Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Nước cờ lùi” của ông Hun Sen?

“Nước cờ lùi” của ông Hun Sen?

Campuchia tiếp quản cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2022, ông Hun Sen, nói cứng rằng: “Campuchia sẽ phấn đấu để đạt được COC”. Tuy nhiên, ông lại cũng gài sẵn: Trong trường hợp không ký được COC ở Phnom Penh thì cũng đừng đổ lỗi cho Campuchia.

Nếu có COC, Biển Đông sẽ ổn định.

Lời quả quyết đạt được Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) trên được Thủ tướng Campuchia đưa ra trong phát biểu tại lễ khánh thành khách sạn Hyatt Regency Phnom Penh, ngày 15/12/2021. Nhà lãnh đạo Campuchia nhấn mạnh ý nghĩa của mục tiêu đó: “Tôi sẽ cố gắng phối hợp với các nước Asean khác và cả Trung Quốc để đàm phán về một COC có thể chấp nhận được đúng dịp kỷ niệm 20 năm ký kết Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Nếu COC được ký kết tại Campuchia khi Campuchia làm Chủ tịch Asean thì Campuchia sẽ rất vui mừng vì DOC ra đời ở Phnom Penh và COC ra đời ở Phnom Penh.”

Không cần quá tinh ý cũng thấy, ông Hun Sen muốn gì trong tuyên bố của mình.

Thứ nhất, ông Hun Sen muốn nhắc lại để cộng đồng quốc tế, trước hết là các quốc gia trong Asean, đừng có quên “công lao” của Campuchia – nước chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh Asean lần thứ 8, năm 2002. Chính tại hội nghị này, DOC – văn kiện chính trị đầu tiên mà Asean và Trung Quốc đạt được có liên quan đến vấn đề Biển Đông, được coi là bước đột phá trong quan hệ Asean -Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Tất nhiên, khi thể hiện sự “kể công” trên, ông Hun Sen lờ tịt thực tế rằng: DOC đạt được tại Campuchia, nhưng thực ra khi đó, vai trò quan trọng nhất thuộc do sự quyết liệt, quyết tâm của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei – những quốc gia liên quan trực tiếp tranh chấp quần đảo Trường Sa, chứ đâu phải một tay nước chủ nhà Campuchia thu xếp.

Thứ hai, ông Hun Sen muốn ngụ ý, chẳng kém nước nào, Campuchia là quốc gia có trách nhiệm. Không trách nhiệm, việc gì họ phải sốt sắng với một việc không những chẳng hề liên quan trực tiếp đến lợi ích của họ, mà còn khó khăn, cực kỳ nhạy cảm khi chịu sự giám sát, soi mói của ông bạn đồng minh lớn phương Bắc Trung Quốc.

Thứ ba, khẳng định trách nhiệm của Campuchia trong hoàn cảnh éo le như thế, cũng là cách ông Hun Sen giải cái “oan Thị Mầu” mà Campuchia phải cay đắng gánh chịu trong sự hoài nghi, miệt thị của dư luận.

Cái oan đó là: Campuchia bị nghi ngờ ôm chân Trung Quốc. Ôm chân Trung Quốc nên 10 năm trước Campuchia đã ngăn cản nỗ lực của cả Asean. Vì ngăn cản của Campuchia, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Asean họp tại nước này thất bại, không thể ra được Tuyên bố chung…. Sau 10 năm, tới thời điểm này, ông Hun Sen mới có thể trần tình trước dư luận: “Việc không thể đưa ra tuyên bố chung không phải vì Campuchia bênh vực Trung Quốc, mà do các quốc gia có chủ quyền ở Biển Đông yêu cầu Chủ tịch ASEAN phải công nhận hòn đảo này là của riêng và vùng biển này thuộc quyền sở hữu của quốc gia được công nhận…”.

Một khi đã thanh thoát, được nói thẳng, nói thật, nói hết điều ấm ức, oan uổng chất chứa từ lâu, lần này, tưởng Campuchia sẽ làm bằng được để đạt được thỏa thuận về COC, qua đó, chứng tỏ cho Asean và dư luận biết ý chí, bản lĩnh, khả năng tổ chức, thuyết phục của mình, thì thật thất vọng và bất ngờ khi cũng trong lần tuyên bố trên, ông Hun Sen “thòng” thêm đoạn cuối: “Trong trường hợp không ký được COC (năm 2022 – TG) ở Phnom Penh thì cũng đừng đổ lỗi cho Campuchia vì những lý do rất dễ hiểu. Các nước chủ trì Asean trước Campuchia đã không thể thực hiện quyết định COC, vậy tại sao lại đổ lỗi khi Campuchia không làm được. Xin đừng bắt Campuchia làm quan tòa xét xử tranh chấp lãnh thổ tại khu vực Biển Đông, quan điểm của Campuchia nhất quyết không thay đổi”.

Hóa ra, to tiếng, đạo mạo thế, nhưng vẫn là một Campuchia y chang như từ năm 2012, không ra khỏi cái bóng của Trung Quốc. Vì Campuchia quá hiểu rằng, tỏ ra nôn nóng, đưa ra các tuyên bố lạc quan về tiến độ đàm phán COC, đồng thời, ra vẻ mình lúc nào cũng thiện chí và sẵn sàng, kỳ thực, Bắc Kinh là bên quyết tâm nhất không muốn có một COC được xây dựng căn cứ vào luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật biển 1982. Không muốn bởi nếu thế, coi như họ từ bỏ yêu sách “đường chín đoạn” nuốt gần 90% diện tích Biển Đông.

Một khi Bắc Kinh đã không muốn, Phnom Penh đố dám đấy!

Thế nên, mạnh miệng, ông Hun Sen vẫn phải tính trước “nước cờ lùi”!

Đ.T

RELATED ARTICLES

Tin mới