Không chỉ Mỹ mà các đồng minh của nước này là Nhật Bản và Úc cũng đang tăng tốc, chủ động phối hợp để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific).
Ngay trong những ngày đầu năm 2022, tình hình khu vực Indo-Pacific đã gây chú ý mạnh mẽ khi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và người đồng cấp Úc Scott Morrison có cuộc hội đàm.
Qua đó, hai bên ký kết thỏa thuận tiếp cận đối ứng (RAA) cho phép lực lượng quân sự Nhật và Úc đóng quân, tập luyện chung, hỗ trợ thảm họa tại 2 nước với nhau. Diễn biến này được cho là nhằm đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc ở khu vực.
Cấu trúc hợp tác an ninh mới
Trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận xét: “Việc Nhật – Úc ký kết RAA, đồng thời cập nhật tuyên bố chung về hợp tác an ninh là bước quan trọng để hình thành hệ thống an ninh dựa trên mạng lưới tại khu vực này”.
Theo ông Nagao, suốt nhiều năm qua, an ninh trong khu vực này phụ thuộc vào hệ thống theo mô hình “trục và nan hoa”. Theo hệ thống này, dù đều là đồng minh của Mỹ, nhưng Úc và Nhật không hợp tác với nhau. Hệ thống này phụ thuộc rất nhiều vào Washington. Tuy nhiên, cán cân quân sự Mỹ – Trung đã thay đổi. Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Trung Quốc đã tăng chi tiêu quân sự của họ lên 76% trong giai đoạn 2011 – 2020. Trong cùng thời kỳ, Mỹ đã giảm 10% chi tiêu quân sự. Vì thế, hệ thống “trục và nan hoa” không còn đủ để ngăn chặn các hành vi gây quan ngại của Trung Quốc. Do đó, Washington cũng muốn các đồng minh và đối tác như Úc và Nhật Bản… hợp tác nhiều hơn và chia sẻ gánh nặng an ninh. Giờ đây, thay vì hệ thống “trục và nan hoa”, mạng lưới “bộ tứ an ninh” (gồm Mỹ – Nhật – Úc – Ấn Độ), AUKUS (thỏa thuận hợp tác ba bên Mỹ – Anh – Úc), hoặc các hợp tác an ninh song phương, ba bên, tứ giác khác đã tạo nên một hệ thống an ninh dựa trên mạng lưới ở Indo-Pacific. Theo mô hình, Nhật Bản và Úc là các quốc gia có ảnh hưởng, nên việc hợp tác song phương giữa 2 nước rất quan trọng.
“Bên cạnh đó, cùng với Mỹ, 3 thành viên còn lại của “bộ tứ an ninh” là Úc, Nhật Bản, Ấn Độ đều sở hữu khả năng tấn công tầm xa, thì Trung Quốc cần phải phân chia nguồn lực quân sự ra nhiều hướng nên cũng rất quan trọng”, TS Nagao phân tích và nhận định thêm: “Ngoài ra, dù Úc và Nhật không thành lập một liên minh chính thức, nhưng đã ký kết nhiều thỏa thuận như GSOMIA (Thỏa thuận chung về an ninh thông tin quân sự) để chia sẻ thông tin quân sự nhạy cảm, ACSA (Thỏa thuận thu nhận và dịch vụ tương hỗ)… Khi bổ sung thêm RAA thì Nhật – Úc đạt mức độ hợp tác sâu sắc hơn”.
Úc và Nhật Bản cập nhật tuyên bố chung về hợp tác an ninh song phương là sự thay đổi cần thiết để đối phó Trung Quốc phù hợp hoàn cảnh mới, theo ông Nagao.
Thời điểm quan trọng
Thực tế, hiện nay là thời điểm mà Úc và Nhật Bản cần thay đổi sách lược để phù hợp tình hình. Theo truyền thông Nhật Bản, nước này có thể hướng đến ký kết các thỏa thuận tương tự RAA với Anh, Pháp. Thời gian qua, một số nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức dần tăng cường hoạt động ở Indo-Pacific nhằm đảm bảo quyền lợi ở khu vực này. Cụ thể, chỉ dấu cho điều này là Anh và Pháp, Đức vừa qua đều đã điều động tàu chiến đến Indo-Pacific. Vào tháng 9.2021, Anh cùng Mỹ và Úc công bố thỏa thuận AUKUS để đẩy mạnh hiện diện khu vực. Cũng vào tháng 9.2021, EU công bố chiến lược ở Indo-Pacific. Từ các diễn biến vừa nêu, Nhật Bản đang có cơ hội để mở rộng hợp tác với nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước châu Âu, nhằm tăng cường ảnh hưởng cũng như vị thế trong khu vực. Điều này rất quan trọng trong bối cảnh Bắc Kinh liên tục gây áp lực quân sự ở eo biển Đài Loan – vốn là khu vực có ảnh hưởng an ninh trực tiếp với Tokyo.
Trong khi đó, suốt 2 năm 2020 và 2021, Trung Quốc liên tục sử dụng sức mạnh kinh tế để gây áp lực ngoại giao đối với Úc. Và thực tế cho thấy nếu chỉ phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Washington thì Canberra sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đối phó với Bắc Kinh.
Chính vì thế, Úc cần mở rộng hợp tác trực tiếp với nhiều bên có cùng quan điểm về sự trỗi dậy và sức ép của Trung Quốc.
Như thế, cả Canberra lẫn Tokyo đều có thể chủ động đối phó Bắc Kinh mà tránh sự lệ thuộc sâu sắc vào Washington. Ngoài ra, việc các nước như Nhật và Úc đa dạng hóa các hình thức hợp tác, đan xen giữa song phương và đa phương sẽ khiến cho Trung Quốc khó có thể chỉ trích các quan hệ hợp tác là động thái thiết lập một liên minh quân sự thống nhất. Mặc dù vậy, chính sự phối hợp đa dạng này có thể hình thành nên một mạng lưới đối trọng mạnh mẽ trước Trung Quốc.
Hai thượng nghị sĩ Mỹ gồm Tom Cotton và Mark Kelly vừa công bố dự luật cấm sử dụng đất hiếm của Trung Quốc trong các hệ thống nhạy cảm của quân đội từ năm 2026. Theo Reuters, đây là động thái nhằm phá vỡ sự kiểm soát của Trung Quốc trong lĩnh vực này.
Đất hiếm là nhóm 17 kim loại sau khi được xử lý có thể dùng để chế tạo nam châm trong xe điện, vũ khí và thiết bị điện tử. Theo dự luật, Mỹ còn yêu cầu các nhà thầu quốc phòng theo dõi và công bố nguồn gốc nam châm đất hiếm trong các hệ thống nhạy cảm, tạo ra nguồn dự trữ chiến lược các nguyên tố đất hiếm trước năm 2025, đủ để cung cấp cho nhu cầu tại Mỹ trong một năm.