Wednesday, January 22, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiChi phí xây tuyến Cát Linh Hà Đông đủ xây 4 cảng...

Chi phí xây tuyến Cát Linh Hà Đông đủ xây 4 cảng vũ trụ chuẩn Mỹ

Việc xây dựng cảng vũ trụ ở Việt Nam đã được một nhóm các chuyên gia Nga đề xuất, vậy chi phí tham khảo để xây dựng cảng vũ trụ là bao nhiêu?

Ý tưởng xây cảng vũ trụ ở Việt Nam

Cảng vũ trụ hoặc sân bay vũ trụ là địa điểm để phóng (hoặc nhận) tàu vũ trụ, tương tự như một cảng biển cho tàu hoặc một sân bay cho máy bay. Cảng vũ trụ là nơi phóng tàu vũ trụ vào quỹ đạo quanh Trái đất hoặc trên quỹ đạo liên hành tinh. Hiện tại các nước Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, vẫn chưa có cảng vũ trụ.

Vị trí của một cảng hàng không vũ trụ thương mại có ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí tiềm năng, tính linh hoạt trong vận hành để hỗ trợ các hoạt động không gian thương mại.

Theo Quân đội Nhân dân, một nhóm các nhà khoa học Nga, bao gồm những tên tuổi nổi tiếng như M. Grigoriev, M. Okhochinsky, S. Chirikov và A. Khramov, đã từng đưa ra lập luận về lợi ích của việc xây dựng sân bay vũ trụ quốc tế ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương để thúc đẩy sự phát triển sáng tạo vượt bậc trong lĩnh vực không gian của Nga và các đối tác.

Trong đó, Việt Nam được tất cả công nhận là địa điểm chính và khả thi nhất để xây dựng công trình này.

Nếu dự án này được triển khai thực sự ở Việt Nam, chi phí xây dựng và đi vào vận hành là bao nhiêu? Dưới đây là con số tham khảo từ việc xây dựng cảng vũ trụ ở Mỹ.

Chi phí xây cảng vũ trụ ở Mỹ

Spaceport America, hay còn được biết đến là Sân bay Vũ trụ Khu vực Tây Nam, là một cảng vũ trụ được cấp phép với diện tích gần 73km2. Trong đó bao gồm diện tích hoạt động khoảng 62km2, nhà ga và nhà chứa có tổng diện tích hơn 10km2.

Spaceport America là “sân bay vũ trụ được xây dựng với mục đích thương mại đầu tiên trên thế giới”, được thiết kế và xây dựng đặc biệt cho người dùng thương mại. Cảng này được xây dựng để chứa cả các phương tiện hàng không vũ trụ phóng theo chiều thẳng đứng và chiều ngang, đủ khả năng để tổ chức một loạt các sự kiện phi vũ trụ và các hoạt động thương mại khác.

Spaceport America thuộc sở hữu và điều hành bởi bang New Mexico, Mỹ thông qua một cơ quan nhà nước tên là Cơ quan quản lý Cảng vũ trụ New Mexico. Lần phóng tên lửa đầu tiên tại Spaceport America được thực hiện vào ngày 25/9/2006. Kể từ năm 2006, hơn 300 lần phóng đã được tiến hành. Tuy nhiên, tới năm 2011 cơ sở mới tuyên bố mở cửa và tất cả các cơ sở cùng trang thiết bị mới đi vào hoạt động hoàn toàn vào năm 2019.

Theo một báo cáo được gửi tới Hội nghị và Triển lãm Hàng không và Vũ trụ năm 2014 (AIAA SPACE 2014) của Mỹ, nếu một sân bay vũ trụ sử dụng một sân bay hiện có với đầy đủ cơ sở hạ tầng sẵn có, chi phí cần thiết để hỗ trợ các hoạt động không gian thương mại là không cao, chỉ khoảng 1 triệu USD.

Tuy nhiên, nếu sân bay vũ trụ được xây dựng từ đầu với mục tiêu cung cấp tất cả cơ sở hạ tầng cần thiết, chẳng hạn như Spaceport America, thì tổng chi phí để đáp ứng mọi chức năng như các cảng vũ trụ thông thường là khoảng 200 triệu USD. Các phần cơ sở hạ tầng tốn kém nhất bao gồm phần mở rộng đường băng và đường lăn, trạm điều hành, nhà ga và cơ sở đào tạo phi hành gia vũ trụ.

Trên thực tế, đến tháng 2/2010, dự toán ngân sách giữa giai đoạn xây dựng cho việc hoàn thành là cảng vũ trụ này là 198 triệu USD. Đến tháng 8/2011, Spaceport America đã hoàn thành về cơ bản và chi phí của toàn bộ dự án là 209 triệu USD. Khách hàng chính của cảng vũ trụ này là các công ty hàng không và vũ trụ lớn của Mỹ, trong đó có cả Boeing.

So sánh nhanh

So với tuyến đường sắt Cát Linh Hà Đông, việc xây dựng các cảng vũ trụ tiêu chuẩn Mỹ có chi phí “thấp” hơn nhiều lần. Tuyến Cát Linh – Hà Đông dài 13 km gồm 12 ga và 1 khu Depot có tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỷ đồng (gần 553 triệu USD), sau đó điều chỉnh lên 18.002 tỷ đồng (hơn 868 triệu USD).

Trong số này, vốn vay ODA Trung Quốc là 13.867 tỷ đồng, vốn đối ứng của Việt Nam là 4.134 tỷ đồng. Tổng thầu EPC là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc và tư vấn giám sát thi công là Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.

Như vậy, nếu so tổng mức đầu tư, có thể thấy chi phí cho 1 dự án đường sắt Cát Linh Hà Đông bằng 4 lần xây cảng vũ trụ theo tiêu chuẩn Mỹ.

Trong khi đó, tại Anh, một cảng vũ trụ có tên Space Hub Sutherland quy mô nhỏ (khoảng 10km2) cũng đang được lên kế hoạch và sẽ đi vào hoạt động trước cuối năm 2022. Các vệ tinh phóng từ địa điểm này sẽ được sử dụng để quan sát Trái đất, bao gồm cả việc thu thập dữ liệu để theo dõi và giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu.

Theo HIE, Cơ quan Khai thác Hạt nhân và Cơ quan Vũ trụ Vương quốc Anh, chi phí đầu tư xây dựng cảng này chỉ là 17,3 triệu bảng Anh (khoảng 23 triệu USD). Hay nói cách khác, tổng số tiền đầu tư cho Cát Linh Hà Đông có thể xây 37 cảng vũ trụ như Anh đang đầu tư.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới