Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc công tác đầu tư cơ bản rất dễ thất thoát, lãng phí lớn, nhất là các tuyến đường giao thông. Vì vậy, cần tìm được nhà thầu có đủ năng lực tài chính và thi công.
Chiều 6/1, phát biểu tại tổ đại biểu Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, từ khóa trước đã khởi công nhiều đoạn, nhiều công trình của tuyến đường này. Đến nay, tiếp tục triển khai 729 km còn lại để khớp nối toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
Để sớm hoàn thiện đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau, Chủ tịch nước ủng hộ chủ trương đầu tư 729 km cao tốc còn lại bằng ngân sách Nhà nước.
Đảm bảo tiến độ công trình, Chủ tịch nước đề nghị tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư. Theo Chủ tịch nước, ở các nước công tác chuẩn bị đầu tư từ 3-5 năm, sau đó xây dựng công trình xong trong thời gian ngắn. Còn ở nước ta, còn nhiều tồn tại liên quan đến quy hoạch và giải phóng mặt bằng nên công tác đầu tư gấp gáp, quá trình thi công kéo dài.
“Lần này tôi đề nghị công tác giải phóng mặt bằng nên giao cho địa phương đảm nhận. Còn ở góc độ Quốc hội phải bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân trong khu vực giải tỏa. Trước hết phải làm tốt công tác tái định cư cho người dân. Để người dân ở nơi mới bảo đảm điều kiện bằng hoặc tốt hơn nơi cũ”, Chủ tịch nước nói.
Theo Chủ tịch nước, việc đầu tư xây dựng cơ bản rất dễ thất thoát, lãng phí lớn, nhất là các tuyến đường giao thông. Chính vì vậy, qua đấu thầu cần tìm được những đơn vị thi công đủ năng lực tài chính, năng lực thi công để tránh tình trạng bán thầu.
“Nhiều đơn vị do quan hệ nên nhận được một số gói thầu, sau đó bán cho đơn vị khác. Một số gói thầu do bán thầu như vậy nên định mức bị ảnh hưởng, làm giảm chất lượng công trình. Đây là kinh nghiệm có thực trong quá trình chỉ đạo xây dựng cao tốc Bắc – Nam”, Chủ tịch nước cho hay.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, các đơn vị chức năng cần phải làm tốt hơn nữa công tác kiểm toán, thanh tra, kiểm tra. Qua đó không để buông lỏng, không để gây thất thoát, lãng phí trong quá trình thi công dự án.
“Làm cao tốc Bắc – Nam, kể cả những đoạn đang dở dang và đặc biệt là 729 km còn lại là rất cần thiết. Mong rằng Quốc hội sẽ thông qua với cơ chế giám sát rất cụ thể. Chúng ta tạo điều kiện những phần việc để chủ động, nhanh hơn nhưng chúng ta cũng phải tăng cường giám sát để chống thất thoát, lãng phí”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
“Suất đầu tư khoảng 200 tỷ đồng/km là hơi cao”
Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường thấy Việt Nam đang thiếu đường cao tốc nên đầu tư là “rất cần thiết”. Song, ông cho rằng, việc tính toán tổng mức đầu tư của dự án với suất đầu tư khoảng 200 tỷ đồng/km là “hơi cao” và đề nghị xem xét lại cách tính toán này.
Cũng đề cập tới tổng mức đầu tư, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhắc tới ý kiến của Kiểm toán Nhà nước. Theo ông Tùng, cơ quan kiểm toán đã tính toán tổng mức đầu tư cho 729 km đường cao tốc Bắc – Nam có thể là 130.605 tỷ đồng, giảm 16.330 tỷ đồng so với tờ trình của Chính phủ. “Tất nhiên tổng mức đầu tư sơ bộ ở bước tiền khả thi này mang tính khái toán thôi. Nhưng cũng phải có cơ sở, tính xa quá cũng không được”, ông Tùng nêu quan điểm.
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói, tổng mức đầu tư mới là khái toán, chứ chưa lập dự án, chưa lập dự toán, chưa tính phương án đền bù nên chưa thể nói mức đầu tư cao hay thấp.
“Mức bình quân đầu tư đường cao tốc hiện nay là 200 tỷ/km, nhưng còn tùy vào nền đường vì nền đường Bắc Bộ khác, Trung Bộ khác và vùng Nam Bộ khác… Khi lập dự toán, phê duyệt từng dự án, Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Quốc hội về mức độ chính xác của tổng mức đầu, cũng như thiết kế dự toán”, ông Phớc nói.
Bộ trưởng Bộ Tài chính nói thêm rằng, tổng dự toán bao giờ cũng nhỏ hơn tổng mức đầu tư và theo lý thuyết thì quyết toán nhỏ hơn dự toán.
Góp ý cho phương án nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn sau khi dự án hoàn thành, ông Phớc cho biết, ban đầu, Bộ GTVT đưa ra phương án đầu tư 4 dự án thành phần bằng phương thức BOT với tổng vốn đầu tư khoảng 16.000 tỷ. Sau khi dự án hoàn thành sẽ đặt 4 trạm thu phí, dự kiến mỗi trạm thu 730 triệu/ngày và thu trong khoảng 15 năm.
Nhưng sau khi tính toán lại, Bộ trưởng Tài chính cho rằng, đầu tư công toàn tuyến với 12 dự án thành phần, sau đó đặt 4 trạm trên toàn tuyến, tức là mỗi trạm cách nhau 243 km rồi tổ chức đấu thầu, giao tư nhân quản lý, sẽ hiệu quả hơn nhiều.
Theo tính toán của ông Phớc, nếu theo phương án này thời gian thu phí sẽ chỉ còn 5-7 năm thay vì 15 năm như dự tính ban đầu. “Sau khi có đường rồi, có quy hoạch rồi sẽ đặt vị trí 4 đặt trạm để tính toán xem mỗi ngày có bao nhiêu lượng xe đi qua và thu được bao nhiêu tiền. Từ đó xây dựng phương án đấu thầu. Đơn vị nào có phương án hiệu quả nhất, thu phí trong thời gian ngắn nhất sẽ được lựa chọn”, ông Phớc giải thích.
T.P