Wednesday, January 22, 2025
Trang chủBiển nóngTàu sân bay TQ tập trận "thường kỳ" ở Biển Đông

Tàu sân bay TQ tập trận “thường kỳ” ở Biển Đông

Cả hai tàu sân bay hiện có của Trung Quốc đều đã lên đường tập trận “thường kỳ”, trong bối cảnh tàu sân bay thứ ba đang gấp rút hoàn thành. Tốc độ phát triển tàu sân bay của Trung Quốc xem ra đang khiến phía Mỹ lo lắng.

Việc Trung Quốc tung 100% lực lượng tàu sân bay ra biển diễn ra vào thời điểm các tàu sân bay của Mỹ ở tây Thái Bình Dương đã cập cảng hoặc chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ Giáng sinh.

Song kiếm hợp bích

Cuối tuần rồi, truyền thông Trung Quốc xác nhận nhóm tàu Liêu Ninh – tàu sân bay Trung Quốc mua từ Ukraine và hoàn thiện trong nước – đã tiến vào Tây Thái Bình Dương để tập trận.

Chưa đầy 1 ngày sau đó, Nhân Dân Nhật báo loan tin tàu sân bay Sơn Đông cũng tiến xuống một “địa điểm không tiết lộ ở Biển Đông” để tập trận mô phỏng chiến đấu.

Tàu sân bay Sơn Đông là tàu sân bay thứ hai của hải quân Trung Quốc nhưng là tàu đầu tiên được đóng mới 100% trong nước dựa trên tàu Liêu Ninh. Con tàu được biên chế cho hạm đội Nam Hải của Trung Quốc trực chiến khu vực Biển Đông sẽ thực hiện các bài tập “định hướng chiến đấu thực tế” trong cuộc tập trận lần này.

Theo Nhân Dân Nhật báo, các khoa mục diễn tập của tàu Sơn Đông gồm cất/hạ cánh, kiểm soát thiệt hại và tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Đây không phải là lần đầu tiên tàu Sơn Đông tập trận trên Biển Đông trong năm 2021. Đợt tập trận lần này diễn ra trùng thời điểm siêu bão Rai tiến vào Biển Đông và tròn 2 năm tàu Sơn Đông được biên chế cho hạm đội Nam Hải.

Chuyên gia quân sự Wei Dongxu của Trung Quốc tỏ ra tự tin khi cho rằng hai tàu sân bay của Trung Quốc sẽ sớm hợp thành một, từ đó gia tăng sức mạnh tại các vùng biển xung quanh Trung Quốc.

Cho đến nay Trung Quốc có hai tàu sân bay đang hoạt động, sắp hoàn thành chiếc thứ ba và tất cả các nhóm tác chiến tàu sân bay của Trung Quốc được thiết kế để hoạt động bên ngoài chuỗi đảo đầu tiên kéo dài từ cực nam Nhật Bản đến Philippines.

Trong chuỗi đảo này, Đài Loan là một mắt xích quan trọng. Theo báo South China Morning Post, việc Bắc Kinh xây dựng năng lực tàu sân bay vượt ngoài chuỗi đảo đầu tiên nhằm ngăn chặn các lực lượng nước ngoài can thiệp trong trường hợp thu hồi Đài Loan. Bắc Kinh coi hòn đảo này là một phần lãnh thổ và để ngỏ việc sử dụng vũ lực để thu hồi nếu Đài Bắc tuyên bố độc lập.

Đô đốc Mỹ kêu gọi đồng minh phối hợp

Theo Lầu Năm Góc, hạm đội tàu sân bay của hải quân Mỹ vốn gặp ít thách thức ở Thái Bình Dương đang đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng từ chương trình tàu sân bay của Trung Quốc. Tàu sân bay thứ ba đang hoàn thiện dự kiến gia nhập hải quân Trung Quốc vào năm 2024 và có thiết kế tiệm cận với các tàu sân bay hiện đại nhất của Mỹ.

Các hình ảnh vệ tinh cho thấy boong tàu sân bay thứ ba đã loại bỏ thiết kế kiểu “nhảy cầu” và nhiều khả năng sẽ trang bị máy phóng điện từ máy bay. Điều này giúp chiến đấu cơ tiết kiệm nhiên liệu và tăng trọng lượng cất cánh, đồng nghĩa khối lượng vũ khí mang theo sẽ nhiều hơn.

Trung Quốc đang cho thấy sự cải tiến về mặt này. Tuần trước, Thời báo Hoàn Cầu tiết lộ nước này đang nâng cấp tiêm kích J-15 trên tàu sân bay từ chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 lên thế hệ thứ 4+.

Các cải tiến mới bao gồm giá treo vũ khí, hệ thống rađa mảng pha quét điện tử chủ động tiên tiến cho phép sử dụng tên lửa không đối không PL-15. Trong tương lai, J-15 sẽ được sử dụng trên hai tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc và tàu sân bay mới.

“Hãy nhìn những gì người Trung Quốc đã làm. Chủ tịch Tập Cận Bình đã giao nhiệm vụ cho các lực lượng của mình ngang bằng về quân sự với Mỹ vào năm 2027. Đó là những lời của ông ấy” – đô đốc Mỹ John Aquilino phát biểu tại Diễn đàn an ninh quốc tế Halifax vào cuối tháng 11.

Đô đốc Aquilino cho rằng các đồng minh cần phối hợp nhiều hơn với Mỹ để tuần tra các vùng biển trong khu vực và cho thấy phản ứng nhanh hơn, mạnh hơn để tạo ra sự răn đe.

Tư lệnh hạm đội 7 của Mỹ, phó đô đốc Karl Thomas, cũng phát đi thông điệp tương tự. “Bốn tàu sân bay là một con số tốt nhưng 6, 7 hoặc 8 sẽ tốt hơn” – ông Thomas nói hồi cuối tháng 11, sau cuộc tập trận hải quân giữa hai tàu sân bay Mỹ với tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh và tàu sân bay trực thăng của Nhật Bản.

Viễn cảnh về một Tây Thái Bình Dương đông đúc tàu sân bay hoặc các tàu có khả năng hoạt động như tàu sân bay xem ra không còn xa nữa.

Mỹ cần chia sẻ công nghệ quốc phòng

Theo cây bút Craig Hooper của tờ Forbes (Mỹ), nên tăng tốc chia sẻ công nghệ quốc phòng, đặc biệt là công nghệ tàu sân bay, với các đồng minh trong khu vực nếu muốn tạo đối trọng với Trung Quốc.

Tiêm kích F-35B và máy phóng điện từ là những công nghệ “tuyệt vời” để chuyển giao, ngoài ra còn có những công nghệ khác giúp đồng minh/đối tác đóng tàu sân bay.

Theo ông Hooper, điều này không chỉ củng cố quan hệ Mỹ với các nước mà còn đem lại lợi ích cho công nghiệp quốc phòng Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới