Saturday, December 21, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiỞ TQ có an toàn không

Ở TQ có an toàn không

Ở Trung Quốc, người giàu có như Jack Ma, nổi tiếng như Triệu Vy, tràn đầy thể lực như Bành Soái, thậm chí nhiều quyền lực như người đứng đầu Trung Nam Hải – Tổng Bí thư Tập Cận Bình đều không có cảm giác an toàn. Vậy thì phải làm gì để có được cảm giác an toàn ở Đại lục?

Tập Cận Bình, Jack Ma, Triệu Vy và Bành Soái.

Nhân cuối năm, tức sau Lễ Tạ ơn 25/11, ở Mỹ mọi thứ đang dần chậm lại, cộng thêm việc không có nhiều tin tức, nên trong chương trình Chính luận thiên hạ đăng ngày 22/12, Giáo sư Chương Thiên Lượng đã mạn đàm một chút về ‘không ấn án’ (vụ án con dấu trống) diễn ra vào triều Minh, cộng thêm một số nhìn nhận của Khổng Tử, từ đó vị học giả này đưa ra nhìn nhận về cảm giác an toàn như sau:

Nếu muốn an toàn: hãy bỏ quyền lực vào lồng, tức phải có cơ quan tư pháp độc lập

Dưới sự thống trị của ĐCSTQ, không ai có thể đảm bảo an toàn cho mình, bao gồm cả người đứng đầu Trung Nam Hải là Tập Cận Bình.

Tập Cận Bình không thể đảm bảo an toàn cho chính mình, nếu không, ông Tập không cần phải làm ‘lãnh đạo suốt đời’. Bởi vì trong quá trình tranh trừng các đối thủ chính trị, ông Tập đã gây thù chuốc oán rất nhiều, cho nên ông phải nắm thật chặt quyền lực, chỉ cần hơi lỏng tay, ông Tập có thể đối diện với chính biến kịch liệt.

Giáo sư Chương cho rằng, nếu muốn tận hưởng sự an toàn thật sự, cách duy nhất là bỏ quyền lực vào lồng, chính là phải có một cơ quan tư pháp độc lập. Đây thực sự là điều mà mọi người nên ra sức thực hiện.

Sau khi đặt quyền lực vào lồng, mọi người biết được làm việc gì là hợp pháp và phi pháp, và quyền lực không thể ‘muốn gì làm nấy’, nó không thể vượt qua biên giới của pháp luật để bức hại người khác. Nói cách khác, mọi người phải kiến lập được một xã hội ‘pháp trị’.

Xã hội pháp trị không chỉ là công dân phải tuân thủ, mà quan trọng nhất là chính phủ phải tuân thủ pháp luật. Nếu không như thế, người ta sẽ không biết đến ngày nào, lãnh tụ tối cao sẽ nổi giận rồi vượt qua pháp luật để bức hại bạn. Cho dù là một Hoàng đế hết lòng vì dân, cũng không chắc đến khi ông ấy nổi giận, đại thần liệu có thể tránh được hoạ sát thân hay không.

Chu Nguyên Chương và ‘không ấn án’ (vụ án con dấu trống)

Bối cảnh ‘không ấn án’

Đến cuối năm, nhiều người bận đón năm mới nên không khí ở chỗ Giáo sư Chương đang sống là Mỹ quốc khá thoải mái. Sau Lễ Tạ ơn đến khoảng 1 tháng trước Tết tây thuộc về holiday season (kỳ nghỉ lễ) nên nhịp điệu cuộc sống dần chậm lại, do đó Giáo sư Chương mạn đàm một chút về lịch sử để nói thế nào mới là an toàn.

Câu chuyện này xảy ra vào triều Minh. Chúng ta biết rằng xuất thân của Chu Nguyên Chương rất thấp kém, cho nên ông thấu hiểu sâu sắc đối với đau khổ trong thế gian, do đó ông đối xử rất tốt với người dân, nhưng lại rất nghiêm khắc với quan chức.

Những năm Hồng Vũ thời Minh Thái Tổ – Chu Nguyên Chương có 4 vụ án lớn là:

– Hồ Vi Dung án.

– Không ấn án (vụ án con dấu rỗng).

– Quách Hoàn án.

– Lam Ngọc án.

Trong đó ‘không ấn án’ diễn ra vào năm Hồng Vũ thứ 9 (1376), liên quan đến rất nhiều quan chức. Bối cảnh câu chuyện như sau.

Vào triều Minh, một tỉnh được gọi là ‘bố chính sử ti’, bên dưới có các quan chức thuộc Phủ, Châu, Huyện, mỗi năm họ phải đến Bộ Hộ (tương đương với Bộ Tài chính ngày nay) để đối chiếu sổ sách về tiền bạc, lương thực, quân nhu v.v.

Thời đó giao thông chưa phát triển như bây giờ, ví như một quan chức ở Vân Nam phải trèo đèo lội suối để đến Bộ Hộ ở Nam Kinh để đối chiếu sổ sách. Nhìn trên bản đồ, người viết thấy khoảng cách từ Vân Nam đến Nam Kinh gần gấp đôi khoảng cách từ Hà Nội vào Sài Gòn, chính là xa như thế.

Thời đó phải đi hơn một tháng mới đến nơi. Nếu đối chiếu sổ sách phát hiện sai sót, thì họ phải làm lại sổ sách. Trên thực tế, việc không có sai sót là không thể. Ví như năm nay quan chức ấy nộp cho Bộ Hộ bao nhiêu lương thực, nhưng trong quá trình vận chuyển có xảy ra hao hụt bởi vì đường sá không tốt, khi qua núi không khéo lương thực lại rơi xuống vực, hoặc là bị cướp hay như thế nào đó… Do đó sổ sách trước khi vận chuyển và sau khi đến nơi là không khớp.

Nếu không khớp thì Bộ Hộ không đối chiếu, quan chức ấy phải trở về lại Vân Nam. Tại sao phải về Vân Nam? Bởi vì sổ sách, con dấu của Trưởng quan (quan cấp trên), quan chức đến Bộ Hộ ở Nam Kinh không được sửa con dấu vì làm vậy sổ sách sẽ không có giá trị. Còn con dấu không thể đem từ Vân Nam đến Nam Kinh, do đó quan chức đành phải trở về Vân Nam để làm lại sổ sách, sau đó đóng con dấu mới, rồi đến Nam Kinh.

Việc này làm đi làm lại mất 2-3 tháng. Nếu quay trở lại Bộ Hộ ở Nam Kinh lại phát hiện sai sót… thì phải quay về Vân Nam, chính là chạy ngược chạy xuôi như thế.

Vì việc đối chiếu sổ sách hàng năm (nếu có sai sót) phiền phức như thế, cho nên sau này Bộ Hộ và các quan chức địa phương thương lượng với nhau một cách, chính là: quan chức địa phương hãy mang theo những tờ giấy trắng có đóng dấu sẵn, chưa điền số vào vội, đến lúc biết số lượng sau khi hao hụt thì điền vào để đối chiếu. Ví như 100 vạn đảm (2) lương thực, sau khi vận chuyển bị hao hụt 20%, còn lại 80 vạn đảm, thế thì lúc đó quan chức địa phương chỉ cần điền vào chỗ trống là sẽ khớp số.

Điều này có vẻ hợp lý và trở thành thông lệ, nhưng sau này bị Chu Nguyên Chương phát hiện. Minh Thái Tổ tức giận vì cho rằng các quan chức làm giả sổ sách để lừa dối mình. Kết quả, rất nhiều quan chức cầm con dấu ở mỗi Châu, Phủ, Huyện trên toàn Trung Quốc đều bị Chu Nguyên Chương xử tử, còn quan cấp phó bị đánh 100 hèo sau đó đi lưu đày.

Quan tốt như Phương Khắc Cần vẫn gặp hoạ sát thân…

Trong số những người bị xử tử có Phương Khắc Cần. Phương Khắc Cần là một vị quan rất tốt. Ông tốt đến mức độ nào?

Năm đó có một lần Vĩnh Gia Hầu là Chu Lượng Tổ muốn đem thuỷ quân đến Bắc Bình, nhưng vì nước sông quá cạn nên thuyền lớn không qua được. Vĩnh Gia Hầu muốn trưng (triệu tập) 5000 người để khai thông lòng sông.

Vấn đề ở đây là, Phương Khắc Cần rất chú trọng nông nghiệp, nếu người dân lỡ thời gian làm nông nghiệp như gieo, cấy, chăm bón… thì người dân mất mùa, đói kém. Nhưng Phương Khắc Cần lại không thể ngăn được Chu Lượng Tổ yêu cầu ông khai thông lòng sông, do đó ông rơi vào tình huống tiến thoái lưỡng nan.

Thế là Phương Khắc Cần vừa khóc lóc thảm thiết vừa cầu khấn ông Trời. Chính vì sự chân thành của ông đã làm cảm động Thượng Thiên, nên Trời giáng mưa to như trút nước khiến cho thuyền của Chu Lượng Tổ có thể qua sông, và người dân không cần phải khai thông lòng sông nữa. Câu chuyện này có ghi lại trong ‘Minh sử’.

Phương Khắc Cần là một vị quan tốt hết lòng vì dân như vậy nhưng kết quả vẫn bị xử tử vì ‘không ấn án’.

Giáo sư Chương kể câu chuyện trên để nói rằng, Chu Nguyên Chương hết lòng vì bách tính nhưng làm một vị quan tốt như Phương Khắc Cần vẫn không thể đảm bảo an toàn của mình. Nói cách khác nếu không có ‘pháp trị’ thì làm việc gì cũng không an toàn.

Quay trở lại với hiện thực ở Trung Quốc ngày nay, Giáo sư Chương nhìn nhận: trong một xã hội nếu người dân ‘không tranh với đời’, đồng thời có một công việc ổn định, thì đây mới là phúc phận của con người. Trong loạn thế, dù là tiền hay quyền đều không thể đảm bảo an toàn cho người ta.

Khổng Tử từng giảng câu như thế này: “Sử Ngư chính trực thay! Nước có đạo, ông chính trực như mũi tên; nước vô đạo thì ông cũng chính trực như mũi tên” (3).

Sử Ngư là Đại phu nước Vệ thời Xuân Thu, Khổng Tử khen ông thật tốt, nếu quốc gia ‘quân minh thần hiền’ thì đạo đức của ông ‘thẳng thắn’ giống như mũi tên được bắn ra. Nhưng nếu quốc gia không có đạo, nguyên tắc của ông cũng không thay đổi, chính là vẫn ‘thẳng thắn’ như mũi tên bắn ra. Dù là quốc gia có đạo hay vô đạo, nguyên tắc đạo đức của Sử Ngư vẫn bất biến.

Ngoài ra Khổng Tử còn tán dương một người khác là Cừ Bá Ngọc như sau: “Cừ Bá Ngọc quân tử thay! Nước có đạo, ra làm quan; nước vô đạo, không thể cuốn theo đó mà hư hỏng” (4). Ý tứ là, Cừ Bá Ngọc là một người quân tử, nếu chính trị quốc gia trong sạch, ông sẽ ra làm quan, nếu chính trị quốc gia hắc ám, ông sẽ đi ở ẩn. Đây là Khổng Tử nhìn nhận một người khi thịnh thế và loạn thế, nói cách khác, nếu quốc gia có đạo, người ta có thể ra ngoài để thực hiện lý tưởng của mình, còn nếu quốc gia vô đạo thì tốt nhất nên ẩn cư.

Tựu trung lại, Giáo sư Chương nhìn nhận, dưới sự thống trị của ĐCSTQ thì Trung Quốc không có hệ thống tư pháp độc lập, nơi đây không phải là một xã hội pháp trị, do đó không có ai có được cảm giác an toàn.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới