Monday, November 18, 2024
Trang chủQuân sựVũ khí - Khí tài3 vũ khí 'át chủ bài' giúp Nga tăng cường tiềm lực...

3 vũ khí ‘át chủ bài’ giúp Nga tăng cường tiềm lực quân sự trong năm 2022

Tên lửa siêu thanh, xe tăng thế hệ thứ 4 và chiến đấu cơ MiG nâng cấp sẽ là những vũ khí được bổ sung vào kho khí tài quân sự của Nga trong năm 2022.

Vào năm 2018, quân đội Nga đã ký các thỏa thuận trị giá 300 tỷ USD với các nhà sản xuất vũ khí để mua các loại vũ khí hiện đại, được trang bị công nghệ cao cho đến năm 2027. Theo thỏa thuận, mỗi năm quân đội sẽ được tiếp nhận máy bay, xe tăng, tàu chiến và tàu ngầm mới. Năm 2022 cũng không ngoại lệ. Dưới đây là danh sách các loại vũ khí sẽ được biên chế cho quân đội Nga vào năm tới.

Máy bay chiến đấu MiG mang tên lửa siêu thanh

Trước hết, quân đội Nga sẽ tiếp nhận các máy bay chiến đấu được trang bị tên lửa siêu thanh, trong đó phải kể đến tiêm kích đánh chặn MiG-31 và tên lửa Kh-47M2 ‘Kinzhal’. Kế hoạch này đã được Trung tướng Andrey Yudin, Tổng tư lệnh Lực lượng không quân Nga tiết lộ vào cuối tháng 11/2021.

Ông Ivan Konovalov, Giám đốc Phát triển của Quỹ Thúc đẩy Công nghệ Thế kỷ 21 cho biết: “MiG-31 là máy bay chiến đấu có từ thời Liên Xô, được lựa chọn để triển khai các loại vũ khí tấn công tiên tiến. Nó có nhiều tính năng vượt trội so với các loại máy bay khác, chẳng hạn như cất cánh nhanh hơn và có trần bay cao hơn hẳn”.

Theo ông Ivan Konovalov, MiG-31 có trần bay 25km. Từ độ cao này máy bay vẫn có thể tấn công các mục tiêu trên mặt đất hoặc các mục tiêu trên không cách xa tới 2.000km khi được trang bị tên lửa siêu thanh Kh-47M2 ‘Kinzhal’.

Chuyên gia này giải thích thêm: “Đặc điểm chính của tên lửa Kinzhal là tốc độ và khoảng cách mà nó lao đến mục tiêu. Nói một cách đơn giản, không có hệ thống phòng không hiện đại nào của nước ngoài lẫn cả Nga có thể đánh chặn các mối đe dọa từ khoảng cách 2.000km”, ông Konovalov nhận định.

Tên lửa Kinzhal có thể tăng tốc để đạt tốc độ Mach 10 (khoảng 12.240km/h) khiến các hệ thống phòng không hiện đại rất khó đánh chặn.

“Để một tên lửa phòng không có thể bắn hạ một tên lửa khác trên bầu trời, điều trước tiên là nó phải có tốc độ nhanh hơn tốc độ của mục tiêu và có khả năng đánh chặn tên lửa của đối phương trên quỹ đạo đường bay. Hiện tại không có một hệ thống phòng không nào có thể thực hiện được điều đó”, ông Konovalov giải thích thêm.

Nhưng Kinzhal không phải tên lửa siêu thanh duy nhất được bàn giao cho quân đội Nga năm 2022. Một tên lửa khác vô cùng lợi hại được cho là sẽ xuất hiện trong kho vũ khí của Nga là Zircon.

Tên lửa siêu thanh Zircon phóng từ trên biển

Vào cuối tháng 11/2021, quân đội Nga đã thực hiện thành công một vụ thử nghiệm tên lửa siêu thành Zircon. Vụ thử nghiệm này nhằm kiểm tra khả năng tích hợp của tên lửa trên tàu chiến. Các vụ thử nghiệm trước đó được thực hiện với tàu ngầm.

Ông Dmitry Litovkin, Tổng biên tập tạp chí Quân sự độc lập cho biết: “Các cuộc thử nghiệm diễn quá thành công đến mức quân đội Nga đã đặt hàng một số lượng lớn tên lửa này cho hạm đội của họ.

Vì thế, từ tháng 1/2022, các tàu chiến của Nga sẽ bắt đầu tiếp nhận tên lửa Zircon. Tuy nhiên, việc trang bị cho tàu ngầm bị hoãn lại đến năm 2025 vì những lý do chưa được tiết lộ”.

Tên lửa Zircon có thể tấn công mục tiêu với tốc độ 2,5km/h (nhanh gấp 8 lần so với tốc độ âm thanh). Đây cũng là hệ thống vũ khí mới được cho là sẽ nằm ngoài tầm với của các hệ thống phòng không trong thập kỷ tới.

“Những tên lửa được trang bị đầu đạn mạnh nhất này sẽ mang lại cho quân đội Nga khả năng răn đe chưa từng có”, chuyên gia Dmitry Litovkin nhấn mạnh. Theo ông, Zircon được phát triển với mục tiêu ban đầu là đối phó với nhóm tác chiến tàu sân bay có tới 10 chiến hạm.

“Hiện tại, không có một quốc gia nào trên thế giới sở hữu những tên lửa sánh kịp với khả năng của Zircon và Kinzhal. Lý do rất đơn giản. Các quân đội nước ngoài chỉ bắt đầu chú trọng đầu tư phát triển công nghệ siêu thanh sau khi Tổng thống Putin thông báo Nga đã chế tạo thành loại vũ khí này vào năm 2018”, ông Konovalov nhận xét.

Chuyên gia này lưu ý, dù đầu tư nhiều nguồn lực và kinh phí nhưng các nước phương Tây vẫn phải mất nhiều năm mới có thể chế tạo thành công tên lửa siêu thanh. Hiện Mỹ đang có kế hoạch chi khoảng 800 tỷ USD vào năm 2022 để nâng cấp quân đội và phát triển những loại vũ khí mới.

Xe tăng T-14 Armata

Tháng 11/2021, quân đội Nga đã ký thỏa thuận mua thêm 132 xe tăng T-14 Armata. Đây được coi là mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ thứ 4 duy nhất trên thế giới. Theo các chuyên gia quân sự ,T-14 Armata vượt trội hơn hẳn các đối thủ nước ngoài về khả năng chiến đấu.

Chuyên gia Konovalov giải thích: “T-14 Armata có rất nhiều tính năng mà những xe tăng khác không có được. Đây là xe tăng duy nhất có tháp pháo tự động được điều khiển bởi tổ lái ngồi trong khoang bọc giáp kiên cố ở phía đầu xe và hệ thống nhắm mục tiêu tự động.

Nó còn có “hệ thống quản lý liên kết chiến thuật” cho phép phối hợp với máy bay không người lái đang hoạt động trên bầu trời hoặc gửi dữ liệu và thông tin tình báo tới các đơn vị pháo binh hay hệ thống phòng không trên chiến trường”.

Armata cũng được coi là “xe tăng tàng hình đầu tiên”, có thể tránh sự phát hiện của các hệ thống hồng ngoại, từ trường và vô tuyến. Nó được trang bị giáp phòng thủ chủ động Afganit, có thể phát hiện đạn chống tăng đang phóng đến nhờ cụm radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA).

Theo ông Konovalov, T-14 Armata đến nay vẫn chưa có đối thủ ngang tầm: “Hiện, một phiên bản gần giống xe tăng này đang được công ty Nexter của Pháp chế tạo trong khuôn khổ dự án “Hệ thống chiến đấu chính trên mặt đất”.

Công ty cho biết họ đã chế tạo thành công một khẩu pháo tăng thân trơn với tính năng vượt trội pháo của tăng Armata, nhưng vẫn chưa đưa vào thử nghiệm. Vì thế chúng tôi sẽ chờ đợi để xem xét khả năng của xe tăng Pháp”, ông Konovalov nói.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới