Thursday, October 31, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Tẩu vi thượng sách”

“Tẩu vi thượng sách”

Những ngày cuối năm 2021 đang khép lại. Sự khép lại của thời gian không làm vợi đi nỗi lo lắng của giới cầm quyền Bắc Kinh về việc thu hồi Đài Loan. Bởi có một tình thế mới xuất hiện, đó là thái độ cứng rắn của Nhật Bản.

Tokyo tỏ rõ quan điểm trong các thông điệp gần đây, nếu Đại lục quyết tâm thu hội Đài Loan bằng vũ lực thì không chỉ có Mỹ ra tay mà Nhật Bản sẽ không khoanh tay đứng nhìn.

Nếu chỉ nhìn về mặt địa lý đã thấy rằng Nhật Bản có mối liên hệ khăng khít với Đài Loan. Chuỗi đảo Nansei kéo dài từ đảo Kyushu, một trong bốn hòn đảo chính của Nhật Bản, đến đảo Đài Loan chính là nơi mà Trung Quốc tuyên bố là một phần lãnh thổ của nước này và quyết tâm thống nhất.

Mới đây, hãng thông tấn Kyodo News (Nhật Bản) tiết lộ: Quân đội Mỹ sẽ lập các căn cứ tạm thời trên chuỗi đảo chắn ngang đường ra Thái Bình Dương của hải quân Trung Quốc. Lực lượng này sẽ lập tức đổ quân tại đây nếu có khủng hoảng trên đảo Đài Loan.

Theo đó, thủy quân lục chiến Mỹ sẽ thiết lập các căn cứ tạm thời trên chuỗi đảo Nansei trong giai đoạn đầu xảy ra biến động ở Đài Loan. Còn quân đội Mỹ sẽ được cơ động đến các căn cứ này trong trường hợp xảy ra can thiệp vũ trang. Và khi ấy , lực lượng phòng vệ Nhật Bản sẽ tiếp sức, ít nhất là bảo đảm hậu cần trong các lĩnh vực như cung cấp đạn dược, nhiên liệu.

Kế hoạch chính thức của liên minh Mỹ – Nhật Bản tại cuộc họp “2 + 2” giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng sẽ được xây dựng ngay vào đầu năm 2012.

Trước hành động được cho là “can thiệp thô bạo” này của Mỹ và Nhật Bản, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Trung Quốc tại Tokyo chưa có phản ứng gì.

Tháng 10/2021, Tokyo đã có các động thái như phát đi tín hiệu cho thấy Nhật Bản sẽ cân nhắc các lựa chọn và chuẩn bị cho “các kịch bản khác nhau” ở Đài Loan. Dịp này Tokyo cũng đồng thời nhấn mạnh quan hệ khăng khít với Mỹ. Còn vào đầu tháng 12, cựu thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, người còn nhiều quyền lực mặc dù đã “hạ cánh” nói rằng, Nhật Bản và Mỹ không thể để yên nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan.

Còn tân Thủ tướng Kishida Fumio cũng theo đuổi cách tiếp cận cứng rắn của người tiền nhiệm Abe, trong đó có việc sở hữu năng lực tấn công sau nhiều năm chủ trương phòng thủ. Kể từ thời ông Abe, Nhật Bản đã gia tăng bố phòng tại chuỗi đảo Nansei, bao gồm lên kế hoạch triển khai các tên lửa chống hạm, phòng không thế hệ mới và radar đến khu vực.

Qua đây có thể thấy vì sao Đài Bắc tỏ ra cứng rắn như thế! Bởi sự toàn vẹn của Đài Loan liên quan chặt chẽ đến khả năng phòng thủ của Nhật Bản, đến sự tiếp sức của Mỹ. Các nhà lãnh đạo Nhật Bản khẳng định, Nhật Bản đã xác định sẵn sàng tham gia vào cuộc chiến trong tình huống Bắc Kinh thôn tính Đài Loan.

Về phía Mỹ, siêu cường này cũng rất cần sự hỗ trợ của Nhật Bản để có thể đánh bại cuộc xâm lược Bắc Kinh. Sự hỗ trợ ấy thể hiện rõ qua việc bố trí lực lượng, phần lớn các đơn vị quân đội Mỹ ở Tây Thái Bình Dương đến từ các căn cứ ở Nhật Bản (bao gồm căn cứ Không quân Kadena ở Okinawa, căn cứ Không quân Misawa ở Honshu và các cảng biển Yokosuka và Sasebo).

Tình huống lý tưởng nhất là trong các hoạt động chống lại sự xâm lược của Trung Quốc là, chính phủ Nhật Bản không chỉ cho phép quân đội Mỹ mở các cuộc hành quân từ các căn cứ trên đất Nhật Bản, mà quân đội Nhật Bản cũng sẽ tham gia cuộc chiến. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasuhide Nakayama từng tuyên bố: “Chúng tôi và Đài Loan là một gia đình”. Ông cho rằng, sự toàn vẹn của Đài Loan “rõ ràng là có liên quan chặt chẽ với khả năng phòng thủ của quận Okinawa”.

Trung Quốc không chỉ lo ngại với sự hùng hậu của hải quân Mỹ mà còn hiểu rất rõ Nhật Bản có lực lượng hải quân hiện đại. Nếu quân đội Nhật Bản tham gia cùng đồng minh Mỹ để chiến đấu vì Đài Loan, quy mô lực lượng quân sự của liên minh sẽ được tăng lên rất nhiều. Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ hiện có khoảng 200 tàu chiến (Trung Quốc có 360 tàu tiền tuyến ở khu vực này). Khi hạm đội Nhật Bản được bổ sung vào hạm đội Mỹ, thì số lượng tàu chiến của Mỹ và Nhật sẽ vượt hẳn Trung Quốc.

Điều mà hải quân Trung Quốc “run” hơn là tàu chiến Nhật Bản có trang bị vũ khí hạng nặng. Hạm đội của Tokyo có 36 tàu khu trục và khinh hạm hiện đại, nhiều tàu trong số đó được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis, cũng như 22 tàu ngầm tấn công diesel – điện lớn nhất thế giới.

Hải quân Nhật Bản còn đang chuyển đổi hai tàu của họ thành hàng không mẫu hạm, có thể chở máy bay phản lực tàng hình F-35B. Hai hàng không mẫu hạm này có thể tăng 50% số lượng hàng không mẫu hạm lớn sẽ được triển khai bởi hạm đội liên hợp Mỹ – Nhật ở Tây Thái Bình Dương.

Sự chuẩn bị lực lượng hiện đại của Mỹ – Nhật đã rõ khiến Trung Quốc không dễ động thủ tấn công Đài Loan. Nhật Bản sẽ tập trung hoạt động vào eo biển Miyako, nó là một thông đạo hẹp giữa quận Okinawa và đảo Miyakojima (hòn đảo chỉ cách Đài Loan 277 km).

Vậy là đã có một tín hiệu mạnh mẽ phát đi giúp các nhà lãnh đạo Đài Bắc có thể kê cao gối ngủ, ít nhất là “ngủ” trong năm 2022, rồi… tính tiếp. Mặc cho Bắc Kinh luôn đe dọa sẽ tiến công quân sự thu hồi Đài Loan vào năm 2025, nhưng bỗng đâu lại lộ ra cái đuôi chồn Tokyo. Ở cái thế tiến thoái lưỡng nan thế này, Bắc Kinh chắc sẽ giở bài “tẩu vi thượng sách”, tạm hiểu là rút êm, chuồn lẹ.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới