Wednesday, January 22, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiThanh long Việt Nam phải sang TQ bằng đường…biển

Thanh long Việt Nam phải sang TQ bằng đường…biển

Ông Nguyễn Khắc Huy – Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit cho biết, dù Trung Quốc không cấm Việt Nam xuất khẩu vào bằng đường biển, nhưng họ kiểm soát dịch Covid-19 rất nghiêm ngặt và khi phát hiện ca bệnh họ sẽ tạm ngưng nhập khẩu.

Nhân công HTX thanh long Tầm Vu (Long An) đóng hàng đưa thanh long sang Trung Quốc bằng đường biển.

Cần khai thác tốt hơn thị trường Trung Quốc

Tại Diễn đàn kết nối nông sản 970 phiên thứ 19 với chủ đề “Kết nối sản xuất và tiêu thụ thanh long”sáng 6/1, Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit cho biết, đối với ngành cây ăn trái nói chung và thanh long nói riêng, cách đây khoảng 1 năm phía Trung Quốc đã cảnh báo Việt Nam nên xuất bằng đường chính ngạch.

“Khó khăn hiện nay xảy ra là đối với những doanh nghiệp không nghe cảnh báo, tức vẫn xuất khẩu tiểu ngạch bằng đường bộ. Còn đi chính ngạch bằng đường biển, người ta vẫn xuất bình thường”, ông nói.

Tuy nhiên, ông Huy cũng lưu ý, dù Trung Quốc không cấm Việt Nam xuất khẩu vào bằng đường biển, nhưng họ lại kiểm soát dịch Covid-19 rất nghiêm ngặt và khi phát hiện ca bệnh họ sẽ tạm ngưng nhập khẩu.

Chính vì vậy, theo ông Huy, bên cạnh khuyến cáo doanh nghiệp chuyển sang xuất chính ngạch bằng đường biển, cũng phải tuân thủ để trái thanh long và cả bao bì không nhiễm Covid-19.

Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit khẳng định: Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rất lớn, cho nên thay vì tìm cách thoát khỏi thị trường này thì doanh nghiệp cần tập trung khai thác tốt hơn.

“Việt Nam xuất đi 50 nước cũng không bằng xuất vào thị trường Trung Quốc. Hiện nay, tổng sản lượng Việt Nam xuất vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc của tất cả các doanh nghiệp cộng lại cũng chỉ bằng hai ngày xuất vào thị trường Trung Quốc”, ông nói và khuyến các các doanh nghiệp Việt cần chú trọng vào thị trường Trung Quốc, vì đây là thị trường tiêu thụ rất lớn thanh long Việt Nam nói riêng và trái cây nói chung, cho nên cần chú trọng đáp ứng yêu cầu của họ.

Chuyển hưởng xuất khẩu bằng đường biển

Đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Khắc Huy, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam đề nghị các tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang, Long An hợp lực để có kiến nghị chung về việc vận chuyển xuất khẩu hàng hóa qua đường biển.

Nhìn nhận Trung Quốc là thị trường lớn, quy định cao, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh: “Việt Nam cần xác định nâng cao năng lực đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn là vấn đề quan trọng số 1 hiện nay. Đồng thời, chúng ta cần thay đổi tư duy quá phụ thuộc vào một thị trường sang tư duy đa dạng thị trường”.

Lãnh đạo Bộ NNPTNT đề nghị ngành nông nghiệp 3 tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang cần chủ động tham mưu cho lãnh đạo tỉnh có những phương án, giải pháp phối hợp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn ngay tại địa phương cho bà con nông dân.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp các vùng, địa phương khác cũng đẩy mạnh hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản cho người nông dân.

Tại diễn đàn, ông Đặng Đình Long – CEO của Công ty Logistics Mega A cho biết, hiện nay trái thanh long của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ khó khăn ở các cửa khẩu đường bộ, còn nếu xuất theo đường biển vẫn rất thuận lợi.

Song nan giải nhất hiện nay là các doanh nghiệp xuất khẩu đang thiếu vỏ container nghiêm trọng (nhất là container đông lạnh) để đưa thanh long sang Trung Quốc cũng như các thị trường khác qua đường biển.

Ông Long đề xuất Bộ NNPTNT cần kết nối với Bộ GTVT và các hiệp hội logictics để cùng ngồi lại với các hãng tàu của Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc… để “setup” một cách công khai về sản lượng thanh long cần gửi đi, cần làm rõ ràng với chủ hãng tàu có thể cung cấp bao nhiêu tàu một tuần, mỗi tàu có được bao nhiêu container…

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho hay: Đối với thanh long, vẫn là mặt hàng hoa quả xuất khẩu chính sang thị trường các nước, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Năm 2021, xuất khẩu thanh long đạt hơn 998 triệu USD, đóng góp tỷ trọng rất lớn trong xuất khẩu. Do đó, trong thời gian tới các địa phương, doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên tận dụng tối đa lợi thế của các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới