Sunday, December 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVì sao chính quyền Biden quan tâm đặc biệt Đông Nam Á?

Vì sao chính quyền Biden quan tâm đặc biệt Đông Nam Á?

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Mỹ ngày 26/10/2021 là một sự kiện nổi bật được dư luận đặc biệt chú ý do có sự hiện diện của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Sau 4 năm kể từ năm 2017, mới lại có nhà lãnh đạo cường quốc hàng đầu thế giới tham gia Hội nghị cấp cao Mỹ-ASEAN, khối mà Washington coi là then chốt trong chiến lược đẩy lùi Trung Quốc.

Trong thông cáo báo chí đề ngày 26/10, Nhà Trắng một lần nữa khẳng định sự gắn bó và “cam kết vững chắc của Mỹ đối với vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực và việc thực hiện ‘tầm nhìn của Mỹ về một vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Phát biểu khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN – Mỹ hôm 26/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh: “Mối quan hệ giữa Mỹ và ASEAN có vai trò quan trọng và sống còn đối với tương lai của tất cả một tỉ người dân của chúng ta. Quan hệ đối tác của chúng ta là cần thiết để duy trì một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, vốn là nền tảng của an ninh và thịnh vượng chung của chúng ta trong nhiều thập niên”.

Mặc dù không nêu đích danh Trung Quốc, song Tổng thống Biden đã truyền một thông điệp mạnh mẽ tới Bắc Kinh khi đề cập đến “tầm nhìn chung về một khu vực mà mọi quốc gia có thể cạnh tranh và thành công trên một sân chơi bình đẳng, và mọi quốc gia dù có lớn mạnh đến đâu cũng phải tuân theo luật”. Giới quan sát cho rằng Tổng thống Biden đã gián tiếp lên án các hành vi bất chấp luật pháp quốc tế, bắt nạt, cưỡng ép láng giềng theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé” của Bắc Kinh.

Tại Hội nghị, Tổng thống Biden công bố cung cấp 102 triệu USD cho các sáng kiến mới nhằm mở rộng quan hệ Đối tác Chiến lược Mỹ-ASEAN. Các khoản tài trợ của Mỹ sẽ được đầu tư cho lĩnh vực y tế, khí hậu, kinh tế và giáo dục, phản ánh cam kết sâu sắc của Chính quyền Biden-Harris đối với vai trò trung tâm của ASEAN trong tầm nhìn của Mỹ về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Sự quan tâm mà Mỹ dành cho ASEAN càng nổi bật trong bối cảnh trong cả nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Donald Trump vắng bóng trong các sự kiện cấp cao của ASEAN có sự tham gia của Mỹ như ASEAN – Mỹ, EAS. Giới phân tích nhận định cuộc gặp của Tổng thống Mỹ Joe Biden với các lãnh đạo ASEAN lần này phản ánh nỗ lực của Washington nhằm thu hút đồng minh và đối tác trong nỗ lực ngăn chặn đà bành trướng của Bắc Kinh. Việc Mỹ rầm rộ trở lại với ASEAN không chỉ trên các vấn đề an ninh mà còn gắn với các nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế sau đại dịch và những vấn đề được các nước ASEAN quan tâm cho thấy Washington đang tiếp cận khu vực Đông Nam Á một cách toàn diện hơn.

Vì sao “Nước Mỹ trở lại” một cách rầm rộ như vậy? là câu hỏi được giới nghiên cứu hết sức quan tâm và chỉ ra một số nhân tố thôi thúc chính quyền của Tổng thống Biden tiếp cận khu vực Đông Nam Á một cách rộng lớn hơn, toàn diện hơn:

Trước hết, liên quan đến vấn đề Biển Đông, mục tiêu của Mỹ là kiềm chế, ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc. Trong Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố ngày 03/3, sau hơn 1 tháng cầm quyền của Tổng thống Biden, Washington nhìn nhận Bắc Kinh như đối thủ đe dọa vị trí siêu cường duy nhất của Mỹ, cạnh tranh trên tất cả các lĩnh vực, thách thức trật tự dựa trên pháp luật. Trong bối cảnh đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden đề cập vai trò ngày càng lớn của khu vực Đông Nam Á, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và cụ thể hơn là Việt Nam với tư cách là đối tác khu vực và quốc tế, đồng thời khẳng định sẽ đem lại làn gió mới để đầy lùi tham vọng bá quyền của Trung Quốc.

Trên lĩnh vực an ninh, với tham vọng xây dựng cường quốc biển, Trung Quốc đang tìm mọi cách để vượt qua chuỗi đảo thứ nhất tiến ra biển xa, dùng sức mạnh quân sự, kinh tế bắt nạt, cưỡng ép các nước láng giềng ven Biển Đông và biển Hoa Đông, đe dọa sử dụng vũ lực đánh chiếm Đài Loan từng bước khống chế các vùng biển xung quanh. Điều này thách thức lợi ích quốc gia của Mỹ ở khu vực. Do vậy, việc Tổng thống Biden tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN là nhằm khẳng định với các nhà lãnh đạo ASEAN, nhất là các nước ven Biển Đông “Mỹ luôn sát cánh” cùng các nước khu vực ngăn chặn Trung Quốc bành trướng, độc chiếm Biển Đông.

Giới phân tích cho rằng, tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN hôm 26/10 vừa qua, Tổng thống Biden tránh nhắc tới Biển Đông bởi ông là nhà ngoại giao chuyên nghiệp đầy kinh nghiệm hiểu rõ đây là vấn đề nhạy cảm nên không muốn làm khó các nhà lãnh đạo ASEAN trong vấn đề chọn bên. Tuy nhiên, trước Hội nghị thượng đỉnh, Giám đốc cấp cao phụ trách Đông Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng Edgard Kagan đã nhắc đến các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông để nhấn mạnh rằng Washington có lợi ích trong việc hợp tác với ASEAN giải quyết “các thách thức chung trong lĩnh vực hàng hải”. Mặc dù, không lên án trực diện Bắc Kinh liên quan đến Biển Đông, song cái mà ông Biden thu được trong lần đầu đối thoại với lãnh đạo các nước ASEAN là lớn hơn, đó là việc các nước ASEAN đón nhận sự trở lại của Mỹ một cách hào hứng, kể cả mong muốn Mỹ đóng vai trò tích cực ở Biển Đông.

Thứ hai, Tổng thống Mỹ Biden tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN với những cam kết mạnh mẽ về thúc đẩy hợp tác chống dịch Covid-19, đẩy mạnh hợp tác phục hồi kinh tế sau đại dịch, tăng cường hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu cùng với khoản kinh phí cụ thể cung cấp cho ASEAN để khắc phục khía cạnh mà lâu nay được coi là điểm yếu của Mỹ ở khu vực.

Trong bối cảnh Bắc Kinh đang đẩy mạnh thực hiện chính sách ngoại giao vắc xin cùng với việc triệt để sử dụng “con bài kinh tế” để mua chuộc, lôi kéo các nước Đông Nam Á, việc thiếu yếu tố kinh tế trong sự tham gia của Mỹ vào khu vực đã tạo ra một khoảng trống lớn để Trung Quốc có thể tận dụng. Do vậy, mảnh ghép quan trọng nhất đối với Đông Nam Á chính là “mảnh ghép kinh tế”. Nếu Washington tiếp tục không coi trọng “mảnh ghép kinh tế” mà chỉ tập trung vào các vấn đề an ninh thì sẽ “thất thế” trước Bắc Kinh trong việc tranh thủ ASEAN.

Giới quan sát cho rằng cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Biden tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Mỹ lần này đã đánh trúng vào những vấn đề được coi là ưu tiên cao nhất hiện nay của các nước ASEAN với các lãnh đạo ASEAN muốn nghe kế hoạch của Mỹ về việc tăng cường nguồn cung vắc xin ngừa Covid-19 cho khu vực này, cũng như cách Washington tham gia vào thương mại, đầu tư và hạ tầng ở Đông Nam Á.

Tuyên bố của Tổng thống Biden về việc Mỹ sẽ khởi động đối thoại với các đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để phát triển một khuôn khổ kinh tế khu vực thể hiện rõ sự quan tâm của Washington tới yếu tố kinh tế trong cạnh tranh với Bắc Kinh ở khu vực. Mặc dù, ông Biden không nói cụ thể về khuôn khổ kinh tế khu vực nói trên, song một quan chức chính quyền Biden tiết lộ rằng sáng kiến về khuôn khổ kinh tế đó không phải là một thỏa thuận thương mại và cho biết: “Điều mà ngài tổng thống nói đến… chính là việc Mỹ sẽ bắt đầu thảo luận với các đối tác để phát triển một khuôn khổ kinh tế nhằm đem lại vị thế tốt hơn cho Mỹ trong tương lai, trong đó tập trung vào việc cải thiện cuộc sống cho công nhân và tầng lớp trung lưu, đồng thời sẽ giúp định hướng can dự kinh tế của Mỹ với khu vực”.

Thứ ba, ASEAN nói chung và Biển Đông nói riêng luôn được coi là tâm điểm trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ông Edgard Kagan, Giám đốc cao cấp phụ trách Đông Á và châu Đại dương thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nhấn mạnh: “Mỹ cần phải có sự quan tâm đặc biệt đến Đông Nam Á” bởi vì “nếu muốn hành động hiệu quả ở khu vực Thái Bình Dương, thì Mỹ cần làm việc với ASEAN”; vấn đề này giành được sự đồng thuận lưỡng đảng ở Mỹ.

Giới phân tích cho rằng nếu không tăng cường can dự với ASEAN, thì Mỹ sẽ gặp giới hạn trong việc phát triển quan hệ song phương với các quốc gia thành viên. Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng trong các hoạt động gây hấn với các nước láng giềng ven Biển Đông, Mỹ cần sự hợp tác của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia… để tạo áp lực lên Bắc Kinh ngăn chặn sự bành trướng của Bắc Kinh. Khi có mối quan hệ chặt chẽ với ASEAN, Mỹ sẽ thuận lợi hơn trong việc tăng cường hợp tác với các nước ven Biển Đông. Mặt khác, Mỹ cần sự ủng hộ của cả khối ASEAN trong các hành động của Washington liên quan đến Biển Đông nói riêng và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung. Đây là nguyên nhân mà Tổng thống Biden tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN ngay trong năm đầu tiên bước vào Nhà Trắng.

Chính quyền Mỹ ngày nay đã nhận thức được tầm quan trọng của ASEAN trên bàn cờ địa chính trị – điều thay đổi so với trước đây. Các chính trị gia ở Washington hiện nay nhận thức rất rõ rằng nếu không đặt ASEAN ở một vị trí quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và nếu Mỹ không can dự quyết liệt với ASEAN thì vô hình chung nhường dư địa chính trị cho Trung Quốc. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ suy giảm ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực địa chiến lược này. Xét cho cùng, ASEAN là một cơ chế hiệu quả và các hội nghị trong khuôn khổ ASEAN là một diễn đàn quan trọng để Mỹ can dự vào Đông Nam Á cũng như là diễn đàn cho sự ganh đua giữa Mỹ và Trung Quốc.

Có những ý kiến băn khoăn nghi ngại một số định chế khác đã được hình thành ở khu vực như nhóm “Bộ Tứ” hay Thỏa thuận an ninh Mỹ-Anh-Úc (AUKUS) có thể ảnh hưởng đến vai trò của ASEAN trong các vấn đề ở khu vực. Tuy nhiên, gần đây giới chức và học giả Mỹ đã nhiều lần khẳng định “Bộ Tứ” hay AUKUS “không nhằm để cạnh tranh hay thách thức vai trò của ASEAN”, mà chỉ là “để đóng góp cho lợi ích chung trong khu vực”.

Thông điệp chung quan trọng nhất mà tất cả bốn thành viên của nhóm “Bộ Tứ” đã truyền đạt tới các nước ASEAN là “hoàn toàn nhìn nhận, tôn trọng và đánh giá cao vai trò trung tâm của ASEAN”. Nhóm “Bộ Tứ” được tạo ra nhằm tận dụng năng lực của bốn đối tác có cùng chung chí hướng và có cùng lợi ích trên nhiều vấn đề ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á và Biển Đông. Điểm thuận lợi là đối với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà nhóm “Bộ Tứ’ đang thúc đẩy, tháng 6/2019 tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 34, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua “Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của ASEAN định hướng chính sách của ASEAN đối với chiến lược của nhóm “Bộ Tứ”.

Liên minh AUKUS “không nhằm phá hoại, thách thức hay cạnh tranh với bất kỳ cơ chế hiện hữu nào (như ASEAN)” mà là để củng cố sự phối hợp vốn đã chặt chẽ giữa ba nước và ở một mức độ nào đó là tăng cường hợp tác cùng nhau để xử lý các vấn đề của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Qua Hội nghị thượng đỉnh với các lãnh đạo ASEAN, Tổng thống Biden hy vọng trấn an ASEAN rằng những quan tâm gần đây mà Mỹ dành cho Ấn Độ, Nhật Bản và Úc trong nhóm “Bộ Tứ” và thỏa thuận AUKUS nhằm cung cấp tàu ngầm hạt nhân cho Úc không làm xói mòn vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực. Một điều đáng chú ý là mặc dù ngay trong nội bộ các nước ASEAN có cách nhìn nhận khác nhau đối với AUKUS, trong đó Indonesia và Malaysia từng bày tỏ quan ngại về khả năng xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang mới, song sự tham dự tích cực của Tổng thống Biden, Thủ tướng Úc Morrison tại Hội nghị thượng đỉnh trong khuôn khổ ASEAN lần này đã giúp giải tỏa những nghi ngại về vấn đề này. Tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần này không đề cập đến AUKUS là một minh chứng.

Việc tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) của Tổng thống Mỹ Biden đã cho thấy “Nước Mỹ đã trở lại” đối với khu vực Đông Nam Á. Cách tiếp cận của chính quyền Biden cho thấy Washington đang coi ASEAN là một công cụ quan trọng trong chiến lược của mình nhằm đẩy lùi những hoạt động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc về mặt ngoại giao và thương mại cũng như sự hiện diện ngày càng gia tăng về mặt quân sự của Bắc Kinh ở Biển Đông và trên khắp châu Á. Điều này lý giải vì sao chính quyền Tổng thống Biden dành sự quan tâm đặc biệt đối với Đông Nam Á và rõ ràng nó có lợi cho các nước ASEAN, nhất là các nước ven Biển Đông.

Quốc Anh

RELATED ARTICLES

Tin mới