Năm 2021 khép lại với đầy những biến động, khó lường do sự hoành hành của đại dịch Covid-19 khiến cả thế giới lao đao. Trong bối cảnh phải căng mình chống chọi với đại dịch Covid-19, các nước ven Biển Đông trong ASEAN lại còn phải đối mặt với nhiều thách thức ở Biển Đông do những hành động hung hăng gia tăng của Trung Quốc. Mặt khác, đã xuất hiện những yếu tố mới trong việc kiềm chế, ngăn chặn sự bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Nhìn lại vấn đề Biển Đông trong năm 2021, có thể rút ra một số điểm chính sau:
Thứ nhất, Trung Quốc tiếp tục gây hấn trên thực địa với các nước láng giềng ven Biển Đông, cản trở các hoạt động hợp pháp của các nước trên vùng biển của mình. Theo đó, Bắc Kinh mở rộng các hoạt động xâm lấn xuống phía Nam Biển Đông theo cái gọi là “đường lưỡi bò” đã bị Tòa Trọng tài bác bỏ năm 2016 trong vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi kiện Trung Quốc. Năm 2021 đánh dấu việc lần đầu tiên Trung Quốc cho các tàu dân quân biển, tàu khảo sát, tàu hải cảnh (thậm chí có lúc xuất hiện cả tàu chiến) quấy phá các hoạt động dầu khí của Indonesia ở khu vực mỏ Tuna, phía Bắc quần đảo Natuna của Indonesia. Việc Trung Quốc điều nhiều tàu chiến như tàu khu trục Côn Minh 172, tàu khu trục lớp 052C Hải Khẩu 171, tàu hộ vệ Type 054A Nhạc Dương 575 hay một biên đội tàu gồm một tàu khu trục Type 052D, một tàu hộ vệ Type 054A, một tàu hộ vệ Type 056 và một tàu trinh sát Type 815 tại khu vực mỏ Tuna được coi là sự uy hiếp, đe dọa “khủng nhất” mà Bắc Kinh triển khai trong thời gian gần đây.
Đồng thời, không chỉ vi phạm vùng biển của Indonesia, tàu của Trung Quốc còn quấy nhiễu, gây sức ép đối với hoạt động dầu khí của Malaysia. Cụ thể là trong tháng 9-10/2021, nhóm tàu nghiên cứu Đại Dương (Da Yang Hao) Trung Quốc được các tàu hải cảnh 5202 và 6307 của Trung Quốc hộ tống đã hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Malaysia, gần vị trí của tàu khoan West Capella do Malaysia thuê khoan thăm dò khiến Malaysia lên tiếng phản đối mạnh mẽ.
Với Philippines, năm 2021, những căng thẳng xung quanh vấn đề Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc nổi trội nhất kể từ khi ông Duterte lên làm Tổng thống. Philippines nhiều lần lên án mạnh mẽ các hoạt động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông như việc tàu dân quân biển của Trung Quốc ở khu vực đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa từ tháng 3/2021; các tàu hải cảnh của Trung Quốc uy hiếp tàu cá và tàu tuần duyên hoạt động ở Biển Đông; hay việc tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng cỡ lớn vào tàu tiếp tế của Philippines đang trên đường tới bãi Cỏ Mây ngày 16/11 khiến Tổng thống Duterte đích thân lên án Trung Quốc tại cuộc họp thượng đỉnh ASEAN – Trung Quốc hôm 22/11/2021 với sự có mặt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đẩy mạnh các cuộc diễn tập quân sự cả về số lượng, quy mô và phạm vi diễn tập, bao gồm tập trận bắn đạn thật và sự tham gia của các tàu sân bay Trung Quốc ở Biển Đông với khoảng trên 60 cuộc tập trận lớn nhỏ, nhiều nhất từ trước đến nay. Đáng chú ý là cùng với lực lượng hải quân, Trung Quốc gia tăng các hoạt động của không quân, trong đó nổi bật là vụ việc 16 máy bay vận tải quân sự Trung Quốc bay vào không phận Malaysia trong ngày 31/5 khiến nước này phản ứng mạnh.
Đáng chú ý, Trung Quốc đang ráo riết triển khai chiến lược “vùng xám” để thúc đẩy mục tiêu độc chiếm Biển Đông. Trong năm 2021, Trung Quốc đã thông qua 2 bộ luật liên quan đến biển (Luật Hải cảnh và Luật An toàn giao thông hàng hải sửa đổi) cho phép các lực lượng chức năng nước này kiểm soát, xua đuổi thậm chí nổ súng vào tàu thuyền nước ngoài, đe dọa nghiêm trọng tự do, an toàn hàng hải trên Biển Đông.
Thứ hai, Mỹ và đồng minh can dự sâu hơn vào vấn đề Biển Đông. Bên cạnh việc tiếp tục điều tàu chiến thực hiện các chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông gần các cấu trúc mà Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp trái phép ở Biển Đông để phá các yêu sách vô lý của Trung Quốc, bảo vệ luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
Mỹ nhiều lần điều tàu sân bay, tàu ngầm vào hoạt động ở Biển Đông, thậm chí cùng lúc có hai tàu sân bay hoạt động ở Biển Đông. Tàu sân bay Mỹ còn xuất hiện ở vùng biển phía Đông Bắc quần đảo Natuna của Indonesia, nơi tàu Hải Dương Địa Chất 10 và các tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động, gần khu vực Giàn khoan Clyde Boudreaux của Indonesia đang khoan thăm dò.
Điểm mới trong năm 2021 là nhiều đồng minh của Mỹ đã điều tàu chiến đến hoạt động ở Biển Đông như các tàu chiến, tàu ngầm của Pháp, tàu chiến của Canada, nhóm tàu tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh với sự hộ tống của tàu khu trục Mỹ và tàu hộ vệ Hà Lan. Ngoài ra, các tàu chiến của Úc, Nhật Bản, Ấn Độ thường xuyên hoạt động ở Biển Đông.
Trong quá trình hoạt động ở Biển Đông và khu vực, tàu chiến các nước kể trên còn tiến hành nhiều cuộc tập trận song phương và đa phương ở Biển Đông cũng như tiến hành diễn tập với các nước ven Biển Đông.
Thứ ba, cuộc chiến pháp lý xung quanh vấn đề Biển Đông được nổi lên từ năm 2020 tiếp tục có nhiều diễn biến mới tích cực trong năm 2021 với sự tham gia của 2 đồng minh của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương là Nhật Bản và New Zealand. Tháng 1/2021, Nhật Bản gửi công hàm lên Liên hợp quốc bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông; Tháng 8/2021, Phái đoàn thường trực New Zealand tại Liên hợp quốc đã gửi công hàm lên Tổng thư ký Liên hợp quốc bày tỏ lập trường pháp lý liên quan vấn đề Biển Đông.
Công hàm của Nhật Bản và New Zealand bác bỏ hầu hết các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông; khẳng định giá trị của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) trong việc đặt ra khuôn khổ pháp lý chung để mỗi quốc gia thiết lập các vùng biển và là nền tảng để tiến hành tất cả các hoạt động trên biển và đại dương; đánh giá cao giá trị pháp lý phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông năm 2016 và trách nhiệm của các quốc gia liên quan trong việc tuân thủ phán quyết.
Đáng chú ý là nhân kỷ niệm 5 năm ngày Tòa Trọng tài ra phán quyết về Biển Đông, nhiều hoạt động sôi động trên khắp các châu lục đã diễn ra để khẳng định lại giá trị của phán quyết như một nền tảng cho trật tự dựa trên luật pháp ở Biển Đông. Ngày 11/7/2021, Bộ Ngoại giao Mỹ ra Thông cáo báo chí; ngày 12/7/2021, Ngoại trưởng Nhật Bản, Ngoại trưởng Úc và Bộ Ngoại giao Canada ra tuyên bố. Tuyên bố của các nước khẳng định phán quyết của Tòa Trọng tài là cuối cùng và mang tính ràng buộc về pháp lý đối với các bên tranh chấp theo UNCLOS; nhấn mạnh phán quyết là “cột mốc ý nghĩa và cơ sở hữu ích để giải quyết hòa bình tranh chấp tại Biển Đông”.
Sau 5 năm tạm gác lại phán quyết, Philippines đã lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ giá trị “bất diệt” của phán quyết 2016. Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. khẳng định rằng phán quyết đã và sẽ tiếp tục là hòn đá tảng trong luật quốc tế và là một tiền lệ giải quyết các tranh chấp về biển.
Những tiếng nói kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982, giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông, thực thi phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài tiếp tục vang lên tại tất cả các hội thảo quốc tế về Biển Đông ở các châu lục như Hội thảo về Biển Đông lần thứ 11 của Trung tâm CSIS, Mỹ, Hội thảo về Biển Đông lần thứ 13 tại Hà Nội….
Thứ tư, năm 2021 là năm mà vấn đề Biển Đông được quốc tế hóa mạnh mẽ trên nhiều phương diện, được đề cập tại nhiều cuộc gặp song phương cũng như tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Biển Đông được nhiều lần đề cập trong tất cả các cuộc gặp song phương giữa Mỹ, Nhật, Úc, Anh, Pháp… với các nước ven Biển Đông cũng như trong các cuộc gặp thượng đỉnh hay đối thoại 2 + 2 giữa Mỹ – Nhật, Mỹ – Ấn, Mỹ – Úc, Nhật – Úc, Nhật – Anh, Nhật – Ấn, Úc – Ấn….
Bước vào năm 2021 khi Brunei đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN, một số học giả bày tỏ lo ngại vấn đề Biển Đông có thể sẽ không được quan tâm nhiều bởi lẽ Brunei là nước nhỏ, phụ thuộc lớn vào Trung Quốc sẽ e ngại đề cập nhiều tới vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, những diễn biến trong năm 2021 cho thấy, vấn đề Biển Đông luôn trở thành một chủ đề quan trọng tại các hội nghị trong khuôn khổ ASEAN dưới sự chủ trì của Brunei. Nội dung về Biển Đông luôn được thể hiện đậm nét trong các văn kiện của các hội nghị của ASEAN, thể hiện rõ vai trò của nước Chủ nhà Brunei.
Biển Đông cũng trở thành một nội dung được thảo luận tại các cuộc họp của G7, của Liên minh Châu Âu (EU), của NATO, tại hội nghị thượng đỉnh EU – Mỹ, EU – Nhật Bản hay cuộc họp của Nhóm “Bộ Tứ” (gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ). Biển Đông được các nước trao đổi thẳng thắn tại Hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao lần đầu tiên giữa ASEAN – G7 cùng với sự tham của các nước khách mời Hàn Quốc, Australia, Nam Phi và Ấn Độ.
Đặc biệt, vấn đề Biển Đông tiếp tục được đưa ra thảo luận tại cuộc họp chính thức của Đại hội đồng Liên hợp quốc về an ninh trên biển với chủ đề “Tăng cường an ninh trên biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế” hôm 09/8 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Ấn Độ. Trước đó, theo sáng kiến do Việt Nam và Đức, Nhóm bạn bè của UNCLOS 1982 đã được thành lập và ra mắt hôm 30/6 với sự tham gia của gần 100 nước thành viên Liên hợp quốc.
Việc vấn đề an ninh biển nói chung và Biển Đông nói riêng lần đầu tiên được thảo luận tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an và các cuộc họp Nhóm bạn bè của UNCLOS sẽ mở ra cơ hội mới cho việc thảo luận những vấn đề liên quan Biển Đông tại các diễn đàn của Liên hợp quốc. Giới quan sát nhận định năm 2021 đánh dấu hoạt động đa phương sôi nổi nhất từ trước tới nay xung quanh vấn đề Biển Đông; các nước ven Biển Đông cần tranh thủ cơ hội này để tiếp tục thúc đẩy việc quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, ngăn chặn mưu toan độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh.
Có thể nói, năm 2021 đã qua đi với những gam màu sáng tối đan xen trong bức tranh tổng thể về Biển Đông, đánh dấu việc xuất hiện những nhân tố mới tích cực cho việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông như việc hình thành một mặt trận pháp lý với số lượng các nước ngày càng nhiều, tính quốc tế hóa vấn đề Biển Đông ngày càng cao với sự can dự của ngày càng nhiều nước tạo sức ép lớn đối với Trung Quốc.
Mặt khác, mặc dù Biển Đông chưa xảy ra những xung đột lớn trong năm 2021, song tiềm ẩn nhiều thách thức mới. Đặc biệt, Biển Đông đang trở thành tâm điểm cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc và là nơi đang định hình những cấu trúc an ninh mới. Biển Đông năm 2021 trở thành nơi biểu dương sức mạnh quân sự và thể hiện vai trò của các cường quốc khiến các nước nhỏ ven Biển Đông luôn phải đề cao cảnh giác.
Do chưa có được một giải pháp căn cơ cho những tranh chấp ở Biển Đông, những cơn sóng ngầm vẫn âm ỉ bấy lâu nay có thể bùng phát thành sự cố lớn bất cứ lúc nào. Vậy xu hướng quân sự hóa, sử dụng sức mạnh cường quyền, “cá lớn nuốt cá bé” hay xu hướng tự do, rộng mở, tôn trọng luật pháp quốc tế, các nước lớn nhỏ đều bình đẳng sẽ chiếm ưu thế chủ đạo trong thời gian tới phụ thuộc vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế. Chúng ta cùng cầu mong và hy vọng một Biển Đông trong năm 2022 sẽ bình yên.