Cơ quan tình báo Anh tiết lộ gián điệp nước ngoài gây chấn động chính trường Anh.
Vào ngày 13/1, The Epoch Times đưa tin, MI5 của Anh đã gửi một lá thư tới các nghị sĩ Anh, trong đó nêu tên bà Lý Trinh Câu (còn gọi là Christine Lee), một luật sư Trung Quốc, cho biết bà đã “bí mật can thiệp vào các hoạt động chính trị” ở Vương quốc Anh thay mặt cho Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ. Điều này đã gây chấn động chính trường Anh, bởi vì các cơ quan tình báo Anh hiếm khi chỉ đích danh gián điệp nước ngoài trực tiếp, và tiết lộ này càng cho thấy rằng chính sách của Anh đối với Bắc Kinh đang đi theo chính sách của Hoa Kỳ.
Điều này phù hợp với thông điệp mà ông Moore, tổng giám đốc MI6, đưa ra vào cuối tháng 11 năm ngoái. Vào thời điểm đó, ông Moore đưa ra nhận xét hiếm hoi rằng chính phủ Trung Quốc đã quá tự tin và có thể đã đánh giá sai tình hình quốc tế. Ông nói: “Chính phủ Trung Quốc tin tưởng tuyên truyền của họ về sự mong manh của các nước phương Tây và đánh giá thấp quyết tâm của chính phủ Mỹ”. “Việc Trung Quốc đối mặt với nguy cơ đánh giá sai do quá tự tin đã trở thành một sự thật không thể chối cãi”. Ông nói: “Thích ứng với một thế giới bị ảnh hưởng sâu sắc bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu của MI6″.
Ông Moore cũng đề cập đến mong muốn của ĐCSTQ là “giải quyết vấn đề Đài Loan bằng vũ lực nếu cần”, cũng như việc ĐCSTQ từ chối các quyền công dân ở Hồng Kông, sự vi phạm nhân quyền với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, và “nỗ lực bóp méo diễn ngôn của công chúng’ và việc ra quyết định chính trị trên toàn thế giới”.
Là một quan chức cấp cao của Cơ quan MI của Anh, ông Moore hiếm khi công khai đưa ra những nhận xét như trên, điều này cho thấy Vương quốc Anh đã nắm được các chuyển động của ĐCSTQ và sự xâm nhập của nó vào Vương quốc Anh. Đồng thời, ngụ ý rằng nguồn lực chính của bộ phận tình báo Anh đã được tập trung vào việc ứng phó với những thách thức mà ĐCSTQ tạo ra trên thế giới, ý nghĩa chuyển hướng chiến lược của Vương quốc Anh là Vương quốc Anh sẽ không ngồi yên nhìn ĐCSTQ tấn công Đài Loan bằng vũ lực.
Hơn một tháng sau khi gửi một thông điệp rõ ràng như vậy, Cục Tình báo Anh đã vạch trần Lý Trinh Câu, thứ nhất là vì mối quan hệ thân thiết của bà với ĐCSTQ, thứ hai là vì bà có ảnh hưởng đáng kể đối với nền chính trị Anh, đặc biệt là các chính trị gia cấp cao. Việc vạch trần danh tính của bà là để cảnh báo các chính trị Anh hãy tránh xa bà.
Theo báo cáo, bà Lý Trinh Câu không chỉ là thành viên của Hiệp hội giao lưu ở nước ngoài của ĐCSTQ, cố vấn pháp lý chính của Đại sứ quán ĐCSTQ tại London, cố vấn pháp lý của Văn phòng các vấn đề Hoa kiều, mà còn là thư ký Nhóm Trung Quốc đa đảng của Quốc hội Anh. Vào năm 2006, bà đã khởi động cái gọi là “Chương trình tham gia chính trị của người Trung Quốc ở Anh”, và đã nhận được lời khen ngợi từ Phố Downing. Công ty luật của bà, Christine Lee & Co Solicitors có văn phòng tại London, Birmingham và Bắc Kinh. Ngoài ra, bà còn thường xuyên có mặt tại Quốc hội Anh, và đã được xuất hiện trên các phương tiện truyền thông ở Anh cùng với cựu Thủ tướng Anh David Cameron, Theresa May, cựu lãnh đạo Lao động Jeremy Corbyn và Tập Cận Bình.
Bà Lý được cho là có mối quan hệ bất thường nhất với nghị sĩ Đảng Lao động Barry Gardiner. Bà đã quyên góp hàng trăm nghìn bảng Anh để hỗ trợ công việc của ông Gardiner, người là thư ký môi trường dưới thời thủ tướng Tony Blair và từng là thư ký thương mại quốc tế trong nội các của cựu lãnh đạo Đảng Lao động Jeremy Corbyn. Con trai của bà Lý sau đó đã làm việc cho ông Gardiner.
Bắc Kinh không hề bình tĩnh trước những tiết lộ từ tình báo Anh. Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ vào ngày 14/1, một phát ngôn viên đã hỏi một nhà báo Anh rằng: “Liệu bà Lý có phải thay mặt ĐCSTQ tham gia vào các hoạt động nêu trên không?” “Lý Trinh Câu, người đang là tâm điểm của vòng xoáy quyên góp tiền chính trị, có phải là một công dân Trung Quốc?” “Bà ấy đã từng làm việc cho chính phủ Trung Quốc với tư cách nào chưa?”. Thay vì trả lời, chính phủ Trung Quốc lại dùng thủ đoạn thông thường là liên tục đặt câu hỏi để chống trả, và “kêu gọi các quan chức có liên quan ở Anh không đưa ra những nhận xét thiếu căn cứ, chứ đừng nói đến việc thổi phồng ‘lý thuyết về mối đe dọa của Trung Quốc’ để đạt được các mục tiêu chính trị của riêng họ”.
Cho dù ĐCSTQ có miễn cưỡng thừa nhận điều đó như thế nào đi chăng nữa, thì cũng không thể phủ nhận mối quan hệ thân thiết của bà Lý Trinh Câu với ĐCSTQ. Chúng ta hãy cùng xem thêm một vài báo cáo từ các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ để làm bằng chứng.
Vào ngày 23/3/2009, ChinaNews.com đưa tin rằng luật sư Lý Trinh Câu, người vừa trở về Anh từ Trung Quốc, nói với các phóng viên rằng bà rất vinh dự được tham gia phiên họp thứ hai của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc lần thứ 11 với tư cách đại diện cho Hoa kiều. Bà tiết lộ, bà và các đại diện hải ngoại được mời ngồi hàng ghế đầu trong hội trường. Cũng trong năm này, lần đầu tiên bà được mời tham gia lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Bắc Kinh.
Vào tháng 4 năm 2011, International Online đưa tin rằng Hứa Hựu Thanh, Phó Giám đốc Văn phòng các vấn đề Hoa kiều của Quốc vụ viện ĐCSTQ, đã gặp bà Lý Trinh Câu tại Bắc Kinh vào ngày 12 tháng 4, “ông đánh giá cao việc bà Lý Trinh Câu tích cực bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người Trung Quốc trong thời gian dài và nỗ lực thúc đẩy trao đổi giữa Trung Quốc và Vương quốc Anh trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, luật pháp và các lĩnh vực khác”. Ông hy vọng rằng bà Lý sẽ giới thiệu thêm nhiều doanh nghiệp công nghệ cao để phát triển ở Trung Quốc và Văn phòng các vấn đề Hoa kiều của Quốc vụ viện sẽ hỗ trợ tích cực. Bà Lý Trinh Câu cho biết, bà sẽ tích cực phát triển kinh doanh tại Trung Quốc. Đồng thời, nhiều công ty của Anh cũng hy vọng vào thị trường Trung Quốc thông qua các mối liên hệ của bà.
Có thông tin cho rằng bà rất coi trọng vai trò là đại sứ quan hệ Trung-Anh và thừa nhận rằng bà đã được Hội đồng Xúc tiến Thương mại Quốc tế Trung Quốc và Cục Thương mại thành phố Bắc Kinh bổ nhiệm làm người đồng tổ chức “Chương trình Kinh doanh London 2012 của các nhà cung cấp Trung Quốc” được tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 5. Bà cũng sắp xếp một phái đoàn gồm các chuyên gia năng lượng của Vương quốc Anh đến Trung Quốc để tìm hiểu các cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực chính trị và quy hoạch môi trường của Trung Quốc.
Năm 2013, kênh truyền thông đảng People’s Daily Online của Vương quốc Anh đã bắt đầu mở “chuyên mục Lý Trinh Câu”.
Vào tháng 12 năm 2017, bà Lý Trinh Câu được thuê làm thành viên Ban Cố vấn Pháp lý của Văn phòng các vấn đề Hoa kiều của ĐCSTQ. Tại cuộc họp khai mạc có sự tham dự của Cầu Viên Bình (Qiu Yuanping), Giám đốc Văn phòng các vấn đề Hoa kiều của Quốc vụ viện và Quách Quân (Guo Jun), Phó giám đốc văn phòng, bà Lý đã chia sẻ kinh nghiệm bản thân và kinh nghiệm phục vụ Hoa kiều từ vận động hành lang chính trị, cơ hội kinh doanh “Vành đai và Con đường” và luật pháp. Bà nói rằng mục đích vận động hành lang chính trị của bà là để tác động đến hoạt động lập pháp của Anh và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của Hoa kiều thông qua công luận. Xin lưu ý rằng, bà Lý Trinh Câu đã tự nhận rằng bà là một nhà vận động hành lang chính trị cho ĐCSTQ.
Trước đó, bà Lý Trinh Câu cũng đã được Văn phòng các vấn đề Hoa kiều của chính quyền thành phố Bắc Kinh và Sở Tư pháp thành phố Bắc Kinh bổ nhiệm làm “Tư vấn pháp lý Bắc Kinh cho Hoa kiều”. Khi tham dự Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc năm 2012 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Đông, bà Lý cũng đã đề xuất lãnh đạo “các doanh nghiệp vừa và nhỏ vươn ra toàn cầu” với Uông Dương, khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông.
Vào ngày 17/12/2018, khi bà Lý Trinh Câu đến Bắc Kinh để tham dự lễ kỷ niệm 40 năm cải cách và mở cửa, theo lời mời của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của Thành ủy Bắc Kinh, bà đã đến thăm Trung tâm Triển lãm Khu kiểu mẫu tự chủ sáng tạo Quốc gia Trung Quan Thôn và Công ty Baidu, và tham gia bữa tối.
Vào ngày 30/9/2019, China News đã phỏng vấn bà Lý Trinh Câu, người vừa được mời tham quan “Triển lãm Thành tựu quy mô lớn để kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Bà Lý nói rằng đối với bà, đây là một “bài học lịch sử” hiếm hoi về sự phát triển của Trung Quốc, nói rằng “sự phát triển của Trung Quốc đã mang lại phẩm giá và sự tự tin cho người Hoa ở nước ngoài”.
Tờ Times đưa tin, vào năm 2020, khi dự tiệc tại Đại sứ quán Trung Quốc, bà Lý Trinh Câu đã công kích người Anh và các nước phương Tây khác vì họ lên án ĐCSTQ vì đã đàn áp quyền dân chủ và tự do của người dân Hồng Kông. Bà Lý nói với các khách mới vào thời điểm đó rằng các cuộc đụng độ đẫm máu giữa người biểu tình và cảnh sát chống bạo động được báo cáo ở phương Tây, bao gồm cả sự tàn bạo của cảnh sát, “không truyền tải được chính xác bức tranh chân thực”.
Nhìn vào bà Lý Trinh Câu, người có quan hệ chặt chẽ với chính quyền ĐCSTQ, đặc biệt là Văn phòng các vấn đề Hoa kiều và Ban Công tác Mặt trận Thống nhất, bà cũng là người đã tự nhận mình vận động hành lang và bảo vệ ĐCSTQ, bạn có thể thấy tại sao người phát ngôn của Bộ Ngoại giao đã tránh trả lời các câu hỏi và việc trao đổi lợi ích trong đó chắc chắn được ĐCSTQ và bà Lý Trinh Câu biết rõ.
Vào ngày 24/8/2018, Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Hoa Kỳ – Trung Quốc (USCC) thuộc Quốc hội Hoa Kỳ đã đưa ra báo cáo về “Công tác Mặt trận Thống nhất ở nước ngoài của Trung Quốc”, nói rằng Công tác Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ đang đóng một vai trò ngày càng lớn trong chính sách đối ngoại của nước này và ĐCSTQ đang sử dụng hoạt động của “Mặt trận thống nhất” để lôi kéo và loại bỏ các lực lượng có thể chống lại các chính sách của ĐCSTQ và chính quyền của nó.
Báo cáo tiết lộ rằng mặc dù Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ, cơ quan phụ trách công tác Mặt trận Thống nhất, chủ yếu tập trung vào các nhóm đối lập trong nước, nhưng nó cũng có những nhiệm vụ quan trọng ở nước ngoài. Chiến lược Mặt trận Thống nhất sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để tác động đến cộng đồng người Hoa ở nước ngoài, chính phủ nước ngoài và các bên khác nhằm hành động hoặc áp dụng các lập trường ủng hộ các chính sách ưu tiên của Bắc Kinh. ĐCSTQ coi hoạt động của Mặt trận Thống nhất là một công cụ quan trọng để tăng cường sự ủng hộ trong nước và quốc tế đối với đảng, tận dụng sự đồng cảm về mặt tư tưởng và tình cảm cá nhân đối với Trung Quốc để cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nhóm chủ chốt. Và bà Lý Trinh Câu hẳn phải làm việc cho ĐCSTQ sau khi thống nhất với mặt trận.
Ngay sau khi danh tính của bà Lý Trinh Câu bị Cục Tình báo Anh tiết lộ, con trai của bà, người làm việc cho một thành viên quốc hội đã từ chức, và văn phòng Công ty Luật của bà Lý Trinh Câu ở London đã trống không. Nếu không phải chột dạ, thì phải giải trình như thế nào? Tất nhiên, chính quyền Bắc Kinh là người khó chịu nhất, vì họ không chỉ mất đi một người trợ giúp quan trọng ở Anh, mà việc đảo ngược chính sách của Anh còn khiến nước này bị giáng thêm một đòn nữa. Thế giới đang thực sự thay đổi, và mọi người đồng thuận rằng ĐCSTQ là mối đe dọa lớn nhất đối với thế giới và là ưu tiên hàng đầu. Điều này đang khiến ngày càng nhiều quốc gia đoàn kết để đối phó với những thách thức của ĐCSTQ, và ĐCSTQ cô độc chỉ có thể chờ nhận lấy thất bại.
T.P