Sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte đã tích cực tìm kiếm quan hệ thương mại gần gũi hơn với Trung Quốc. Để lấy lòng Bắc Kinh ông Duterte thậm chí đã lờ đi việc Philippines thắng kiện Trung Quốc về quyền bất hợp pháp của Trung Quốc tại Biển Đông. Hơn thế nữa ông Duterte còn định chấm dứt Hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ mà các đời tổng thống trước đã kí.
Với cách lấy lòng Trung Quốc nêu trên, ông Duterte tưởng rằng Trung Quốc sẽ chấm dứt việc gây hấn trên biển với Philippines và sẽ gia tăng việc đầu tư vào nền kinh tế.
Nhưng rồi ngoại trừ việc Trung Quốc tiếp tục nhập khẩu chuối và một số nông sản khác của Philippines, còn việc đầu tư thì Trung Quốc chẳng mặn mà gì, chỉ hứa chứ không thực hiện. Ở trên biển, Trung Quốc tiếp tục gây hấn, cho tàu dân quân biển liên tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, cho tàu quân sự, tàu hải cảnh ngăn cản quân đội Philippines tiếp tế cho đơn vị đồn trú trên biển. Trong năm 2021 các tàu công vụ của Trung Quốc đã liên tục thách thức tàu tuần tra Philippines bằng còi báo động và gửi những thông điệp “khiêu khích” bằng liên lạc vô tuyến 200 lần trên Biển Đông.
Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) đã lên tiếng phản đối kịch liệt vì cho rằng “những hành động khiêu khích này đe doạ hoà bình, trật tự và an ninh của Biển Đông cũng như đi ngược lại với các nghĩa vụ của Trung Quốc theo luật pháp quốc tế” (DFA đăng trên Twitter chính thức).
Từ năm 2010 đến nay, Philippines đã gửi tới 80 công hàm ngoại giao phản đối Trung Quốc. Trong năm 2021, Philippines cũng đã gửi một số công hàm ngoại giao phản đối sự hiện diện và hoạt động “bất hợp pháp” của các tàu Trung Quốc tại khu vực mà Manila cho là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này.
Trước sự phản đối của Philippines, Trung Quốc đã lờ đi không phản hồi. Căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh liên quan đến Biển Đông vẫn luôn âm ỉ và gia tăng căng thẳng trong thời gian qua.
Thực tế đó đã buộc Philippines phải thay đổi hành động, bên cạnh việc đầu tư cho tàu tuần duyên và Hải quân Manila còn quyết định sửa đổi Hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ để đối phó với Trung Quốc. Tại sự kiện trực tuyến kỷ niệm 70 năm Hiệp ước phòng thủ chung Philippines – Mỹ (MDT) năm 2021, ông Lorenzana, Bộ trưởng Quốc phòng cho rằng hai nước cần xem xét sửa đổi MDT và các hiệp ước quốc phòng khác, nhằm đảm bảo hai nước có thể đối phó tốt hơn với các mối đe doạ quân sự “chiến lược vùng xám của Trung Quốc”.
H.B