Sunday, December 22, 2024
Trang chủQuân sựTQ "cao giọng" với Nhật Bản về vấn đề Đài Loan

TQ “cao giọng” với Nhật Bản về vấn đề Đài Loan

Giới chức Nhật Bản và Trung Quốc đã cáo buộc lẫn nhau trong một cuộc đối thoại trực tuyến, nhưng cũng nhất trí cải thiện liên lạc trong lúc căng thẳng.

Một tàu đổ bộ lưỡng cư của Nhật Bản trong một cuộc tập trận hồi tháng 11 vừa qua.

Chính quyền Bắc Kinh cảnh báo Tokyo không nhúng tay vào các vấn đề chủ quyền của Trung Quốc, đặc biệt là vấn đề Đài Loan, trong một cuộc đối thoại trực tuyến về những vấn đề hàng hải có sự tham dự của các quan chức ngoại giao, quốc phòng, năng lượng và ngư nghiệp đến từ hai nước.

Cho rằng các cuộc tập trận chung giữa Nhật Bản với Mỹ cùng nhiều nước khác ở Biển Đông và biển Hoa Đông gây ảnh hưởng tới an ninh hàng không và hàng hải trong khu vực, Bắc Kinh còn “nêu ra những phát ngôn và hành động sai lầm của phía Nhật Bản về eo biển Đài Loan”, theo văn bản mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra.

Cũng trong hôm đầu tuần này, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cáo buộc Mỹ và nhiều nước khác cố tình “lợi dụng Đài Loan để kìm hãm Trung Quốc” bằng cách tạo dựng mối quan hệ gần gũi hơn với hòn đảo tự trị này. Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và cần tái thống nhất, dù bằng vũ lực.

Hồi đầu tháng này, cựu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cảnh báo rằng Tokyo và Washington sẽ không ngồi yên nếu như Bắc Kinh tấn công Đài Loan. Bắc Kinh phản ứng hết sức phẫn nộ, triệu tập Đại sứ Nhật Bản Hideo Tarumi để làm rõ về phát “sự ủng hộ trơ tráo” của ông Abe đối với các thế lực độc lập Đài Loan.

Giới chức Tokyo cũng phản ứng trong cuộc họp trực tuyến hôm đầu tuần này, nói rằng các tàu của Trung Quốc đã liên tục xâm phạm vào vùng biển của Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), theo hãng Jiji Press. Họ cũng nêu ra quan ngại về việc chiến hạm của Trung Quốc và Nga cùng tuần tra, di chuyển sát các đảo của họ trong tháng 10 vừa qua.

Nhật Bản từ lâu đã phản đối các hoạt động của lực lượng hải cảnh Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt là sau khi Trung Quốc thông qua luật Hải cảnh mới vào đầu năm nay, cho phép lực lượng này khai hỏa vào các tàu nước ngoài ở những vùng biển tranh chấp.

Bất chấp tình trạng căng thẳng, hai bên vẫn nhất trí về các bước tăng cường thông tin liên lạc và hợp tác, trong đó có các nỗ lực thiết lập đường dây nóng giữa quân đội hai nước. Họ cũng tuyên bố sẽ “quản lý đúng cách…các bất đồng và khác biệt hàng hải” và “biến biển Hoa Đông thành một vùng biển của hòa bình, hợp tác và hữu nghị”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới