Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mới“Ngư dân nước ngoài”: họ là ai?

“Ngư dân nước ngoài”: họ là ai?

“Ngư dân nước ngoài” hành nghề trên Biển Đông vừa bị bồi thêm cú đòn tàn nhẫn. Họ có thể bị phạt hàng chục nghìn USD, bị trục xuất, tịch thu cá cùng phương tiện.“Ngư dân nước ngoài” là ai, nếu không phải ngư dân Việt Nam và Philippines?

Tàu cá Trung Quốc cướp tài sản, đâm hỏng tàu cá Việt Nam

Cái gọi là “chính sách mới” này do Bộ Nông nghiệp và Nông thôn, Lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc công bố, có hiệu lực từ ngày 26/11/2021. Vậy mà nó chỉ được công khai trên trang web của chính phủ bằng tiếng Trung Quốc ngày 23/12, sau đó, tới lượt các hãng truyền thông phương Tây dẫn lại và bình luận. Điểm quan trọng nhất của nó, là: ngư dân nước ngoài nếu đánh bắt tại “vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa” mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền mà không có sự đồng ý của nước này sẽ bị phạt 400.000 NDT (hơn 1,4 tỷ đồng). Các ngư dân trên cũng có thể sẽ bị cảnh sát biển Trung Quốc “trục xuất” và tịch thu ngư cụ…

Rất có thể, việc lựa chọn “điểm rơi” – tức công khai quy định này, vào thời điểm cuối năm bận rộn, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn, Lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc thực hiện theo yêu cầu của cấp trên, nhằm né tránh sự quan tâm và phản ứng nóng nảy của dư luận đối với một sự kiện mà chính quốc gia ban hành cũng thấy khó coi. Nói cách khác, lòng tham thì không thể kiểm chế, nhưng Bắc Kinh vẫn muốn thiên hạ coi mình như một người tử tế và làm ra vẻ tử tế.

Tuy nhiên, sự tính toán, lo xa của Bắc Kinh, trong trường hợp này, là thừa. Bởi nào phải đây là lần đầu, họ đơn phương ban hành và áp đặt một thứ “lệnh” như thế, mà từng có tiền lệ.

Từ năm 1999, hằng năm, Trung Quốc đều tự tiện ban hành lệnh cấm đánh bắt cá phi pháp trong khu vực mà “Trung Quốc có chủ quyền” trên Biển Đông, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và các nước trong khu vực. Việt Nam, Philippines phản đối là phải. Bì nếu ngoan ngoãn tuân theo lệnh ngỗ ngược trên của Trung Quốc, ngư dân hai quốc gia láng giềng nhỏ bé này không chỉ từ bỏ ngư trường truyền thống, “hết đất làm ăn”, mà nguy hiểm hơn, điều đó đồng nghĩa với thừa nhận yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc – một yêu sách hoàn toàn trái với Unclos 1982 mà Trung Quốc là một thành viên.

Phán quyết năm 2016 của PCA trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, bác bỏ “đường 9 đoạn”, Trung Quốc cũng phớt lờ. Tới năm 2020, Trung Quốc còn ngang ngược thông qua Luật Hải cảnh mới, có hiệu lực từ tháng 2/2021, cho phép lực lượng hải cảnh của họ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết, kể cả sử dụng vũ khí đối với tàu thuyền của nước ngoài khi cái gọi là “chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán Trung Quốc” (?) bị xâm phạm.

Thế nên, mỗi lần lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ban hành, là thêm một lần diễn ra các cuộc đấu khẩu, phản đối của nhà nước hoặc các tổ chức nghề nghiệp của Việt Nam, Philippines và nhiều nước khác. Và trong thực tế, cái gọi là “lệnh”, là “luật” đầy phi lý của Trung Quốc, nhiều trường hợp cũng không cản được ngư dân Việt Nam bám biển hành nghề trong khu vực Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, nhưng thực tế, lại là ngư trường truyền thống của họ, như vùng biển quần đảo Hoàng Sa.

Lần này, gọi là “chính sách mới”, nhưng nội dung cơ bản vẫn là cũ gắn với quy định cấm đơn phương của Trung Quốc. Cái gọi là “mới”, có chăng, chỉ là mức phạt tiền và tịch thu phương tiện.

Thêm một điều đáng chú ý nữa: trang web của chính phủ Trung Quốc cho biết, các quy tắc của “chủ trương mới” này đang được thực hiện trên cơ sở thử nghiệm, trước khi có hiệu lực vĩnh viễn.

Hàm ý của Trung Quốc là thăm dò phản ứng của dư luận chăng?

Nếu thật thế, mọi sự phụ thuộc vào sự quyết liệt của cộng đồng quốc tế. Điều đó cũng có nghĩa là, cơ hội ngăn chặn Bắc Kinh ban hành chính thức “chủ trương mới” đầy ngang ngược này vẫn còn, nếu các quốc gia trong khu vực, nhất là các quốc gia liên quan trực tiếp chủ quyền Biển Đông, như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, và cộng đồng quốc tế cùng có tiếng nói phản đối mạnh mẽ.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới