Friday, November 22, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaThay đổi trong nền giáo dục TQ sau quyết định “giảm kép”

Thay đổi trong nền giáo dục TQ sau quyết định “giảm kép”

Trong năm 2022, giám sát việc “giảm kép” sẽ tiếp tục là nhiệm vụ số 1 trong giám sát giáo dục của Trung Quốc, nhằm thúc đẩy công tác này đạt được những thành quả mới.

Thí sinh thi đại học ở Trung Quốc.

Chưa đầy nửa năm kể từ khi ra quyết sách mới về việc giảm áp lực học hành cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã tuyên bố “đạt được những kết quả đáng kể” trong công tác “giảm kép”, tức giảm bài tập về nhà và siết chặt dạy thêm học thêm.

Số lượng các cơ sở ngoài nhà trường dạy các môn văn hóa đã giảm mạnh. Trong năm 2022, giám sát việc “giảm kép” sẽ tiếp tục là nhiệm vụ số 1 trong giám sát giáo dục của Trung Quốc, nhằm thúc đẩy công tác này đạt được những thành quả mới.

Những thay đổi của giáo dục Trung Quốc sau quyết định “giảm kép”

Ở Trung Quốc, mỗi khi trung ương đưa ra quyết sách quan trọng nào đó, các cấp, các ngành, các địa phương đều hưởng ứng rất nhanh và vào cuộc rất quyết liệt. Lĩnh vực giáo dục cũng không ngoại lệ.

Sau khi giới chức nước này ban hành hướng dẫn chung, yêu cầu ngành giáo dục phải giảm dần và đáng kể các cơ sở dạy thêm hồi tháng 7, số lượng các cơ sở này ở Trung Quốc đã giảm nhanh chóng. Điều này có thể thấy qua hàng loạt con số thống kê vừa được Bộ Giáo dục Trung Quốc công bố mới đây.

Theo đó, số lượng các cơ sở dạy thêm trực tuyến đã giảm 84,1% và số lượng các cơ sở ngoại tuyến giảm 83,8%. Các cơ sở còn lại có thể chuyển thành các tổ chức phi lợi nhuận hoặc đóng cửa. Bộ này cũng cho biết, đến nay, quảng cáo về các cơ sở dạy thêm cơ bản đã bị dập tắt và vốn đầu tư vào các công ty này cũng bị thu hồi.

Hiện nay, hầu hết các trường tiểu học và trung học cơ sở ở Trung Quốc đều cung cấp dịch vụ sau giờ học ít nhất 2 tiếng mỗi ngày vào các ngày trong tuần để đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện của học sinh.

Một cuộc khảo sát của bộ này cho thấy, 92,7% trường học ở Trung Quốc đã mở các lớp thể thao và nghệ thuật sau giờ học, 88,3% tổ chức đọc sách như một hoạt động ngoài giờ và 87,3% đang tổ chức các hoạt động theo nhóm hay câu lạc bộ năng khiếu.

Hơn 99% trường học đã ban hành quy tắc quản lý bài tập về nhà và hơn 90% học sinh có thể hoàn thành bài tập về nhà trong thời gian ấn định, tăng mạnh so với con số 46% trước khi hướng dẫn ban hành.

Sau khi thực hiện các biện pháp giảm tải học đường, hiện nay, Trung Quốc đang thực hiện một chương trình có tên “5 quản lý”, gồm quản lý bài tập về nhà, giấc ngủ, điện thoại di động, tài liệu đọc và thể chất, nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh và toàn diện của học sinh tiểu học và trung học cơ sở.

Những số liệu vừa công bố đã cho thấy hiệu quả ban đầu của hướng dẫn mới, tuy nhiên tác động lâu dài của quyết sách này đối với nền giáo dục Trung Quốc vẫn cần theo dõi thêm, bởi những thay đổi hiện tại không đồng nghĩa với áp lực học hành của học sinh trung học phổ thông chuẩn bị thi vào đại học cũng được giảm và cha mẹ học sinh đã thực sự yên tâm với việc học hành của con cái mình.

Phản ứng ban đầu của dư luận

Nhìn chung, phụ huynh học sinh Trung Quốc đều mong muốn giảm áp lực học hành cho con cái và chi phí nuôi trẻ của gia đình. Bước đầu họ cũng đã thể hiện sự hoan nghênh và hài lòng qua các con số thống kê.

Trong một cuộc khảo sát do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc thực hiện mới đây, 73% phụ huynh cho biết bài tập về nhà của con cái họ đã giảm rõ rệt và 85% cho biết họ hài lòng với dịch vụ sau giờ học mà các trường cung cấp.

Tuy nhiên, với một xã hội mà việc học hành luôn được coi trọng như Trung Quốc, nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa thể thực sự yên tâm trước những thay đổi này. Bên cạnh việc giảm tải trong nhà trường, việc thay đổi quan niệm giáo dục trong phụ huynh cũng là một vấn đề vô cùng nan giải.

Không ít phụ huynh ở Trung Quốc lo lắng, nếu họ thực hiện nghiêm quy định giảm tải, liệu những gia đình khác có thực sự làm như vậy hay không? Hay họ đang âm thầm kèm con học thêm bằng các hình thức khác? Nếu thực sự con cái họ gặp khó khăn trong việc học tập, họ sẽ tìm sự giúp đỡ từ đâu?

Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục dạy nghề ở Trung Quốc vẫn chưa thực sự hoàn thiện và đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Đối với hầu hết các bậc phụ huynh nước này, học nghề không nằm trong sự lựa chọn của họ. Đại học mới là đích đến.

Ngoài ra, do các trường ở Trung Quốc hiện đều được yêu cầu phải dành ít nhất 2 tiếng mỗi ngày vào các ngày trong tuần để cung cấp các dịch vụ sau giờ học cho học sinh, nên công việc và áp lực của các thầy cô giáo đang ngày càng tăng lên. Giờ đây họ không chỉ dạy trẻ học trên lớp, mà còn phải tham gia tổ chức các hoạt động và dịch vụ sau giờ học. Làm sao để đảm bảo cả về số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên sau giảm tải cũng đang là một bài toán.

Do vậy, có thế thấy, vẫn còn khá nhiều lo lắng và vấn đề cần phải giải quyết để có thể tiếp tục duy trì những kết quả đạt được sau chưa đến nửa năm thực hiện hướng dẫn mới về giảm tải học hành ở Trung Quốc.

Những vấn đề đặt ra sau các quy định siết chặt

Giáo dục luôn là vấn đề hệ trọng và nan giải ở Trung Quốc. Có những chuyên gia trong ngành giáo dục nước này thậm chí còn nhận định, cốt lõi của việc thực hiện “thịnh vượng chung” hay “cùng giàu có” ở Trung Quốc, chính là công bằng giáo dục.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc tiến hành giảm tải học đường. Từ năm 2018, các quy định tương tự đã được đưa ra, nhưng kết quả lại đi ngược lại với ý tưởng, không những không giảm tải mà còn khiến khoảng cách giáo dục nới rộng hơn giữa nhà giàu và nhà nghèo, giữa thành thị và nông thôn. Các cơ sở dạy thêm mọc lên như nấm, trẻ học ngày học đêm và các trường chạy theo thành tích.

Trong đợt thực hiện lần này, giới chức Trung Quốc đã thể hiện quyết tâm cao trong việc đạt mục tiêu giảm áp lực cho trẻ và hướng tới sự phát triển toàn diện cho thế hệ tương lai.

Tuy vậy, cha mẹ học sinh vẫn còn rất nhiều băn khoăn, ví dụ như chính sách “giảm kép”, tức giảm bài tập về nhà và học thêm ngoài giờ, đã phần nào giúp giải tỏa vấn đề đưa đón con của các gia đình công chức, giảm bớt áp lực bài vở cho trẻ, nhưng không có bài tập về nhà liệu có đồng nghĩa với kết quả học tập và chất lượng giảng dạy được nâng cao hay không? Liệu trẻ có đạt kết quả như mong muốn trong kỳ thi lên cấp III và vào đại học sau này hay không?

Như đã biết, Trung Quốc mới phổ cập giáo dục hết lớp 9, do vậy cuộc đua vào cấp III và đại học ở nước này vô cùng khốc liệt. Có nhiều ý kiến cho rằng, Trung Quốc nên thí điểm phổ cập đến hết lớp 12 ở tỉnh Chiết Giang, nơi được chọn để thí điểm xây dựng xã hội cùng giàu hay thịnh vượng chung ở nước này.

Cũng theo những ý kiến này, phổ cập cấp III sẽ khiến việc học nghề trở nên hợp lý hơn, bởi không nên để những đứa trẻ mới 14 tuổi phải chọn việc học nghề thay vì tiếp tục học văn hóa.

Để học sinh thực sự đạt tới sự phát triển toàn diện cả về thể chất, tri thức, nghệ thuật và kỹ năng sống, để phụ huynh không còn bị cuốn vào guồng quay chạy đua về điểm số và bằng cấp, để xã hội thực sự đạt được công bằng giáo dục và đất nước có một nền giáo dục chất lượng cao, Trung Quốc sẽ còn phải đi một chặng đường dài và gian nan. Tất nhiên, nếu thành công, nước này sẽ có một nguồn nhân lực tốt giúp đất nước phát triển hùng mạnh và khắc phục được các khiếm khuyết của một xã hội già hóa như hiện nay.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới