Monday, December 23, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnVăn kiện mật Mỹ và NATO trả lời đề nghị của Nga...

Văn kiện mật Mỹ và NATO trả lời đề nghị của Nga bị tiết lộ

Ngày 2/2, Mỹ và NATO từ chối ký thỏa thuận với Nga về an ninh châu Âu và từ chối không kết nạp Ukraine làm thành viên NATO – hai yêu cầu chính của Moscow để chấm dứt cuộc khủng hoảng Ukraine.

Quân đội Nga tập trận ở gần biên giới Ukraine hôm 26/1.

Theo các văn bản trả lời Nga mà trang web El Pais của Tây Ban Nha có được, cả Washington và NATO đều cố gắng đề nghị Tổng thống Nga Putin tiến hành đàm phán các thỏa thuận giải trừ quân bị và các biện pháp xây dựng lòng tin trên các nền tảng khác nhau (như Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu, Đối thoại ổn định chiến lược Mỹ-Nga, Hội đồng NATO- Nga), nhưng tiền đề của việc đàm phán là Nga phải giảm bớt sự đe dọa quân sự đối với Ukraine.

Washington cảnh báo rằng, trước những đợt triển khai quân sự ồ ạt, đơn phương và phi lý đang được Nga tiến hành trong và xung quanh Ukraine và Belarus, “chúng tôi kêu gọi Nga giảm leo thang tình hình ngay lập tức, theo cách có thể kiểm chứng, kịp thời và lâu dài. Lập trường của chính phủ Mỹ là những vấn đề này (các biện pháp giải trừ quân bị và niềm tin) sẽ chỉ có thể thực hiện được nếu Nga giảm leo thang đe dọa đối với Ukraine.”

El Pais cho biết Nga đã yêu cầu phương Tây phản hồi bằng văn bản đối với đề xuất ký một hiệp ước mang lại sự đảm bảo an ninh cho Nga. Nga thậm chí đã đệ trình một bản dự thảo của hiệp ước giả định. Hai văn bản trả lời được gửi từ Washington và NATO phối hợp và bổ sung cho nhau.

Văn bản trả lời của Washington nói rõ rằng Mỹ “vẫn kiên quyết ủng hộ chính sách mở cửa của NATO” và do đó không loại trừ việc kết nạp Ukraine hoặc Gruzia vào liên minh này trong tương lai. Văn bản của NATO cũng tái khẳng định chính sách mở cửa của khối này.

El Pais cho biết liên quan đến Ukraine, chính phủ Joe Biden đã đề xuất với Nga “các biện pháp minh bạch có điều kiện và các cam kết có đi có lại”, hy vọng rằng Nga và Mỹ có thể tránh được “việc triển khai các hệ thống tên lửa tấn công trên bộ và các lực lượng tác chiến thường trực ở Ukraine”. Về điều này, Washington tuyên bố dự định tổ chức các cuộc tham vấn với Kiev.

El Pais cho biết các biện pháp xây dựng lòng tin có đi có lại này, cùng với các thỏa thuận giải trừ quân bị, là hai điều then chốt trong các văn bản trả lời của Washington và NATO. Phản hồi của Mỹ khẳng định họ đã “sẵn sàng cùng với các đồng minh và đối tác xuyên Đại Tây Dương đạt được sự hiểu biết với Nga về các vấn đề an ninh” và liệt kê một loạt các chủ đề mà họ sẵn sàng thảo luận về các cam kết hoặc hành động có đi có lại và các nền tảng để thảo luận. Mỹ tuyên bố sẵn sàng đối mặt với tiến trình này một cách “thiện chí”, đồng thời chỉ trích ông Putin triển khai hơn 100.000 quân ở biên giới Nga-Ukraine, chiếm Crimea và kích động xung đột ở khu vực Donbas.

Theo El Pais, một số đề nghị của Mỹ liên quan đến các hạn chế đối với tên lửa, có thể dẫn đến một hiệp ước giải trừ quân bị mới. Washington đã tuyên bố mong muốn đàm phán song phương với Nga về việc kiểm soát các tên lửa tầm trung và tầm ngắn và các phương tiện chúng mang, nhưng họ lên án Nga nghiên cứu phát triển tên lửa vi phạm Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (Intermediate-Range Nuclear Forces Treaty). Chính phủ Mỹ tái khẳng định cam kết của mình đối với Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START) hạn chế tên lửa liên lục địa có hiệu lực đến năm 2026.

Nhưng Mỹ đề xuất đưa thêm các hạn chế đối với các phương tiện mang mới, vũ khí phi chiến lược và không được triển khai đầu đạn hạt nhân vào hiệp ước. Ngoài ra, Mỹ đề nghị “ngay lập tức bắt đầu các cuộc thảo luận về phương án triển hạn Hiệp ước New START” và thảo luận về một thỏa thuận trong tương lai làm thế nào “bao gồm tất cả các loại vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga.”

El Pais chỉ ra rằng một trong những đề xuất có tính sáng tạo nhất mà Mỹ đưa ra với Nga là một “cơ chế minh bạch” để xác minh sự không tồn tại của các tên lửa hành trình Tomahawk có khả năng tấn công lãnh thổ Nga được triển khai tại các căn cứ của hệ thống phòng thủ chống tên lửa của NATO ở Romania và Bulgaria. Như một biện pháp có đi có lại, Washington cho rằng cần chọn hai bãi phóng tên lửa trên đất Nga để hành động theo cùng một cách. Nga từng đề xuất hạn chế triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn, đồng thời bày tỏ lo ngại về tên lửa Tomahawk ở Romania và Bulgaria.

Ngoài ra, theo trang web Süddeutsche Zeitung (Nam Đức) của Đức ngày 2 tháng 2, tờ El Pais của Tây Ban Nha đã công bố văn bản trả lời cho đến nay vẫn được giữ bí mật của NATO và Mỹ đối với đề xuất của Nga về một thỏa thuận an ninh mới. Theo các tài liệu được công bố trên trang web của tờ báo, cả Mỹ và NATO đều nói rõ rằng hầu hết các đề xuất của Nga là không thể chấp nhận được. Đồng thời, họ giữ thái độ mở cho các cuộc đàm phán cụ thể và việc đạt được các thỏa thuận mới.

Theo báo này, theo văn bản phản hồi với Nga, nếu Moscow cũng đưa ra các cam kết tương ứng, Mỹ sẵn sàng loại trừ khả năng đóng quân thường trực và triển khai hệ thống tên lửa đất đối đất ở Ukraine. Như một điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán thành công, NATO và Mỹ đã kêu gọi Nga chấm dứt việc triển khai quân đội hiện nay ở biên giới Ukraine. Những quan chức trong NATO đã xác nhận tính xác thực của các tài liệu này với DPA.

Báo này cho biết phương Tây ngày càng lo ngại Điện Kremlin có kế hoạch “xâm lược” Ukraine. Tuy nhiên, cũng có những người khác cho rằng động thái của Nga chỉ nhằm gây ra lo sợ và buộc các nước NATO phải nhượng bộ trước những yêu cầu của Nga về các biện pháp đảm bảo an ninh mới.

Theo trang tin Trung Quốc Guancha (Nhà quan sát), sau khi Mỹ và NATO lần lượt gửi văn bản trả lời về dự thảo đảm bảo an ninh song phương cho Nga, phía Nga ngay lập tức bày tỏ sự không hài lòng và không thể chấp nhận được trả lời này.

Văn bản chưa được công khai vì trước đó Mỹ đã yêu cầu Nga giữ bí mật nội dung văn bản trả lời của mình. Vào ngày 2/2, El Pais – tờ báo chính thống của Tây Ban Nha tuyên bố đã có được tài liệu và tiết lộ các phần của nó, cho thấy Washington sẵn sàng thảo luận về việc không triển khai tên lửa phóng từ mặt đất và binh lính tham chiến ở Ukraine, nếu Nga cũng làm như vậy.

Tuy nhiên, El Pais không cho biết làm thế nào họ có được các tài liệu này.

Hai tài liệu, được chính thức trao cho Nga vào ngày 26/1, nội dung chủ yếu phù hợp với các tuyên bố trước đây của Mỹ và các đồng minh, đặc biệt là về tính minh bạch quân sự.

Mỹ từ lâu đã tuyên bố rằng hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu của NATO ở Romania, cũng như hệ thống phòng thủ tên lửa được lên kế hoạch bố trí ở Ba Lan, sẽ không được sử dụng để phòng thủ chống lại Nga trong tương lai, mà để phòng thủ trước các mối đe dọa từ Iran và Trung Đông rộng lớn hơn.

Mỹ cho biết trong văn bản phản hồi rằng họ có thể cung cấp sự minh bạch về các địa điểm đặt tên lửa ở Romania và Ba Lan, nhưng chỉ khi Moscow làm điều tương tự đối với hai địa điểm ở Nga.

NATO cho biết trong tài liệu: “Sự thay đổi trong việc bố trí quân đội của Nga ở Ukraine và các khu vực xung quanh là mấu chốt để đạt được tiến bộ thực chất”.

Người phát ngôn Điện Kremlin đã từ chối bình luận về các tài liệu mật bị truyền thông Tây Ban Nha tiết lộ, nói: “Chúng tôi (Nga) không công bố bất kỳ tài liệu nào”. NATO cũng cho biết sẽ không bình luận về “cái gọi là bí mật bị rò rỉ”.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby nói: “Chúng tôi (Mỹ) đã không công bố tài liệu này, nhưng nó đã được phơi bày và khẳng định với thế giới những gì chúng tôi luôn nói: những tuyên bố công khai và những cuộc thảo luận riêng tư của chúng tôi không có sự khác biệt.”

“Mỹ đã rất nỗ lực để tìm ra một giải pháp ngoại giao”, Kirby nói thêm, “Nếu Nga thực sự muốn đàm phán một giải pháp như họ tuyên bố, thì tài liệu này cho thấy có một lối thoát để đi đến.”

Vào ngày 1/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói tại một cuộc họp báo rằng Nga đang phân tích kỹ lưỡng các văn bản trả lời của Mỹ và NATO đối với các đề nghị đảm bảo an ninh của Nga. “Điều hiện nay đã rõ ràng là, các mối quan tâm chính của Nga đã bị bỏ qua.”

Ông Putin nói rằng Nga có ba yêu cầu then chốt, đó là NATO chấm dứt mở rộng, từ bỏ việc triển khai vũ khí tấn công gần biên giới Nga và khôi phục cơ sở hạ tầng quân sự của NATO ở châu Âu về trạng thái năm 1997 khi Nga và NATO ký kết văn bản quan hệ cơ bản; nhưng những yêu cầu này đã không được xem xét một cách phù hợp trong văn bản trả lời.

Tổng thống Putin cho rằng Mỹ đang lợi dụng Ukraine như một công cụ để kiềm chế Nga, chứ không phải quan tâm đến an ninh của Ukraine; Mỹ muốn đẩy Nga vào một cuộc xung đột vũ trang. Nga muốn tránh tình hình leo thang; vì vậy, an ninh của tất cả các bên, bao gồm cả Nga, phải được đảm bảo. Ông cũng muốn cuộc đối thoại về đảm bảo an ninh được tiếp tục.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới