Sunday, December 22, 2024
Trang chủQuân sựChuyên gia Nga: Moscow "đặt lên bàn" 3 kịch bản cho Ukraine,...

Chuyên gia Nga: Moscow “đặt lên bàn” 3 kịch bản cho Ukraine, tất cả đều đau đớn với Kiev!

Được biết cả 3 kịch bản mà nhà phân tích Nga Ivan Timofeev đưa ra đều đem tới một kết cục đáng buồn cho Kiev – nhưng mức độ độc hại cho Phương Tây thì lại khác hẳn nhau.

Ít giờ trước, hãng tin Nga RT đã đăng tải bài viết của nhà phân tích Ivan Timofeev với tiêu đề: “Nga hiện chỉ còn ba lựa chọn đối với Ukraine”, dưới đây chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

Mỹ đã gửi cho Nga một phản hồi bằng văn bản đối với các đảm bảo an ninh được đề xuất.

Mặc dù Washington từ chối yêu cầu của Moscow về một cam kết ràng buộc pháp lý rằng NATO sẽ không mở rộng thêm về biên giới Nga, nhưng họ cho biết đã sẵn sàng thảo luận về một số vấn đề – bao gồm kiểm soát vũ khí và ổn định chiến lược.

Kể từ cuối năm ngoái, cả hai bên đã liên tục nâng cao quan điểm và Nga đã tập trung một lực lượng đáng kể gần biên giới với Ukraine. Mỹ đã công bố một loạt các biện pháp trừng phạt và hạn chế khác mà họ cho rằng sẽ áp dụng đối với Nga trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

Rõ ràng là một vòng xoáy leo thang mới đang diễn ra. Trong tương lai gần, tình hình có thể diễn ra theo một trong ba kịch bản sau:

Kịch bản đầu tiên: Chiến tranh

Một thực tế không thể tránh khỏi là trong điều kiện hòa bình, Ukraine sẽ theo đuổi một lộ trình chống Nga. Một chế độ chính trị bề ngoài lỏng lẻo nhưng đủ ổn định đã được hình thành trong nước này – khiến việc thỏa hiệp với Nga là không thể.

Chính phủ Ukraine nhận thấy không có cách nào khác để đảm bảo an ninh của đất nước ngoài việc trở thành thành viên NATO còn Phương Tây cũng sẽ hướng tới việc tích hợp Ukraine vào các cấu trúc an ninh của mình.

Do đó, không thể thay đổi đường lối của Ukraine nếu không có chiến tranh.

Ngay cả khi việc Ukraine trở thành thành viên NATO sẽ không chính thức diễn ra trong nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ tới, không có gì ngăn cản liên minh không triển khai các hệ thống tấn công hoặc những thứ khác trên lãnh thổ nước này – song song với việc tái vũ trang quy mô lớn Quân đội Ukraine bằng tiền của Phương Tây.

Không sớm thì muộn, Ukraine sẽ biến thành bàn đạp cho các hoạt động quân sự có thể xảy ra chống lại Nga.

Với đường biên giới dài, tình thế này đặt Nga vào vị trí bất lợi không thể so sánh với các nước Baltic thành viên NATO. Nói cách khác, việc Mỹ và Phương Tây phát triển quân sự ở Ukraine là mối đe dọa cơ bản đối với Nga.

Có thể tránh được một cuộc chiến kéo dài bằng cách thực hiện một chiến dịch chớp nhoáng và Quân đội Ukraine có thể bị đánh bại tương đối nhanh chóng.

Sau đó đất nước có thể bị chia thành hai thực thể – một trong số đó (miền Đông Ukraine) vẫn nằm trong quỹ đạo của Nga, và thực thể còn lại (miền Tây Ukraine) ở phe Phương Tây.

Một lựa chọn khác là một sự thay đổi chế độ ở Ukraine – với kỳ vọng rằng sẽ không có sự phản kháng lớn từ người dân.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ là một đòn đau đối với Nga, nhưng chúng sẽ không gây ra ‘cái chết” và lợi ích đối với an ninh quân sự lớn hơn thiệt hại về kinh tế.

Tác hại đối với nền kinh tế sẽ không chuyển thành phản đối công khai ở Nga; nó có thể được kiểm soát. Uy tín của nhà chức trách sẽ tăng lên do họ đã giải quyết được một nhiệm vụ lịch sử trọng đại…

Kịch bản này đồng nghĩa với sự đổ vỡ triệt để trong quan hệ giữa Nga và Phương Tây – thứ không thể so sánh với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trước đó.

Nó sẽ dẫn đến thiệt hại lớn về nhân mạng, một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng và lâu dài ở Nga và NATO quân sự hóa đáng kể Đông Âu và có thể nói về sự hình thành của một trật tự mới ở Châu Âu.

Mặc dù không thể loại trừ nguy cơ leo thang thành xung đột giữa Nga và NATO, trở ngại duy nhất của một cuộc chiến tranh lớn sẽ là vũ khí hạt nhân. Trong kịch bản này Nga sẽ trở thành một “Triều Tiên của Châu Âu” – nhưng với cơ hội rộng lớn hơn nhiều.

Kịch bản thứ hai: Căng thẳng thường trực

Cái giá phải trả cho cuộc chiến ở Ukraine là quá cao. Ngay cả trong trường hợp các lực lượng Ukraine bị đánh bại nhanh chóng, vấn đề trong kiểm soát lãnh thổ cũng nảy sinh.

Một chế độ bù nhìn sẽ yêu cầu lượng tài chính đáng kể – chắc chắn sẽ kém hiệu quả và dễ bị tham nhũng. Đối mặt với những thiệt hại từ trừng phạt, việc chống lưng cho chế độ này sẽ càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu tài nguyên bên trong chính nước Nga.

Ngay cả việc kiểm soát hoàn toàn lãnh thổ Ukraine cũng sẽ không ngăn được Phương Tây tạo ra các nhóm vũ trang ở các vùng lãnh thổ lân cận, cung cấp tài chính cho một “đạo quân ngầm” ở chính Ukraine.

Chiến tranh cũng sẽ dẫn đến sự suy giảm kinh tế ở các khu vực bị chiếm đóng – sẽ khiến người dân dễ bị ảnh hưởng bởi những tuyên truyền của Phương Tây.

Nếu một phần lãnh thổ được kiểm soát bởi chế độ thân Phương Tây, xung đột sẽ trở thành vĩnh viễn. Đồng thời, không có vấn đề nào về an ninh của Nga sẽ được giải quyết và số lượng của chúng sẽ chỉ tăng lên do quá trình quân sự hóa ở Đông Âu.

Thiệt hại kinh tế từ các lệnh trừng phạt, chi phí chiến tranh ở Ukraine… sẽ khiến sự ổn định của xã hội Nga không được đảm bảo.

Chiến thắng quân sự chỉ có thể bù đắp trong một thời gian ngắn nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài tạo cơ sở cho một cuộc phản kháng kéo dài.

Cần lưu ý rằng các tiêu chuẩn tiêu dùng và lối sống nhất định đã phát triển trong xã hội Nga và nó hầu như không sẵn sàng để trở thành “Triều Tiên”.

Vai trò toàn cầu của phương Tây đang suy giảm. Đối với Mỹ, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương thực sự là một ưu tiên ngày càng tăng. Nhưng điều này không có nghĩa là phương Tây đủ yếu để không gây ra thiệt hại đáng kể cho Nga.

Ngay cả trong trường hợp cạnh tranh với Trung Quốc, Phương Tây có nguồn dự trữ đáng kể để kiềm chế Nga. Sự ủng hộ của Bắc Kinh dành cho Nga cũng không được đảm bảo trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

Việc duy trì căng thẳng thường trực trong quan hệ với Phương Tây đang tạo ra kết quả. Ít nhất thì các cường quốc phương Tây đang bắt đầu lắng nghe Nga. Căng thẳng là một công cụ hữu ích cho ngoại giao.

Và nếu có thể, Nga nên tiến hành các chiến dịch tương đối rẻ nhưng hiệu quả – tương tự như ở Syria.

Kịch bản này không làm thay đổi hoàn toàn tình hình ở châu Âu. Mối quan hệ giữa Nga và phương Tây vẫn được phân loại theo sự cạnh tranh, nhưng không vượt qua “lằn ranh đỏ”.

Kịch bản thứ ba: Cười và vẫy tay?

Với viện trợ quy mô lớn đang bị tham nhũng, Ukraine có thể “đầu độc” chính Phương Tây vì nước này không phải là nhà cung cấp, mà là người tiêu dùng an ninh.

Việc Ukraine trở thành thành viên NATO có thể phản tác dụng đối với khối do những xung đột chưa được giải quyết và những đóng góp không rõ ràng cho an ninh chung. Ngược lại, Ukraine sẽ là nguồn gốc của vô số vấn đề và việc “buông tay” là rắc rối và tốn kém.

Nếu phương Tây ủng hộ điều đó, thì Ukraine sẽ khiến NATO trở thành một cấu trúc thậm chí còn mất cân bằng hơn. Sẽ có một dòng chảy người dân Ukraine di cư sang Phương Tây khiến họ không có lý do gì để ủng hộ Ukraine trong một thời gian dài.

Viện trợ sẽ giảm dần khi vị trí của Ukraine trượt trong danh sách các ưu tiên của Phương Tây.

Nga có khả năng quân sự đáng kể đủ để ngăn chặn bất kỳ mối đe dọa nào xuất phát từ lãnh thổ của Ukraine và các nước NATO – ngay cả khi không sử dụng vũ khí hạt nhân.

Việc kiểm soát Crimea đảm bảo sự thống trị ở Biển Đen. Việc triển khai các vũ khí tấn công hoặc phòng thủ tên lửa trên lãnh thổ Ukraine là có thể xảy ra trong dài hạn nhưng nó không ngăn cản Nga cải tiến các hệ thống tấn công có khả năng gây ra thiệt hại không thể chấp nhận được đối với kẻ thù.

Mối quan hệ với Phương Tây không chỉ giới hạn ở Ukraine. Nga có nhiều khía cạnh mà nước này có thể mặc cả với Phương Tây. Việc loại bỏ Ukraine khỏi các chương trình nghị sự là hoàn toàn có thể.

Sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ tạo ra nhịp độ cho chính trị toàn cầu trong những thập kỷ tới và Nga nên linh động và tránh tham gia trực tiếp vào cuộc đụng độ này.

Trong kịch bản này, vấn đề Ukraine có một phần là giảm leo thang – mặc dù sự cạnh tranh với Phương Tây vẫn còn. Moscow sẽ quản lý một cách khéo léo đối thủ, tạo điều kiện thuận lợi cho họ nếu có thể, và do đó khiến Phương Tây trở nên quá tải với “chất độc”.

Đồng thời, Nga tiếp tục chơi trò chơi trên tất cả các mặt của chương trình nghị sự toàn cầu – từ hành động khí hậu đến kiểm soát vũ khí.

Kết luận

Kịch bản đầu tiên rõ ràng là đầy rủi ro đáng kể cho Nga, đó cũng là điều không mong muốn với Phương Tây nhưng cũng có một số lợi thế khiến NATO tăng tốc củng cố và làm kiệt quệ một trong những đối thủ lớn trên toàn cầu.

Kịch bản thứ hai là khá dễ chấp nhận đối với phương Tây. Đối với Nga, nó có ít rủi ro hơn, nhưng lợi ích hạn hẹp. Mối nguy hiểm chính của nó là áp lực của phương Tây đang dần dần tăng lên.

Mối nguy hiểm như vậy cũng tồn tại trong kịch bản thứ ba.

Phương Tây sẽ cảm thấy khá thoải mái trong việc này, nhưng thành công của Nga không được định trước và sẽ phụ thuộc vào sự kiên nhẫn chiến lược.

Hiện tại mục tiêu chính của Phương Tây là đưa đối thủ vào thế ì ạch có lợi cho mình còn của Nga là tránh cố gắng quá mức, đồng thời không sa lầy vào một cuộc đối đầu tốn kém, duy trì và sử dụng đòn bẩy gây áp lực lên Phương Tây khi các lợi ích đòi hỏi.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới