Trung Quốc tung ra cụm từ ‘trỗi dậy hòa bình” từ những năm đầu thế kỷ 21, khi quốc gia đông dân nhất thế giới này đã qua hơn hai thập kỷ mở cửa, đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc về kinh tế. Và bắt đầu từ đó, cụm từ nay luôn cùng các nhà lãnh đạo Trung Quốc vang lên khắp các diễn đàn toàn cầu như một sự huyênh hoang về đạo đức. Về ý nghĩa, nôm na có thể hiểu “trỗi dậy hòa bình” cam kết rằng: Trung Quốc sẽ là một nhà lãnh đạo thế giới có trách nhiệm…
Sau một thời gian, lo ngại từ “trỗi dậy” có thể khiến thế giới nhìn nhận mình như một mối đe dọa đáng cảnh giác, các nhà lãnh đạo Trung Quốc thay cụm từ đó thành “phát triển hòa bình”, để chuyển thông điệp rằng: “Trung Quốc không tìm kiếm vai trò bá chủ; sự vươn lên về kinh tế và quân sự sẽ không gây ra những mối đe dọa cho hòa bình và ổn định ở khu vực, trên thế giới; các nước sẽ hưởng lợi từ sự gia tăng quyền lực và ảnh hưởng của Trung Quốc…”
Dù vậy, bản chất của một kẻ đầy tham vọng, tự cho đã vượt qua thời kỳ nhẫn nhục “ẩn mình chờ thời”, vừa muốn khẳng định, thể hiện sức mạnh quyền lực, vừa khát khao các nguồn năng lượng khổng lồ phục vụ cho phát triển…khiến Bắc Kinh không thể làm như nói. Hành xử của họ, hệ thống lại, vẫn như một kẻ tiểu nhân võ biền, ỷ vào sức mạnh cơ bắp để đe nẹt, uy hiếp, gây hấn, hủy diệt nhằm giành lợi thế trong các vấn đề quốc tế.
Sự hung hăng đó đặc biệt thể hiện rõ nét trong tranh chấp Biển Đông với các quốc gia láng giềng – nơi có nguồn năng lượng, nguồn lợi hải sản được đánh giá là khổng lồ. Và chính thế, làm om sòm thế giới với những ngôn từ đạo đức, cái gọi là đạo đức của Trung Quốc lại thường xuyên hiện ra một cách cực kỳ khôi hài, đáng khinh, nhất là từ năm 2009, khi Trung Quốc chính thức đệ trình cái mà họ gọi là “đường chín đoạn”, tuyên bố chủ quyền đối với hơn 85% diện tích Biển Đông, bất chấp các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là chiếu với Công ước LHQ về Luật biển 1982. Chấp nhận đòi hỏi vô lý đó, các nước duyên hải Biển Đông bị Trung Quốc gần như bị cướp trắng lợi ích. Và không chỉ các nước này, nhiều quốc gia cũng sẽ bị ảnh hưởng, bởi đây là tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất, với lượng hàng hóa qua lại trị giá tời 5 nghìn tỷ USD/năm.
Từ thời điểm đó, Biển Đông gần như chẳng khi nào yên bình. Vụ chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough năm 2012 từ tay Philippines như khởi đầu cho những hành động thô bạo, tồi tệ, trắng trợn của cường quốc “phát triển hòa bình”. Với Philippines, Scarborough là “giọt nước tràn ly” khiến họ phải kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc tế (PCA) theo Phụ lục VII Công ước LHQ về Luật biển. Bất chấp phản đối của Việt Nam, cùng thời điểm này, Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa trên đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam, bị họ cưỡng chiếm trái phép năm 1974. Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC), từ thời điểm đó, cũng mở rộng phạm vi hoạt động xuống phía Nam, mời thầu quốc tế các lô nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trung Quốc ngày một leo thang trong các hành động ngang ngược, Chưa kể các vụ cắt cáp tàu tham dò địa chất của Việt Nam, các vụ đâm húc tàu cá của ngư dân làm ăn trên các ngư trường truyền thống, năm 2014, họ hạ đặt giàn khoan khổng lồ HD – 981 tại vùng biển Hoàng Sa, chỉ cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý, bất chấp sự phản đối dữ dội của Việt Nam và sự phẫn nộ của dư luận quốc tế.
Năm 2019 – thời điểm mà phán quyết của PCA đã ban hành được 3 năm, với phần thắng của Philippines, Trung Quốc vẫn chà đạp lên PCA, một lần nữa thực hiện âm mưu thâm độc biến vùng không tranh chấp thành vùng tranh chấp. Từ ngày 3/7/2019, Trung Quốc cho tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 đi vào vùng biển gần với khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam. Đi theo bảo vệ tàu này còn có ba tàu hải giám của Trung Quốc, trong đó, có tàu hải giám tối tân, khổng lồ trên 10.000 tấn ký hiệu 3901 và tàu dân quân biển Qiong Sansah Yu0014. Hoạt động của Trung Quốc xâm phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam kéo dài tới 3 tháng, và Trung Quốc luôn khăng khăng đòi Chính phủ Việt Nam tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc đối với một số khu vực trên biển Đông; đe dọa, yêu cầu phía Việt Nam kiềm chế, nếu không muốn làm trầm trọng thêm tình hình trong khu vực (!?).
Một kẻ tự tiện xâm nhập nhà người khác, lại còn đặt điều kiện chủ nhà không được la làng, nếu không sẽ vung củ thụi? Cùng với những vụ việc trắng trợn, thô bạo đã nêu, thêm hành động trớ trêu này, liệu đã đủ để thiên hạ thấy tư cách đạo đức của chủ nhân cái gọi là “phát triển hòa bình” kia hay chưa?
T.V