Trong bối cảnh dịch Covid-19, tỉnh Quảng Ninh đã tạo nên kỳ tích, thông xe cùng lúc 3 dự án giao thông hoành tráng bậc nhất Việt Nam trên 15.000 tỷ vào đầu năm mới 2022.
3 dự án giao thông trọng điểm, quy mô hoành tráng bậc nhất tỉnh Quảng Ninh và ở Việt Nam được khánh thành ngày đầu năm mới 2022 là cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, cầu tình Yêu, đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả.
Dự án đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả
Đây là tuyến đường kỳ quan thế giới bởi một bên là biển với Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, một bên là núi với thắng cảnh hoành tráng bậc nhất Việt Nam. Dự án được khởi công ngày 22/8/2019, với thiết kế 6 làn xe cơ giới, vận tốc tối đa 60 km/h, chiều dài 18,7 km, tổng mức đầu tư 2.290 tỷ đồng.
Tuyến đường không chỉ kết nối 2 thành phố trung tâm của tỉnh là Hạ Long – Cẩm Phả, mà còn kết nối 2 di sản Vịnh Hạ Long – Bái Tử Long, tạo điều kiện đi lại thuận lợi, an toàn, phát triển kinh tế, bất động sản và nhiều tiềm năng khác cho người dân…
Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái
Đây là cao tốc trực thuộc tỉnh dài nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Dự án được khởi công ngày 3/4/2019, theo hình thức đối tác công tư (PPP) với tổng vốn 11.195 tỷ đồng. Tuyến đường dài 80,23 km, rộng 25,25 m, 4 làn xe, tốc độ tối đa 100 km/h.
Đầu tháng 5/2020, UBND tỉnh Quảng Ninh kiến nghị Chính phủ điều chỉnh cao tốc này theo hướng tách thành hai dự án độc lập, tăng vận tốc tối đa từ 100 lên 120 km/h và được Thủ tướng đồng ý. Theo đó, tuyến Vân Đồn – Tiên Yên dài 16,8 km được triển khai theo hình thức đầu tư công, tổng mức đầu tư 3.667 tỷ đồng.
Tuyến Tiên Yên – Móng Cái dài 63,26 km triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT, tổng mức đầu tư điều chỉnh dự kiến hơn 8.509 tỷ đồng.
Khi đi vào sử dụng, công trình sẽ rút ngắn thời gian từ Vân Đồn đi Móng Cái xuống còn 50 phút thay vì 2 giờ; góp phần hoàn thiện tuyến cao tốc từ Lào Cai đi qua Hà Nội, Hải Phòng đến TP Móng Cái (Quảng Ninh), tạo thành tuyến cao tốc liền mạch dài nhất Việt Nam.
Đây cũng là tuyến cao tốc đặc biệt bởi giữ nhiều “kỷ lục” như: tiến độ GPMB nhanh nhất từ trước tới nay – chỉ đúng 15 ngày thần tốc đã hoàn thành toàn tuyến dài 80km; tuyến cao tốc sở hữu nhiều cây cầu vượt biển, vượt sông suối nhất với 32 cây cầu.
Tuyến cao tốc cũng là công trình có nhiều công nhân ở lại lâu nhất với tỷ lệ 70% công nhân trên công trường đã hơn một năm nay chưa về gia đình để đảm bảo yếu tố về phòng dịch và đẩy nhanh tiến độ.
Tuyến cao tốc này dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ các hạng mục trong tháng 4/2022, góp phần kết nối với các tuyến cao tốc dài nhất nước là Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Móng Cái, góp phần rút ngắn thời gian di chuyển từ thủ đô Hà Nội tới Cửa khẩu quốc tế Móng Cái chỉ còn 3 giờ so với 6 giờ trước đây.
Dự án cầu tình Yêu (Cửa Lục 1)
Cầu có tổng mức đầu tư 2.109 tỷ đồng, từ ngân sách tỉnh, với chiều dài toàn tuyến 4.265 m. Cầu chính được thiết kế dạng vòm ống thép nhồi bê tông với 6 làn xe cơ giới, vận tốc thiết kế 60 km/h.
Đây là công trình cầu 6 làn xe đầu tiên ở Quảng Ninh, nối 2 khu vực phía Bắc và Nam của TP Hạ Long qua vịnh Cửa Lục. Việc cầu khánh thành sẽ giúp kết nối người dân các phường, xã trung tâm của huyện Hoành Bồ trước đây với trung tâm TP Hạ Long (huyện Hoành Bồ sáp nhập vào Hạ Long vào tháng 1/2020).
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, trong 2 năm qua, dịch Covid – 19 xuất hiện, tác động sâu tới mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội toàn cầu. Tuy nhiên, tại Quảng Ninh, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP vẫn duy trì đạt 2 con số, đột phá về hạ tầng giao thông.
Đặc biệt trong đó có nhiều hạng mục không chỉ đạt kỷ lục về quy mô, chất lượng mà còn đạt kỷ lục về thời gian, mang đậm yếu tố quyết liệt, đổi mới, đột phá… của tỉnh có đường biên giới nối dài với Trung Quốc.
Các dự án hạ tầng giao thông được thông xe góp phần hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối hiện đại, là những công trình điểm nhấn, mang giá trị mỹ quan kiến trúc, đô thị nổi bật của địa phương và là điểm nhấn trên cả nước trong những ngày đầu năm.
Những công trình này khi đi vào khai thác, tỉnh Quảng Ninh kỳ vọng sẽ mở ra không gian phát triển kinh tế đột phá, tạo ra lợi thế cạnh tranh vượt trội trong thúc đẩy hợp tác quốc tế và liên kết vùng, liên vùng, nội vùng, đưa Quảng Ninh ngày càng trở thành điểm trung chuyển chiến lược trong khu vực hợp tác Đông Á – Đông Nam Á, ASEAN – Trung Quốc.
T.P