Wednesday, January 22, 2025
Trang chủQuân sựVũ khí - Khí tàiKhông cần Su-35, không quân Triều Tiên vẫn có máy bay hiện...

Không cần Su-35, không quân Triều Tiên vẫn có máy bay hiện đại giữa vòng vây cấm vận

Bất chấp lệnh cấm vận, bằng cách này không quân Triều Tiên vẫn sẽ có những máy bay chiến đấu hiện đại.

Biên đội MiG-29 không quân Triều Tiên.

Không quân Triều Tiên: Đông nhưng lạc hậu

Những năm gần đây, nhiều nguồn tin quốc tế cho rằng Triều Tiên muốn kí hợp đồng trị giá 1 tỉ USD để mua 12 chiếc máy bay chiến đấu Su-35 từ Nga, nhằm hiện đại hóa lực lượng không quân lạc hậu của nước này.

Tuy nhiên, quốc gia bí ẩn này vẫn đang nằm dưới sự cấm vận của Liên hợp quốc, vì chương trình hạt nhân của mình. Về bản chất, đây là một nỗ lực của Mỹ và đồng minh để buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân.

Lệnh cấm vận một mặt trực tiếp ngăn chặn Nga bán Su-35 cho Triều Tiên. Mặt khác, lệnh cấm vận cũng đẩy Triều Tiên vào khó khăn kinh tế, khiến cho việc nước này có đủ ngân sách 1 tỷ USD để mua máy bay chiến đấu trở nên bất khả thi.

Tuy nhiên, nhu cầu hiện đại hóa Không quân nhân dân Triều Tiên hiện đã rất cấp bách. Nước này đã có bài học kinh nghiệm đau đớn trong Chiến tranh Triều Tiên, khi việc đánh mất quyền kiểm soát bầu trời đã dẫn đến những hậu quả thảm khốc: Quân đội đã đánh mất ưu thế trên chiến trường, và thủ đô Bình Nhưỡng bị tàn phá hoàn toàn bởi không quân Hoa Kỳ.

Phòng không trở thành ưu tiên hàng đầu trong học thuyết quân sự của Triều Tiên. Liên Xô trước đây và Nga hiện nay đã trở thành nhà cung cấp vũ khí chính cho Triều Tiên bảo vệ không phận của mình.

Nhiều nguồn tin cho rằng: Triều Tiên trở thành quốc gia duy nhất ngoài Liên Xô nhận được hệ thống tên lửa đất đối không S-25 – vốn chỉ được sử dụng cho nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô Moskva. Trong suốt thời kì Chiến tranh Lạnh, Triều Tiên liên tục nâng cấp mạng lưới phòng không và các máy bay chiến đấu của mình với các khí tài Liên Xô.

Sau khi Liên bang Xô viết tan rã năm 1991, nhiều ý kiến cho rằng Triều Tiên sẽ không còn có được những khí tài quân sự hiện đại cho nhiệm vụ phòng không, thậm chí là sẽ khó có được những bộ phận để duy trì các trang bị hiện có. Điều này sẽ giúp cho Hoa Kỳ và các đồng minh có được lợi thế áp đảo trên không, trong một trận chiến tương lai trên bán đảo Triều Tiên.

Nhìn bề ngoài thì điều này có vẻ đúng: Lực lượng không quân Triều Tiên hiện nay có 946 chiếc máy bay chiến đấu, nhưng đó chỉ là con số trên giấy tờ, bởi nước này rất thiếu trang bị, phụ tùng cho máy bay, cũng như nhiều loại máy bay đã bị loại biên.

Trong báo cáo gần đây nhất, Cục Tình báo quốc phòng Hoa Kỳ (DIA) cho rằng Triều Tiên chỉ còn duy trì 572 chiếc máy bay chiến đấu, và phần lớn là loại đã lỗi thời như các phiên bản MiG19 và MiG-21. Chỉ có 35 chiếc MiG-29, 56 chiếc MiG-23 và 34 chiếc Su-25 là những loại máy bay chiến đấu thuộc thế hệ thứ ba và thứ tư, tương đối hiện đại.

Tuy nhiên, một số nghiên cứu về quốc phòng của Triều Tiên giai đoạn cuối những năm 1980, và sự hỗ trợ của Nga cho người láng giềng Đông Á này, đã giúp lí giải vì sao Bình Nhưỡng vẫn là một đối thủ đáng gờm với bất cứ đối thủ nào, khi phải chiến đấu với họ trên bầu trời bán đảo Triều Tiên.

Ẩn số MiG-29 Triều Tiên

Sau chuyến thăm Liên Xô của lãnh tụ Triều Tiên Kim Chính Nhật tháng 10 năm 1986, Moskva đã đồng ý cung cấp cho Triều Tiên những chiếc máy bay chiến đấu MiG-29 Fulcrum đầu tiên. Đáng chú ý là loại máy bay này vừa mới được đưa vào phục vụ trong biên chế Không quân Liên Xô một năm trước đó (phiên bản MiG-29B).

Trong bối cảnh chiếc tiêm kích hạng nặng Su-27 Flanker đang gặp khó khăn trong phát triển, và chỉ được sản xuất hạn chế, MiG-29 có thể coi là loại máy bay chiến đấu có năng lực chiến đấu đầy đủ nhất của Liên Xô.

Khác với giai đoạn hiện nay (khi bị Liên hợp quốc cấm vận và lâm vào khó khăn), trong thập niên 1980, Triều Tiên có một nền kinh tế khởi sức và ngành công nghiệp hùng mạnh. Họ có được sự viện trợ lớn cả về kinh tế và quân sự của Liên Xô.

Quan hệ thương mại Xô – Triều phát triển mạnh mẽ. Liên Xô đầu tư rất lớn cho các ngành công nghiệp hiện đại vào Triều Tiên. Để bảo vệ các tổ hợp công nghiệp này khỏi một cuộc chiến tranh có thể xảy ra trong tương lai, Liên Xô cũng giúp hiện đại hóa lực lượng phòng không – không quân Triều Tiên.

Theo thỏa thuận hợp tác quân sự giữa hai nước, Triều Tiên đã nhận được máy bay chiến đấu MiG23, máy bay cường kích Su-25, tổ hợp radar cảnh báo sớm 36D6 Tin Shield, tổ hợp tên lửa phòng không S-200, cùng nhiều vũ khí tiên tiến khác.

Ước tính, Triều Tiên đã nhận được khoảng 24 máy bay MiG-29 từ Liên Xô. Nhưng quan trọng hơn, Triều Tiên đã mua giấy phép (license) và nhận được hỗ trợ kĩ thuật từ Liên Xô để lắp ráp các máy bay chiến đấu MiG-29 trong nước

Giấy phép lắp ráp này được cấp cho Triều Tiên từ năm 1987, và trên cơ sở đó, Triều Tiên đã xây dựng một dây chuyền lắp ráp nhỏ ở Kwagsan và Taechun, tỉnh Bắc Pyongan (Bình An Bắc đạo), phía tây bắc đất nước – xa khu phi quân sự, gần các đồng minh là hậu phương của nước này.

Dây chuyền này có sản lượng từ 2-3 máy bay MiG-29 mỗi năm. Ước tính đến cuối thập niên 1990, 15 máy bay MiG-29 đã được lắp ráp – khá nhỏ so với qui mô của dây chuyền tại Liên Xô, nhưng vẫn là sự bổ sung đáng kể cho Không quân Nhân dân Triều Tiên.

Chiếc MiG-29 đầu tiên được chế tạo ở Triều Tiên đã cất cánh bay thử ngày 15/04/1993, có hiệu suất kĩ thuật tương đương với những chiếc máy bay được sản xuất trong nội địa Liên Xô/Nga, và tinh vi hơn so với các phiên bản xuất khẩu cho các khách hàng như Iraq và Iran.

Năm 1997, Triều Tiên đã kí hợp đồng với công ty vũ khí nhà nước Nga Rosvooruzhenye về hợp tác quân sự, bao gồm việc tiếp tục hỗ trợ sản xuất máy bay chiến đấu phản lực MiG-29 tại Triều Tiên.

Với qui mô khoảng 35 máy bay MiG-29 vào thời điểm ấy, việc mở rộng sản xuất lắp ráp máy bay nội địa sẽ giúp phát triển đáng kể đội bay của Không quân nhân dân Triều Tiên.

Không cần Su-35, chỉ MiG-29 là đủ

Hiện nay, nước Nga tiếp tục duy trì quan hệ quốc phòng chặt chẽ với Triều Tiên, nhất là trong lĩnh vực phòng không. Hai nước đã kí kết nhiều thỏa thuận quân sự – quốc phòng hồi năm 2015, tuyên bố “Năm Hữu nghị”, đặc biệt tạo điều kiện hợp tác chặt chẽ trong phòng không và tình báo.

Việc thăm viếng Moskva của các đoàn đại biểu cấp cao Không quân Triều Tiên vẫn diễn ra thường xuyên. Và theo các nguồn tin của Mỹ, nước Nga vẫn tiếp tục cung cấp các linh kiện cho Triều Tiên để duy trì đội bay chiến đấu của mình.

Có thể thấy rằng: Nếu lệnh cấm vận chống Triều Tiên của Liên Hợp Quốc năm 2006 được thực hiện đầy đủ, thì Triều Tiên đã không thể vận hành được các máy bay chiến đấu của mình. Chắc chắn nước này phải có được các linh kiện Nga mới có thể duy trì được lực lượng không quân của mình.

Một số nhà phân tích cũng cho rằng nước Nga đóng vai trò hỗ trợ Triều Tiên trong việc phát triển hệ thống phòng không tầm xa KN-06 – được sản xuất loạt năm 2017 – tương tự loại S-300 của Nga, và có thể sử dụng các linh kiện từ Nga.

Hệ thống phòng không mạnh mẽ của Triều Tiên giữ vai trò quan trọng trong lợi ích của Nga, góp phần bảo vệ vùng Viễn Đông rộng lớn của nước Nga trong trường hợp nổ ra xung đột với Hoa Kỳ, cũng như ngăn chặn các hành động quân sự trên bán đảo Triều Tiên của Washington.

Trong bối cảnh Triều Tiên vẫn duy trì các dây chuyền lắp ráp MiG-29, với một số linh kiện nguồn gốc Nga, thì chừng nào Moskva còn cung cấp các linh kiện này, dây chuyền lắp ráp sẽ còn khả năng hoạt động.

Thay vì cung cấp cho Triều Tiên một loại máy bay chiến đấu hoàn toàn mới, Moskva đơn giản chỉ cần lặng lẽ hỗ trợ nước láng giềng của mình mở rộng đội bay MiG-29.

Không ai có thể chắc chắn trên lãnh thổ Triều Tiên có bao nhiêu MiG-29, đồng thời nước này lại sở hữu nhiều sân bay ngầm dưới lòng đất, nên rất khó tìm được căn cứ chứng minh việc Nga cung cấp linh kiện máy bay MiG-29 cho Triều Tiên.

Các linh kiện hàng không cũng có thể được vận chuyển sang Triều Tiên một cách dễ dàng hơn các máy bay nguyên chiếc, khiến cho Hoa Kỳ rất khó có được các bằng chứng để chứng minh Nga vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc với Triều Tiên.

Không cần đến những chiếc Su-35 hiện đại, Nga chỉ cần cung cấp cho Triều Tiên những phiên bản tiên tiến của tên lửa không đối không tầm xa R-77 và R-27, cũng đã làm gia tăng đáng kể khả năng tác chiến cho những chiếc máy bay MiG-29 của nước này. Chưa kể đến việc các máy bay này cũng được Nga nâng cấp các cảm biến và hệ thống điện tử.

Thay vì chi ra 1 tỉ USD cho những chiếc Su-35, thì Triều Tiên chỉ cần bỏ ra một con số khiêm tốn hơn rất nhiều cho việc hiện đại hóa và lắp ráp thêm máy bay MiG-29. Với tên lửa hàng không mới, MiG-29 của Triều Tiên vẫn đủ sức đe dọa không quân Hàn Quốc.

Sự bất lợi về radar và hệ thống điện tử hàng không của MiG-29 Triều Tiên với các máy bay chiến đấu hiện đại của Hàn Quốc là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, cần nhớ rằng Triều Tiên có hệ thống phòng không hiện đại, và các đài radar dẫn đường không quân.

Học thuyết quân sự Xô viết trước đây, cũng như của các nước XHCN hiện nay rất chú trọng công tác chỉ huy mặt đất và dẫn đường không quân (Ground-controlled interception – GCI). Các đài chỉ huy mặt đất sẽ dẫn dắt máy bay quân ta vào vị thế có lợi để công kích.

Chừng nào Triều Tiên còn duy trì được hệ thống dẫn đường không quân mạnh mẽ, thì MiG-29 của họ vẫn không thua kém gì không quân đối phương.

Thay vì mua sắm mới Su-35, việc gia tăng số lượng và hiện đại hóa liên tục phi đội MiG-29 của Triều Tiên vẫn là phương thức hiệu quả về chi phí để duy trì lực lượng phòng không – không quân chống lại các đối thủ tiềm năng trong tương lai. Cả Bình Nhưỡng và Moskva sẽ đều mong muốn duy trì quan hệ này, vì lợi ích của mình.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới