Thursday, November 7, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiBình quân hơn 175 tỷ đồng/km cao tốc Bắc - Nam đã...

Bình quân hơn 175 tỷ đồng/km cao tốc Bắc – Nam đã hợp lý chưa?

Đó là vấn đề được các đại biểu Quốc hội đặt ra khi thảo luận tổ chiều nay (6/1) về dự án xây dựng công trình đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

Ông Hoàng Thanh Tùng – đoàn đại biểu Sóc Trăng – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu tại tổ

Kiểm toán tính vốn đầu tư cao tốc Bắc – Nam rẻ hơn 16.000 tỷ đồng

Chiều 6/1, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án xây dựng công trình đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

Bên cạnh một số nội dung về nguồn vốn, GPMB, tiến độ giải ngân, một số đại biểu đề nghị Bộ Giao thông Vận tải đề nghị làm rõ về suất đầu tư dự án.

Theo đại biểu Tô Việt Phương – đoàn Sơn La – công nghệ làm đường hiện nay đã khác nhiều rồi, do vậy con số tổng mức đầu tư cũng cần được xem xét lại.

Cũng đề cập tới suất đầu tư, ông Hoàng Thanh Tùng – đoàn đại biểu Sóc Trăng – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhắc tới ý kiến của Kiểm toán Nhà nước.

Theo đó ông Tùng cho biết, cơ quan kiểm toán đã tính toán lại tổng mức đầu tư thì giảm 16.330 tỷ đồng tỷ đồng so với tờ trình của Chính phủ, bình quân 152,9 tỷ đồng/km (không bao gồm GPMB).

Cụ thể, theo tính toán của Kiểm toán Nhà nước, tổng mức đầu tư cho 729 km đường cao tốc Bắc – Nam có thể là 130.605 tỷ đồng. Trong khi đó, số liệu sơ bộ tổng mức đầu tư quy mô 4 làn trong tờ trình là 146.990 tỷ đồng trên 729 km. Tức là bình quân mỗi km đường dự án cao tốc Bắc – Nam là 175,4 tỷ đồng (không tính chi phí giải phóng mặt bằng). Con số này, theo ông Tùng là cao. Song cũng phải tính thêm một số đoạn đi qua khu vực ĐBSCL có suất đầu tư lớn do nền đường yếu, vật liệu xây dựng khan hiếm.

“Tuy nhiên tính ra trung bình với con số là 175,4 tỷ đồng thì đã thực sự phù hợp hay chưa?”, ông Tùng đặt vấn đề và cho rằng các đại biểu khi nêu ý kiến có thể tập trung vào vấn đề này. Từ đó đề nghị Chính phủ cần có những giải trình thuyết phục đại biểu với những tính toán cụ thể.

“Tất nhiên tổng mức đầu tư sơ bộ ở bước tiền khả thi này mang tính khái toán thôi. Nhưng cũng phải có cơ sở, tính xa quá cũng không được”, ông Tùng nhấn mạnh.

Bộ Giao thông Vận tải nói gì về suất đầu tư?

Trong báo cáo tiếp thu, giải trình Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về dự án, Bộ Giao thông Vận tải cho biết đã có ý kiến đề nghị thuyết minh việc đã tính toán, rà soát kỹ về sơ bộ tổng mức đầu tư của từng dự án thành phần cũng như toàn bộ Dự án, bổ sung, làm rõ về cơ cấu chi phí (chi phí xây dựng, chi phí quản lý dự án, chi phí dự phòng…) và suất đầu tư đối với các đoạn của Dự án so sánh với các dự án tương tự.

Theo quy định của Luật Xây dựng (Điều 134), trường hợp phải lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng thì việc xác định sơ bộ tổng mức đầu tư theo thiết kế sơ bộ là cơ sở để ước tính chi phí đầu tư xây dựng.

Tiếp thu giải trình, Bộ Giao thông Vận tải cho biết theo quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng được ước tính trên cơ sở quy mô, công suất hoặc năng lực phục vụ theo phương án thiết kế sơ bộ của dự án và suất vốn đầu tư xây dựng hoặc dữ liệu chi phí của các dự án tương tự về loại, cấp công trình, quy mô, công suất hoặc năng lực phục vụ, tính chất dự án đã thực hiện, có sự phân tích, đánh giá để điều chỉnh quy đổi về mặt bằng giá thị trường phù hợp với địa điểm xây dựng, bổ sung những chi phí cần thiết khác của dự án.

Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết, căn cứ phương án thiết kế sơ bộ, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án đã được tính toán trên cơ sở suất vốn đầu tư xây dựng, dữ liệu chi phí của các dự án tương tự về loại, cấp công trình, quy mô, công suất hoặc năng lực phục vụ, tính chất dự án đã thực hiện (đặc biệt là các dự án đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông đang triển khai).

Đồng thời có sự phân tích, đánh giá để điều chỉnh quy đổi về mặt bằng giá thị trường phù hợp với địa điểm xây dựng, bổ sung những chi phí cần thiết khác của dự án, đặc biệt là yếu tố biến động giá của một số vật liệu chủ yếu như vật liệu đắp, thép xây dựng, xăng dầu…

Cụ thể Bộ Giao thông Vận tải cho biết, theo Báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt giai đoạn 2017 – 2020, 4 dự án thành phần đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) – Bãi Vọt (Hà Tĩnh) có suất đầu tư bình quân 190 tỷ đồng/km.

Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi giai đoạn 2021 – 2025, 10 dự án thành phần trên đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh) – Cam Lộ (Quảng Trị) và đoạn Quảng Ngãi – Nha Trang có suất đầu tư bình quân 194 tỷ đồng/km.

Theo báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt, đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ có suất đầu tư bình quân 210 tỷ đồng/km.

Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi giai đoạn 2021 – 2025, đoạn Cần Thơ – Cà Mau có suất đầu tư bình quân 253 tỷ đồng/km. Mặc dù đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ và Cần Thơ – Cà Mau có đặc điểm địa chất tương đồng; tuy nhiên Bộ Giao thông Vận tải cho biết số lượng các công trình cầu trên đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ chỉ chiếm 4,4% chiều dài, thấp hơn nhiều so với 9,2% chiều dài tuyến trên đoạn Cần Thơ – Hậu Giang.

Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật thì sơ bộ tổng mức đầu tư trong bước nghiên cứu tiền khả thi là cơ sở để ước tính chi phí đầu tư xây dựng, xây dựng kế hoạch vốn; tổng mức đầu tư được phê duyệt trong bước nghiên cứu khả thi làm cơ sở để bố trí vốn.

Tùy thuộc vào từng giai đoạn, quy định về mức độ chính xác đối với tổng mức đầu tư cũng khác nhau, nên việc so sánh như trên (giữa bước nghiên cứu tiền khả thi so với bước nghiên cứu khả thi) cũng chỉ mang tính chất tương đối.

Sơ bộ tổng mức đầu tư bước nghiên cứu tiền khả thi luôn mang tính đường bao để bảo đảm tổng mức đầu tư bước nghiên cứu khả thi không bị vượt, không phải điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định pháp luật. Chính vì vậy, sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án được xác định theo đúng quy định của pháp luật về xây dựng, đáp ứng độ tin cậy trong bước nghiên cứu tiền khả thi.

Trong bước tiếp theo, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải tổ chức khảo sát chi tiết về địa hình, địa chất, thủy văn, điều kiện cung cấp vật liệu xây dựng, trên cơ sở khối lượng theo thiết kế cơ sở, đơn giá, định mức, các chính sách của nhà nước, làm cơ sở để xây dựng tổng mức đầu tư bảo đảm chặt chẽ theo quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, làm cơ sở để bố trí vốn đầu tư.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới