Chính phủ Pakistan tìm cách hạ nhiệt căng thẳng liên quan một trong những dự án thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc bằng cách ký thỏa thuận với nhóm người biểu tình ở thành phố cảng Gwadar.
Trong hơn một tháng, nhiều ngư dân và cư dân khác của thành phố Gwadar thuộc tỉnh Balochistan, nằm phía tây nam Pakistan, đã xuống đường tham gia phong trào biểu tình mà đã khiến cảng Gwadar do Trung Quốc đang xây và những dự án khác có nguy cơ khó được hoàn thành, theo tờ Financial Times. Vào ngày 10.12 có tới hàng chục ngàn người biểu tình xuống đường tuần hành trên các con phố tại Gwadar để yêu cầu chính quyền đáp ứng những yêu cầu của họ.
Dịch vụ cơ bản bị phớt lờ
Nhiều người dân địa phương than phiền rằng các tàu đánh cá xâm lấn vùng biển của họ và giới chức sẵn sàng tạo điều kiện cho đầu tư của Trung Quốc nhưng lại phớt lờ các dịch vụ cơ bản, như giáo dục, y tế và nguồn cung cấp nước uống. Pakistan và Trung Quốc đang đầu tư khoảng 500 triệu USD vào cảng Gwadar, theo Financial Times.
Chính phủ Pakistan ngày 16.12 tuyên bố sẽ cấm hoạt động đánh bắt trái phép để bảo vệ các quyền đánh bắt hợp pháp của ngư dân địa phương cũng như thực hiện những dự án cải thiện việc tiếp cận nước uống sạch và đẩy mạnh dịch vụ công khác cho người dân địa phương vì họ muốn kết thúc các cuộc biểu tình.
Phong trào biểu tình chỉ kết thúc khi lãnh đạo phong trào ngày 16.12 ký kết một thỏa thuận với các bộ trưởng và lãnh đạo tỉnh Balochistan. Ông Balochistan Zahoor Buledi, phụ trách việc hoạch định và phát triển Balochistan, xác nhận chính phủ đã chấp nhận tất cả yêu cầu của người biểu tình.
Tình trạng phản đối trên đã thu hút sự chú ý của Thủ tướng Pakistan Imran Khan. Hôm 12.12, Thủ tướng Khan viết trên Twitter rằng ông “chú ý đến mỗi nhu cầu hợp pháp của các ngư dân lao động vất vả ở Gwadar” và việc truy quét nạn đánh bắt trái phép.
Các cuộc biểu tình ôn hòa đã phơi bày căng thẳng kéo dài liên quan các siêu dự án trong vùng nhạy cảm của Pakistan. Những người ly khai ở Balochistan, một trong khu vực nghèo nhất của Pakistan, tin rằng khu vực đang bị nhà nước khai thác các nguồn tài nguyên, như khí đốt và khoáng sản.
“Bài học phải được ghi nhớ”
Những vấn đề của Balochistan cũng phơi bày các khó khăn mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp phải trong việc thực hiện sáng kiến Vành đai và Con đường. “Những lời kêu ca của người dân địa phương có từ lâu. Người dân địa phương không có việc làm, nước uống là một vấn đề và an ninh cũng là một vấn đề”, cựu nghị sĩ Pakistan Ayaz Amir khẳng định.
Nhiều công dân Trung Quốc và dự án liên quan gần đây còn trở thành mục tiêu bị nhắm tới ở Balochistan và một số nơi khác.
Ngày 14.7, xe buýt của một công ty Trung Quốc chở nhân viên làm cho dự án đập thủy điện Dasu ở tỉnh láng giềng Khyber Pakhtunkhwa đã bị đánh bom khi đang chở họ đến công trường, khiến 9 công dân Trung Quốc và 3 người Pakistan thiệt mạng, theo thông báo được đăng trên website của Đại sứ quán Trung Quốc ở Pakistan.
“Người Trung Quốc đang nhìn vào [Gwadar] với sự quan tâm sâu sắc lẫn cảnh giác. Nếu chính phủ Pakistan không thể quản lý được tình hình, thì họ sẽ xem xét lại sự quan tâm đó”, giám đốc điều hành Bilal Gilani của công ty tư vấn Gallup Pakistan, nhận định.
Tọa lạc gần biên giới phía tây giáp với Iran, cảng Gwadar là lối vào cực nam đối với Vành đai kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), vốn là phần trọng tâm trong sáng kiến Vành đai và Con đường của ông Tập Cận Bình, theo Financial Times.
Trung Quốc có kế hoạch kết nối Khu tự trị Tân Cương với Gwadar, cung cấp một điểm tiếp cận chiến lược quan trọng đến biển Ả Rập và vịnh Persian thông qua một mạng lưới đường cao tốc và đường ống năng lượng. Giới chức thuộc chính phủ Pakistan thừa nhận phong trào biểu tình như trên đã phơi bày các khoảng cách trong việc lập kế hoạch và phát triển CPEC.
“Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến một cuộc biểu tình tương tự trong quá khứ ở Gwadar”, nhà báo Ali Shah ở thành phố Quetta, thủ phủ Balochistan, cho hay. Ông nhận định phong trào biểu tình ở Gwadar là “một bài học phải được ghi nhớ và các yêu cầu của dân chúng nên được đáp ứng trước khi việc này xảy ra lần nữa”.
T.P