Wednesday, January 22, 2025
Trang chủQuân sựĐiểm giống nhau bất ngờ giữa chiến dịch tiêu diệt trùm IS...

Điểm giống nhau bất ngờ giữa chiến dịch tiêu diệt trùm IS và al-Qaeda

Trong cả hai chiến dịch, Mỹ đều cho nổ tung trực thăng tham gia đột kích vào nơi ở của thủ lĩnh al-Qaeda và IS trên lãnh thổ nước ngoài.

Ngôi nhà nơi trùm khủng bố IS Ibrahim al-Hashimi al-Qurayshi ẩn náu ở Idlib, Syria bị đột kích hôm 2/2.

Giới chức Mỹ ngày 3/2 thông báo hoàn tất chiến dịch tiêu diệt thủ lĩnh Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) Ibrahim al-Hashimi al-Qurayshi ở thị trấn Atmeh, tỉnh Idlib, miền bắc Syria. Chiến dịch này cho thấy nhiều điểm tương đồng với chiến dịch tiêu diệt thủ lĩnh al-Qaeda Osama bin Laden năm 2011.

Chiến dịch được lên kế hoạch nhiều tháng

Lực lượng đặc nhiệm của Mỹ phải mất nhiều tháng chuẩn bị cho chiến dịch tiêu diệt hai trùm khủng bố này.

Để tiêu diệt thủ lĩnh IS Qurayshi, giới chức Mỹ đã phải chuẩn bị từ đầu tháng 12/2021 với sự phối hợp của đội ngũ an ninh quốc gia, Lầu Năm Góc và các cơ quan tình báo.

Đến ngày 20/12/2021, Tổng thống Mỹ Biden được báo cáo chi tiết thông tin tình báo và phương án tác chiến trong cuộc họp với một nhóm nhỏ tướng lĩnh và cố vấn cấp cao trong Phòng Tình huống của Nhà Trắng. Ông Biden đã lựa chọn phương án đột kích trực tiếp thay vì tấn công từ xa bằng tên lửa dẫn đường. Phương án này được cho là nguy hiểm hơn cho lực lượng của Mỹ, nhưng giảm thiểu thiệt hại cho dân thường.

Chiến dịch được bật đèn xanh để triển khai vào đêm 2/2 nhằm vào ngôi nhà 3 tầng ở Idlib, Syria, nơi trùm khủng bố Qurayshi ẩn náu cùng với vợ con và một số gia đình khác suốt một năm qua.

Mặc dù chỉ mất 2 tháng chuẩn bị, nhưng chiến dịch này được đánh giá có quy mô tương đương chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố al-Qaeda bin Laden.

Để tiêu diệt bin Laden, giới chức chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đã mất 10 tháng chuẩn bị trước khi đặc nhiệm đột kích vào nơi ẩn náu của y ở Pakistan hôm 2/5/2011.

Giới chức trách Mỹ đã thu thập thông tin về nơi ở của bin Laden. Đó là một ngôi nhà hai tầng ở Abbottabad, Pakistan. Bin Laden được xác định ẩn náu ở nơi này suốt một thời gian dài cùng với vợ con và hai trợ lý thân cận. Mọi hoạt động giao tiếp với thế giới bên ngoài đều thông qua thuộc cấp.

Đột kích trên lãnh thổ nước ngoài

Chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố bin Laden và al-Qurayshi đều gây tranh cãi khi được lực lượng đặc nhiệm của Mỹ thực hiện trên lãnh thổ nước ngoài.

Năm 2011, quốc hội Pakistan đã thông qua một nghị quyết lên án vụ đột kích của Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố bin Laden và kêu gọi xem xét lại quan hệ với Washington. Các nghị sĩ Pakistan khi đó cho rằng, “chiến dịch của Washington đã vi phạm chủ quyền của Pakistan”.

“Người dân Pakistan sẽ không dung thứ cho những hành động như vậy và việc lặp lại các biện pháp đơn phương có thể gây hậu quả thảm khốc đối với hòa bình và an ninh trong khu vực cũng như trên thế giới”, nghị quyết nêu rõ.

10 năm sau, chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố IS Qurayshi của Mỹ cũng đối mặt với chỉ trích tương tự. Aliaa Ali, một đại diện của Syria tại Liên Hợp Quốc, nói: “Cuộc đột kích của Mỹ đã vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria bởi nó diễn ra trên lãnh thổ Syria mà không có sự phối hợp hay chấp thuận của chính phủ Syria”.

Các nguồn thạo tin cho hay, Cơ quan Tình báo Quốc gia Iraq đã cung cấp thông tin “chính xác” cho liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu, dẫn đến cuộc đột kích thủ lĩnh IS Qurayshi. Trước khi thực hiện chiến dịch đột kích, Mỹ cũng thông báo cho phía Nga rằng họ sẽ hoạt động “trong một khu vực rộng lớn phía tây bắc Syria, trong một khung thời gian và yêu cầu Moscow tránh xa khu vực đó”.

Mỹ và Syria đều coi IS là tổ chức khủng bố, nhưng Syria coi sự hiện diện quân sự của liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu ở nước này là bất hợp pháp vì không có lời mời của chính phủ Syria.

Trục trặc kỹ thuật

Ngoài những yếu tố trên, hai cuộc đột kích cũng có sự trùng hợp bất ngờ khi đều xảy ra sự cố với trực thăng tham gia chiến dịch.

Trong đêm đột kích nơi ở của trùm khủng bố IS Qurayshi, Black Hawk, một trong các trực thăng tham gia chiến dịch của lực lượng đặc nhiệm Mỹ, đã gặp sự cố buộc giới chức Mỹ quyết định phá hủy.

Theo lời quan chức Mỹ, trực thăng gặp sự cố với hệ thống truyền lực và hoàn toàn không liên quan đến giao tranh giữa đặc nhiệm Mỹ và các tay súng IS. “Chiếc trực thăng đã rời khỏi hiện trường khu vực giao tranh và hạ cánh ở một địa điểm khác”, quan chức Mỹ nói. Phía Mỹ sau đó quyết định phá hủy hoàn toàn chiếc trực thăng để tránh nó rơi vào tay các lực lượng thù địch ở Syria.

Tình huống này cũng từng xảy ra với chiến dịch đột kích trùm khủng bố al-Qaeda bin Laden hôm 2/5/2011. Khi đó, Đặc nhiệm Mỹ (Navy SEAL) đã triển khai 2 trực thăng Black Hawk từ Afghanistan đến Abbottabad, Pakistan. Khi tiếp cận được khu nhà nơi bin Laden sinh sống, một chiếc trực thăng đã gặp phải sự cố nghiêm trọng, buộc Navy SEAL phải phá hủy nó vào cuối cuộc đột kích.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới