Thursday, January 23, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnNga - Ấn "mặn nồng" - TQ nổi cáu

Nga – Ấn “mặn nồng” – TQ nổi cáu

Nga dành cho quốc gia đối thủ với Trung Quốc sự ưu ái bất ngờ về vũ khí, điều có thể khiến Bắc Kinh cảm thấy khó chịu.

Mối quan hệ ấm nồng Nga-Ấn đặt dấu mốc quan trọng vì nó diễn ra vào thời điểm căng thẳng giữa hai nước với Mỹ và Trung Quốc đang leo thang.

Vào tháng 12/2021, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại thủ đô New Delhi để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Ấn thường niên lần thứ 21. Đây là cuộc gặp trực tiếp duy nhất mà ông Putin tham dự ngoài cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Hội nghị G7 ở Anh trong năm 2021.

Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga, Ấn Độ với Mỹ đang căng thẳng vì nhiều vấn đề. Một khía cạnh khác của chuyến thăm này là ông Putin đến Ấn Độ khi tranh chấp biên giới Trung-Ấn vẫn căng như dây đàn dù nhiều nỗ lực tạo sự đột phá.

Theo tờ EurAsia Times, Ấn Độ đã tiến gần hơn với Mỹ trong một nỗ lực nhằm chống lại “con rồng” trong khu vực là Trung Quốc.

Trục trặc với Mỹ
Thực tế cho thấy mối quan hệ quân sự của Ấn Độ với Mỹ đã tăng cường đáng kể. Tính đến tháng 2/2021, có báo cáo rằng thương mại quốc phòng Ấn Độ – Mỹ đã tăng trưởng đáng kể trong một khoảng thời gian ngắn, ở mức 21 tỷ USD.

Ấn Độ cũng đã ký nhiều thỏa thuận quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác quân sự với Mỹ. Hai nước cũng là một phần của nhóm Bộ Tứ (Quad).

Tuy nhiên, cả hai lại gặp trục trặc ở một số vấn đề liên quan đến việc mua sắm thiết bị quốc phòng, bao gồm chuyển giao máy bay không người lái (UAV) MQ-9B Predator và hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga.

Mỹ đã trì hoãn việc giao MQ-9B Predatorvà tỏ ra lo lắng về quyết định mua S-400 của Ấn Độ. Quân đội Ấn Độ vẫn đang phát triển UAV bản địa nhưng vẫn đi sau hai đối thủ Pakistan và Trung Quốc.

Theo nhà phân tích địa chính trị người Mỹ Andrew Korybko: “Mỹ đơn phương làm phức tạp mối quan hệ chiến lược-quân sự của mình với Ấn Độ khi coi đối tác như là một nước chư hầu, đây là thói quen của giới hoạch định chính sách”.

Korybko nói với tờ EurAsian Times: “Nếu Mỹ xem Ấn Độ đóng một vai trò đặc biệt trong nỗ lực kiềm chế Trung Quốc, thì quốc gia này cũng nên được đối xử đặc biệt – được tôn trọng như một đối tác bình đẳng, không giống như các đồng minh khác của Mỹ”.

Còn có thêm những vấn đề khác liên quan đến liên minh Mỹ-Ấn. Thứ nhất là cơ cấu quản lý của Mỹ hạn chế phạm vi mà nước này có thể hỗ trợ New Delhi về mặt quân sự, đặc biệt là trong trường hợp có xảy ra xung đột Trung-Ấn.

Yếu tố quan trọng khác hạn chế Mỹ là điều kiện xã hội và thực tế thể chế của nước này. Ngay cả khi xảy ra xung đột quân sự Trung-Ấn ngắn ngủi, bất kỳ sự can thiệp nào cũng sẽ rất tốn kém và rủi ro. Các công dân Mỹ có thể do dự khi tham gia vào bất kỳ hoạt động mạo hiểm nào như vậy.

Có thể do những nghi ngờ về vai trò đồng minh của Mỹ mà Ấn Độ đang xích lại gần Nga hơn.

Xích lại gần Nga hơn
Ấn Độ và Nga đang hình thành mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga bất chấp áp lực từ Mỹ. Khi Tổng thống Putin đến thăm Ấn Độ vào tuần đầu tiên của tháng 12/2021, ông dường như chỉ ra rằng, Moscow có thể xử lý tách biệt các mối quan hệ với New Delhi và Bắc Kinh.

Chuyến thăm của ông được cho là một nỗ lực để sửa chữa những thiệt hại trong vài năm qua, khi Nga và Ấn Độ rời xa nhau. Hai nước không chỉ tổ chức vòng khai mạc Đối thoại cấp Bộ trưởng 2 + 2 mà còn có tổ chức cuộc gặp Ủy ban Liên Chính phủ về Hợp tác Quân sự-Kỹ thuật và Quân sự.

Các quan chức của cả hai nước đều bác bỏ áp lực của Mỹ trong mối quan hệ song phương Nga-Ấn. New Delhi và Moscow đã đồng ý mở rộng hợp tác quân sự và kỹ thuật thêm một thập kỷ nữa. Đáng chú ý, cả hai quốc gia đều lưu ý việc Nga sẽ nhanh chóng chuyển giao hệ thống tên lửa đất đối không S-400 cho Ấn Độ.

Washington đã hối thúc New Delhi không tiến hành thỏa thuận này, đồng thời cảnh báo nó có thể gây nguy hiểm cho quan hệ Mỹ-Ấn trong tương lai. Các nhà phân tích tin rằng, việc Ấn Độ sử dụng các hệ thống S-400, bất chấp mối đe dọa từ lệnh trừng phạt CAATSA của Mỹ dường như là một cách trấn an về sự bền chặt của mối quan hệ Ấn – Nga.

Một diễn biến quan trọng khác trong chuyến thăm của Putin là hai quốc gia đã ký 28 biên bản ghi nhớ về một số lĩnh vực khác nhau. Trong số này có một thỏa thuận hợp tác sản xuất khoảng 600.000 khẩu súng trường tấn công AK-203 tại một cơ sở sản xuất ở Uttar Pradesh. Ngoài ra còn có một hiệp ước mở rộng về hợp tác quân sự trong 10 năm từ năm 2021 đến năm 2031.

Nga vẫn là nhà cung cấp vũ khí chính của Ấn Độ, duy trì sự thống trị với con số 70% hàng hóa trong kho vũ khí quốc phòng của Ấn Độ.

Tuy nhiên, những thách thức trong mối quan hệ đồng minh này vẫn còn đó khi Trung Quốc là đối tác chiến lược quan trọng của Nga và là mối đe dọa chính đối với Ấn Độ. Do đó, New Delhi đã phát triển mối quan hệ chặt chẽ hơn với Moscow.

Mặc dù vậy, kế hoạch Nga bán vũ khí tinh vi như tàu ngầm lớp Kilo tiên tiến và máy bay chiến đấu Su-35 cho Trung Quốc vẫn là nguồn cơn khiến Ấn Độ lo lắng.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới