Với khoảng 6.200 xe chở hàng còn tồn đọng tại các cửa khẩu, con số thiệt hại có thể lên đến 3.000 – 4.000 tỷ đồng.
Đây là nhận định của ông Lê Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam về tình trạng ùn tắc xe chở hàng xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường biên giới. Chia sẻ với VTC News, ông Nguyên nhấn mạnh: “Nếu cơ quan chức năng và chính quyền địa phương không có biện pháp quyết liệt, rất có thể thiệt hại sẽ nhiều hơn. Bởi với số lượng khoảng 6.200 xe tồn đọng như hiện tại, cần thời gian dài để giải tỏa và hàng hóa sẽ tiếp tục hư hỏng”.
Tính toán cụ thể về thiệt hại, ông Nguyên, cho biết nếu chỉ ước tính con số chi phí thấp nhất, mỗi container hàng hóa có giá trị 400 triệu đồng, chi phí vận tải 100 triệu đồng thì với hơn 6.200 container ùn ứ, doanh nghiệp có thể thiệt hại 3.000 – 4.000 tỷ đồng. Đấy là chưa kể đến chi phí bến bãi, xăng dầu, tiền ăn uống, sinh hoạt phí của lái xe, bình quân một xe phải chịu thêm ít nhất 1,5 triệu đồng/ ngày.
Để giảm ùn tắc và giải phóng hàng ở các cửa khẩu Lạng Sơn, ông Nguyên nói: “Cơ quan chức năng cần kiểm tra nhanh các xe hàng. Nếu xe nào chất lượng không còn đảm bảo cho quay đầu để giảm ùn ứ. Đặc biệt, Nhà nước cũng nên có chính sách hỗ trợ tiền xăng dầu cho các xe hàng bị hư hỏng họ để họ yên tâm quay đầu. Bên cạnh đó, phía doanh nghiệp cũng chủ động điều lái xe chở hàng hóa về để họ không bị phạt vì phá vỡ hợp đồng”.
Ông Nguyên cho biết, theo thông tin ông nắm được thì mỗi ngày các cửa khẩu thông quan được 100 – 200 xe, trong khi hàng trăm xe khác vẫn tiếp tục hành trình chở hàng lên biên giới, khiến tình trạng ách tắc chưa đỡ hơn.
“Cuối năm là thời điểm “vàng” tiêu thụ hàng nông sản của Việt Nam tại Trung Quốc. Sự kiện đón Noel, Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sắp tới, nhu cầu tiêu thụ trái cây tươi nước ta ở thị trường nước bạn là rất lớn. Tuy nhiên do khan hiếm hàng, các chủ hàng, đối tác Trung Quốc sẵn sàng trả giá cao nếu đưa được nông sản của ta sang biên giới. Cũng chính vì vậy, nhiều xe chở nông sản vẫn đổ về biên giới Lạng Sơn mỗi ngày hàng trăm xe, bất chấp tình trạng ùn ứ kéo dài”, ông Nguyên nói.
“Do vậy, các cơ quan chức năng như: Bộ Công Thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền các địa phương phải tăng cường công tác tuyên truyền, thậm chí là có biện pháp mạnh để các doanh nghiệp không đưa hàng lên cửa khẩu và đẩy nhanh sang xuất hàng chính ngạch, dần tiến tới hạn chế xuất khẩu tiểu ngạch”, ông Nguyên nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, đến hết ngày 23/12, tổng lượng hàng tồn tại các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc là khoảng 6.200 container, riêng tại cửa khẩu Lạng Sơn là hơn 4.400 xe.
Tại cửa khẩu Hữu Nghị, năng lực thông quan là 150 – 200 xe/ngày, còn tồn 1.447 xe. Tại cửa khẩu Tân Thanh, lượng xe tồn lên tới 2.404 xe.
Còn tại Quảng Ninh, cửa khẩu Đông Hưng (cặp cửa khẩu với cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh) cũng đang dừng thông quan do liên quan tới phòng dịch COVID-19. Tình trạng ùn ứ tại đây không nghiêm trọng như Lạng Sơn, nhưng Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh cho biết, đang trực 24/24 để hướng dẫn và giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp. Tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kho bãi chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp xuất khẩu.
Trước tình trạng ùn tắc đường biên kéo dài, mới đây, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đã gửi văn bản tới Thủ tướng đề xuất một số biện pháp cải thiện tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu đường bộ Việt-Trung.
Theo đó, đề xuất Chính phủ xem xét tiến hành một cuộc trao đổi cấp cao hơn giữa hai bên để cùng nhận diện nút thắt và đưa ra giải pháp tháo gỡ phù hợp với mục tiêu là khẩn trương giải phóng lượng hàng hóa và xe tồn tại các cửa khẩu, đưa hoạt động xuất nhập khẩu hai nước dần trở lại bình thường trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Đối với hàng nông sản sắp thu hoạch và chuẩn bị xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu đường bộ trong dịp cận Tết, Ban IV đề xuất Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẩn trương thông tin, làm việc với các địa phương trên cả nước để dừng tạm thời các chuyến hàng đang có kế hoạch vận chuyển lên cửa khẩu, hướng dẫn người nông dân trì hoãn thu hoạch (nếu có thể) hoặc tiếp tục bảo quản tại kho, để chờ giải phóng bớt hàng ùn ứ hiện tại thì mới tiếp tục đưa hàng mới về các cửa khẩu…
Nhiều chuyên gia khuyến cáo, để giảm thiểu rủi ro mỗi khi cửa khẩu ùn ứ hoặc thị trường Trung Quốc có những thay đổi đột ngột, các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước cần tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường mới. Ví dụ, thanh long xuất sang Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Ấn Độ…đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ nội địa.
Về lâu dài, các doanh nghiệp cần có chính sách đầu tư nhà xưởng, kho lạnh bảo quản và chế biến sâu để đảm bảo chất lượng, nâng cao giá trị xuất khẩu và chủ động điều tiết được lượng hàng hóa.
T.P