng ở thành phố Yokosuka của Nhật Bản, còn tàu sân bay USS Carl Vinson đang có mặt trên Ấn Độ Dương.
Ông Zhou Chenming, nhà nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ và Khoa học quân sự Yuan Wang, cho rằng “quân đội Trung Quốc sẽ không dừng các hoạt động triển khai quân sự và tuần tra thường xuyên quanh đảo Đài Loan”.
Bởi theo ông Zhou, Bắc Kinh lo ngại về hoạt động tương tác gia tăng giữa các nghị sĩ và giới chức Mỹ với Đài Loan, đồng thời Trung Quốc muốn tăng cường an ninh ở eo biển Đài Loan.
Hồi đầu tháng này, SCMP đưa tin tàu đổ bộ tấn công Type 075 thứ hai của quân đội Trung Quốc có khả năng sẽ được điều động tới Chiến khu Đông Bộ, đơn vị chịu trách nhiệm giám sát eo biển Đài Loan.
Vào tuần trước, CCTV đưa tin tàu đổ bộ tấn công Type 075 đầu tiên hiện có mặt ở Chiến khu Nam Bộ đã đạt được năng lực vận hành đầy đủ. Đây được xem là yêu cầu cơ bản trong việc triển khai các tàu chiến của Trung Quốc.
Với trọng lượng 31.000 tấn khi không có hàng và 40.000 tấn khi có đầy đủ máy bay và thủy thủ đoàn, Type 075 lớn hơn nhiều so với các tàu sân bay và tàu đổ bộ của nhiều nước như Ý, Pháp, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như của Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan. Kích thước của Type 075 gần tương đương với tàu sân bay lớp Wasp của Mỹ hay một tàu thời Thế chiến thứ Hai.
T.P