Thế giới chuẩn bị bước vào năm mới 2022. Một mối quan tâm lớn của các quốc gia là, liệu năm tới mối thâm thù giữa hai siêu cường Mỹ-Trung Quốc có hạ nhiệt? Câu trả lời: chắc chắc là chưa thể! Mâu thuẫn khó giải quyết giữa hai quốc gia vẫn xoay quanh ba trục chính là quyền con người, địa chính trị và an ninh.
Mâu thuẫn địa chính trị lại tập trung chủ yếu là những tranh chấp trên Biển Đông và vấn đề eo biển Đài Loan. Có người ví câu chuyện này giống như anh nhà giàu xơi phải miếng gân gà, nuốt vào thì khó mà nhả ra cũng không xong.
Không chỉ có chuyện đối ngoại, trong nội bộ hai nước cũng quá nhiều chuyện đau đầu. Nội bộ chia rẽ năm bè bảy bối. Nhưng có một điều chắc chắn là hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đang xích lại gần nhau vì mục tiêu chung chống Trung Quốc (nói chính xác là kìm hãm Trung Quốc) đến tận cùng.
Về phía Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đang nỗ lực củng cố vị thế để trở thành nhà lãnh đạo cứng rắn và quyền lực nhất kể từ thời cố Chủ tịch Mao Trạch Đông đến nay. Hồi tháng11/2021, Hội nghị thứ 6 của Ban chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thông qua Nghị quyết “Về những thành tựu quan trọng và kinh nghiệm lịch sử trong 100 năm phấn đấu của Đảng”. Các báo lớn của nước này lớn tiếng, coi đây là “Nghị quyết lịch sử thứ ba”.
Nghị quyết được coi là “lịch sử” vì nó ca ngợi hết lời về vai trò và các chính sách của người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đối với Đài Loan và Hong Kong.
Theo bình luận của giới chính trị Trung Quốc thì đây là tấm thảm đỏ trải sẵn để ông Tập sẽ tiếp tục nắm giữ chức vụ Tổng Bí thư và Chủ tịch nước nhiệm kỳ thứ ba. Vào cuối năm 2022 Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tổ chức đại hội lần thứ XX.
Và như thế cuộc chiến giữa hai quốc gia, hai ý thức hệ, hai nền kinh tế, hai người đứng đầu Joe Biden và Tập Cận Bình sẽ còn tiếp tục. Dân chủ hay Cộng hòa của Mỹ, Cộng sản của Trung Quốc, về cơ bản, cũng chỉ là nơi thể hiện tư tưởng, ý chí của người đứng đầu mà thôi.
Washington tỏ ra cứng như thép khi tẩy chay Thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2022. Sự kiện này được xem là dấu hiệu cho một năm có nhiều trắc trở trong quan hệ Mỹ – Trung. Khi Mỹ không cử đoàn ngoại giao tham dự sự kiện này, các đồng minh khác của Mỹ như Anh, Úc và Canada lập cũng lục tục rút lui, cùng “tẩy chay” Olimpic. Bắc Kinh bị cú hắt nước vào mặt trước thềm năm mới mà đành gượng cười.
Gượng cười nhưng không phải là khoanh tay đứng nhìn đối phương “chơi trò đê tiện” như báo chí Trung Quốc miêu tả. Bắc Kinh tuyên bố Mỹ đã chà đạp lên các nguyên tắc và tinh thần phi chính trị hóa của Olympic. Bắc Kinh không ngần ngại cảnh báo: Sẽ có “biện pháp đáp trả kiên quyết”.
Ngoài sự kiện nêu trên, tình hình Đài Loan và Hong Kong cũng đang có những diễn biến mới. Đây là mồi lửa khiến cho chảo lửa Mỹ và Trung Quốc bùng cháy bất cứ lúc nào. Năm 2021 lò lửa ấy đã nhiều phen táp vào mặt các nhà đương cục của cả hai bên. Mỹ khiến nhà cầm quyền Bắc Kinh “nóng mặt” khi liên tục bật đèn xanh cho các nghị sĩ nước này đến thăm Đài Loan. Không chỉ có thế, Mỹ trực tiếp tổ chức huấn luyện cho lực lượng phòng vệ trên đảo này.
Năm 2022, Trung Quốc đang tính toán những việc làm bài bản để tiếp tục gây sức ép với Hong Kong; trong khi chưa thể dùng vũ lực tấn công, Bắc Kinh kiên quyết ngăn chặn các nỗ lực đòi công nhận Đài Loan là một vùng lãnh thổ độc lập về mặt ngoại giao.
Còn ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Mỹ và đồng minh sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động bảo đảm tự do hàng hải trên các vùng biển quốc tế mà Trung Quốc tự ý vẽ ra cái “đường lưỡi bò”, mặc dù đã bị Tòa án quốc tế (PLA) xổ toẹt.
Cùng với Mỹ, các nước trong “Bộ tứ kim cương” và nhiều nước châu Âu đã cam kết can thiệp mạnh hơn vào khu vực này trong năm tới, đặc biệt là đối với Biển Đông. Nếu xảy ra chạy đua vũ trang giữa hai bên thì Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ là nơi dễ thấy nhất. Song, leo thang căng thẳng sẽ chỉ dừng ở cái “lim” Mỹ – Trung mà không chạm tới bờ vực chiến tranh khu vực hoặc rộng hơn.
Một số lĩnh vực khác như kinh tế, an ninh mạng cũng là điểm gây nhiều mâu thuẫn Bộ Quốc phòng Mỹ trong năm 2022 dự kiến sẽ giải quyết những lỗ hổng pháp lý trong lĩnh vực công nghệ. Các nhà khoa học hai bên đã bàn tới việc xây dựng một quy chế hợp tác, cho phép các nhà sản xuất chất bán dẫn SMIC của Trung Quốc được mua công nghệ quân sự quan trọng của Mỹ. Có thể đây là một “phép thử” an ninh và kinh tế? Trung Quốc chả dại gì từ chối “thiện ý” của đối tác, nhưng người Trung Quốc có câu: “Vào hang bắt cọp đừng để cọp vồ”.
Tương tự như vậy, Bộ Thương mại Mỹ cũng sẽ đưa thêm nhiều tổ chức và cá nhân Trung Quốc vào danh sách đen, nhưng không vì thế mà hạn chế việc sàng lọc, đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Trung Quốc. Tuy nhiên, sự hạ nhiệt trong cạnh tranh kinh tế – thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ là nhất thời. Đối đầu, cạnh tranh với những hình thức mới vẫn là xu thế chủ đạo.
H.Đ