Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiThái độ đàng hoàng của Bộ trưởng Quốc phòng Úc

Thái độ đàng hoàng của Bộ trưởng Quốc phòng Úc

Hôm 7/2, tờ The Sydney Morning Herald (SMH) – nhật báo được xuất bản và lưu hành tại Sydney bởi Tập đoàn truyền thông Fairfax của Úc- đưa tin: Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton bất ngờ lên tiếng cảnh báo, Úc và các đồng minh sẽ “thua trong thập niên tới”.

Ông Duttton không nói rõ là thua ai, thua về cái gì, nhưng người dân nước này đều hiểu rằng, thua ở đây là thua những hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông. Bắc Kinh sẽ thực hiện thành công âm mưu gặm nhấm, từng bước độc chiếm Biển Đông.

Muốn thắng, chỉ còn một cách duy nhất, Canberra đứng lên chống lại những hành vi vô thiên vô pháp của Trung Quốc. Ông Dutton cho rằng, Mỹ và các quốc gia đồng minh trước đây đã “nhượng bộ” quá nhiều, khiến cho Bắc Kinh tiếp tục khinh nhờn và lấn lướt, bắt nạt các nước nhỏ trong khu vực Biển Đông, khiến cho an ninh ngày càng nóng bỏng, thậm chí có thể dẫn đến chiến tranh.

Việc cần làm ngay của chính phủ Úc lúc này là kịch liệt phản đối Trung Quốc bằng những tuyên bố và hành động cụ thể về ngoại giao, kinh tế, quân sự. Có như vậy mới làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục người dân hiểu rõ bản chất và những âm mưu lâu dài của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Và có như vậy mới bảo đảm rằng, Trung Quốc sẽ không thể chây ỳ việc thực hiện phán quyết của Tòa trọng tài Liên hợp quốc từ năm 2016, từ bỏ việc quân sự hóa Biển Đông trong những năm tới.

Cụ thể hơn, Bộ trưởng Dutton nhấn mạnh: “Chúng ta nên thành thật nói rằng, đã để mất một khoảng thời gian khá dài khi Trung Quốc đưa ra những bảo đảm về các hoạt động của họ trên Biển Đông. Mỹ và các nước khác đã vô tình làm ngơ việc Trung Quốc quân sự hóa tới hơn 20 thực thể tại Biển Đông. Điều này không giúp ích cho sự ổn định của khu vực, trái lại khiến cho tình hình ngày càng tồi tệ”.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc nói cứng rắn như vậy như một tín hiệu đưa ra trước chuyến thăm Canberra của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Dự kiến ông Blinken sẽ tham gia cuộc họp cấp bộ trưởng ngoại giao của nhóm Bộ tứ Kim cương (QUAD), bao gồm bốn nước Úc, Mỹ, Nhật và Ấn Độ.

Từ khi ông Duttot nhận chức vụ quan trong này, Bắc Kinh đã từng nhiều phen nóng mặt vì những tuyên bố “sặc mùi Mỹ” khiến cho các chính trị gia Trung Quốc mất mặt trước các diễn đàn quốc tế. Ở trong nước, Duttot đã nhận nhiều chỉ trích từ các chuyên gia an ninh và chính trị gia thuộc các đảng đối lập vì lập trường chống lại Trung Quốc.

Bộ trưởng Dutton cho biết quan điểm nhất quán của ông là “hòa bình chủ đạo” tại khu vực. Hiện nay, Úc không phải quốc gia duy nhất đang trải qua căng thẳng với Bắc Kinh mà hầu hết các nước trong khối ASEAN, nhất là các nước đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo như Đài Loan, Nhật Bản, Philippines, Indonesia, Brunei, Việt Nam…

Một hành động đáp trả Trung Quốc mạnh mẽ và hiệu quả nhất là, tháng 9-2021, Úc đã ký với Mỹ và Anh một hiệp ước an ninh ba bên (AUKUS). Ba quốc gia này đã khởi động lịch trình một năm rưỡi để tìm kiếm cách tốt nhất chuyển giao đến Úc các tàu ngầm hạt nhân. Theo các nhà phân tích, AUKUS là một nỗ lực nhằm tăng cường khả năng, sức mạnh quân sự trong khu vực, đáp ứng yêu cầu phòng thủ, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền trước những hành động hung hăng của Trung Quốc.

Sự nỗ lực của Úc là rất đáng ghi nhận, có điều, Canberra đang gặp khó khi phải chống lại một cường quốc như Trung Quốc, bởi Bắc Kinh với chiến lược ngoại giao “chiến lang”, với mồi nhử là vắc-xin chống Covid-19 và ủng hộ về kinh tế, đang tranh thủ được tiếng nói của một số quốc gia trong khu vực. Gần đây người đứng đầu Campuchia đã tuyên bố thẳng thừng: “Không đi với Trung Quốc thì chúng tôi đi với ai” (!).

Đi với ai là quyền của mỗi nước. Nhưng không thể đi với một kẻ âm mưu cướp trọn Biển Đông và liên tục gây xung đột biên giới với các nước láng giềng. Không thể đi với một kẻ to mà không mạnh, không có một tầm văn hóa quốc gia tương xứng. Sự “to xác” của Trung Quốc chỉ để phục vụ cho những mưu toan sẵn có, trở thành siêu cường số một thế giới.

Đó là toan tính toàn cầu, nhưng trước hết nhằm phục vụ lợi ích và quyền lực của Trung Quốc trong khu vực chiến lược sát sườn Đông Nam Á /ASEAN. Bắc Kinh lúc nào cũng dùng những lời hoa mĩ, lớn tiếng rằng ASEAN phải thật sự là hạt nhân, là trung tâm giữ vai trò quyết định trong hợp tác và an ninh khu vực, nhưng vai trò ấy phải trong vòng kiềm tỏa. Ai, nếu không phải là Trung Quốc “kiềm tỏa”?

Chúng tôi nhớ lại câu chuyện cách đây 12 năm, vào năm 2010, trong một cuộc làm việc ở Hà Nội, có sự tham gia của cả Ngoại trưởng Mỹ và các Ngoại trưởng ASEAN, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã khệnh khạng chỉ vào đại diện của Singapore và Việt Nam mà bảo rằng: “Các anh suốt đời chỉ là những nước nhỏ”, rồi giận dữ bỏ ra ngoài.

Với một kẻ mang tư tưởng đại bá như thế, xem ra thái độ của Bộ trưởng Quốc phòng Úc là rất sòng phẳng, đàng hoàng!

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới