Trong nhóm các nước Asean bị Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông, nhìn chung, Indonesia ít lời nhất. Tới mức, thậm chí, họ từ chối thừa nhận có tranh chấp với Trung Quốc, dù vẫn khẳng định chủ quyền rõ ràng đối với EEZ theo UNCLOS 1982.
Lý giải điều đó, nhiều người nghĩ, những nhà lãnh đạo quốc gia được mệnh danh là “xứ sở vạn đảo”, dân số gần 300 triệu người, tuy không nói, nhưng đã sớm nhận biết và kiên trì áp dụng phương châm “ngoại giao cây tre” như Thái Lan, ít nhất là với Trung Quốc. Trong con mắt của Jakarta, Trung Quốc không chỉ là một nước lớn, kề cận, mà còn là một cường quốc đang lên như diều, xét về quy mô kinh tế và sức mạnh quân sự, nên “tránh voi chẳng xấu mặt”. Phải thành đối tác, thay vì đối đầu với Trung Quốc, mới là thượng sách. Đừng để cái sảy nảy cái ung khiến quan hệ với Trung Quốc trở nên căng thẳng.
Trong thực tế, tới thời điểm này, so với các nước Asean, Indonesia đã thành đối tác quan trọng nhất của Trung Quốc về thương mại và đầu tư lớn trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc – dự án đóng vai trò quan trọng trong chương trình nghị sự kinh tế của Chính phủ của ông tổng thống Widodo.
Thế nhưng, im lặng không phải lúc nào cũng mang lại sự yên bình cho một đảo quốc như Indonesia, nhất là khi “chơi” với một ông bạn láng giềng ngày càng tỏ ra tham lam, không hề che giấu mục tiêu giành hết Biển Đông về mình. Nói cách khác, đảo quốc trên Biển Đông như Indonesia, làm một nước láng giềng ôn hòa với Trung Quốc đâu phải muốn là được.
Một thông tin vừa rò rỉ trên truyền thông, trong đó có hãng tin khổng lồ Reuters, và lập tức khiến dư luận Indonesia nóng ran: Theo Muhammad Farhan, Nghị sĩ, ủy viên Ủy ban an ninh quốc gia thuộc Quốc hội Indonesia, giới ngoại giao Bắc Kinh đã gửi cho Bộ Ngoại giao Indonesia một lá thư, yêu cầu nước này dừng hoạt động tại một giàn khoan ngoài khơi, vì nó đang diễn ra trên lãnh hải Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Indonesia và Đại sứ quán của Trung Quốc tại thủ đô Jakarta không phản hồi trước thông tin này. Tuy nhiên, sự việc đã và đang khiến các chính trị gia Indonesia – những người vốn đã tập làm quen với sự chịu đựng, luôn tự răn mình phải kiềm chế vì lợi ích dân tộc, phẫn nộ. Bằng chứng là cũng ông Muhammad Farhan cho biết, Indonesia đã từ chối những yêu cầu ông cho là phi lý, và nhấn mạnh: “Câu trả lời của chúng tôi rất rõ ràng, rằng chúng tôi sẽ không dừng hoạt động khoan dầu tại đó vì đó là quyền chủ quyền của chúng tôi”.
Bình luận thêm về động thái ngoại giao vô lý của Trung Quốc, ông Farhan còn nói rõ: “Bức thư có tính chất đe dọa vì đây là nỗ lực đầu tiên của các nhà ngoại giao Trung Quốc nhằm thúc đẩy nghị trình về cái mà họ gọi là ‘đường 9 đoạn’ – điều hoàn toàn xung đột với các quyền của chúng tôi (Indonesia) theo UNCLOS”.
Ông Farhan, cũng như các nhà lãnh đạo Indonesia có lý của họ và không phải thiếu nhất quán. Bởi lẽ, Indonesia từng khẳng định vùng cực nam của Biển Đông thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước này theo UNCLOS. Năm 2017, sau phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ kiện Philippines kiện Trung Quốc, vùng cực nam Biển Đông này đã được Jakarta đặt tên là biển Bắc Natuna như một sự chính thức hóa chủ quyền.
Vụ việc đã và đang buộc người dân Indonesia phải hệ thống lại những hành động, có thể ví như “trò bẩn”, mà Bắc Kinh đã làm.
Và họ tá hỏa. Hóa ra, không chỉ một lần. Hóa ra, trong 5 năm qua, Trung Quốc đã nhiều lần cho tàu cá và tàu dân quân biển xâm nhập EEZ của Indonesia – một trong những lần đó khiến tổng thống Widodo phải tức tốc thăm khu vực quần đảo Natuna cùng lời tuyên bố gay gắt: “Không còn tranh luận gì nữa. Natuna là của Indonesia”. Hóa ra, giữa năm 2021, Trung Quốc đã cho tàu tuần tra quấy nhiễu hoạt động tham dò dầu khí tại mỏ Cá Ngừ của Indonesia, nằm cách Natuna Besar khoảng 140 hải lý về phía Bắc…
Thêm lần này nữa với vụ gửi thư đe dọa, người Indonesia mới thấm thía: Hóa ra, với Trung Quốc, im lặng không phải lúc nào cũng là vàng!
Đ.T