Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCạnh tranh Mỹ - Trung “Đấu trường sinh tử”

Cạnh tranh Mỹ – Trung “Đấu trường sinh tử”

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden sắp công bố chiến lược kinh tế rộng lớn đầu tiên cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhằm đối phó với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực.

Hôm qua (8.2), truyền thông Mỹ đưa tin chính quyền của Tổng thống Joe Biden trong vài tuần tới sẽ công bố kế hoạch chi tiết về “khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” (IPEF) nhằm tái xây dựng vị thế của nước này trong việc cạnh tranh với Trung Quốc để trở thành bên tiên phong định hình các quy tắc thương mại, chi phối ở khu vực.

Tuy nhiên, theo tờ The Wall Street Journal, IPEF được dự kiến sẽ không đưa ra các biện pháp cắt giảm thuế quan hay áp dụng các biện pháp tăng cường mở cửa thị trường truyền thống cho các đối tác thương mại, do lo ngại hứng chịu chỉ trích bởi các tổ chức hoạt động trong nội bộ nước Mỹ về nguy cơ gây ảnh hưởng đến công ăn việc làm của doanh nghiệp nước này. Tờ báo dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yeo Han-koo cho biết các nước trong khu vực đang kỳ vọng Washington đưa ra các chính sách giúp tiếp cận thị trường Mỹ. Bộ trưởng Yeo Han-koo đưa ra tuyên bố sau một cuộc họp gần đây với phía Mỹ.

Trong khi đó, một số thông tin cho biết IPEF sẽ được cấu trúc như một tập hợp các thỏa thuận riêng lẻ, mà các quốc gia trong khu vực có thể chọn và lựa chọn để đăng ký. Cách làm này được cho là sẽ rút ngắn các quy định phê chuẩn của nội bộ nước Mỹ trong việc hợp tác với bên ngoài. Ngoài ra, TPEF được cho là sẽ tập trung vào các mảng về thương mại số, năng lượng tái tạo…

Mỹ mất kiên nhẫn vì Trung Quốc chưa mua hàng theo cam kết thương mại

Mảnh ghép then chốt

Hiện nay, Mỹ vắng mặt trong các hiệp định thương mại quan trọng ở khu vực. Ngược lại, Bắc Kinh đã tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và đang xúc tiến việc gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trong khi đó, Mỹ đã rút khỏi CPTPP từ khi hiệp định này còn mang tên Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Nhiều nhà kinh tế, ngoại giao và chuyên gia thương mại nhận định Washington cần có một cơ chế hợp tác hiệu quả, tập hợp nhiều nền kinh tế châu Á để thiết lập các quy tắc tham gia cho thương mại và công nghệ mới. Theo đó, việc định hình một mạng lưới hợp tác kinh tế hiệu quả ở Indo-Pacific là rất cần thiết, thậm chí mang yếu tố sống còn và quyết định thắng thua, đối với Mỹ trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc ở khu vực.

Trả lời Thanh Niên, TS Timothy R.Heath (chuyên gia nghiên cứu cấp cao, Tổ chức RAND, Mỹ) nhận xét sau hơn 1 năm tiếp nhận Nhà Trắng, chính sách của Tổng thống Biden đối với Indo-Pacific nhấn mạnh nhiều hơn vào các liên minh và quan hệ đối tác để cân bằng quyền lực với Trung Quốc. Và một trong các hướng cần giải quyết là tăng cường hợp tác về kinh tế, thương mại, công nghệ…

Tương tự, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy tại Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) phân tích chính sách của Washington trong năm qua đối với Indo-Pacific gần như tập trung vào các hoạt động quân sự mà thiếu các chương trình hợp tác kinh tế, thương mại.

“Trong khi đó, ngoài vấn đề quân sự, Trung Quốc còn sử dụng viện trợ, đầu tư và thương mại để tạo dựng ảnh hưởng ngoại giao và đòn bẩy kinh tế tại Đông Nam Á. Mỹ đã chưa hiệu quả trong các chính sách hỗ trợ thương mại các nước châu Á nhằm thay thế vai trò của Trung Quốc. Nhìn chung, Nhà Trắng cần phát triển một chương trình toàn diện và nỗ lực nhất quán để đổi mới và tăng cường quan hệ với châu Á”, ông Schuster nhận xét.

Trọng tâm ASEAN

Chuyên gia William A.Reinsch, thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Mỹ, đánh giá IPEF phải “thu hút được các quốc gia như Việt Nam và Indonesia”. Theo đó, ASEAN cần phải trở thành trọng tâm trong các chính sách hỗ trợ, hợp tác kinh tế thương mại của Mỹ ở Indo-Pacific. Một bài phân tích trên chuyên san The Diplomat hồi tháng 9.2021 cũng nhấn mạnh điều này.

Thực tế, Washington cũng đã có những động thái “lấy lòng” ASEAN thông qua hợp tác và hỗ trợ kinh tế. Trong chuyến công du ASEAN hồi tháng 12.2021, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã đưa ra các cam kết hỗ trợ về kinh tế, an ninh mạng cho các nước Đông Nam Á.

Ngoại trưởng Blinken khẳng định Washington sẽ “thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng”, xây dựng nền tảng “internet an toàn và đáng tin cậy”. Ông cho biết Mỹ và các đồng minh sẽ làm việc với các nước trong khu vực để “cung cấp cơ sở hạ tầng chất lượng cao, tiêu chuẩn cao”. Ông trích dẫn nhóm “bộ tứ an ninh” (gồm Mỹ – Nhật Bản – Úc – Ấn Độ) gần đây lên kế hoạch điều phối cơ sở hạ tầng nhằm khuyến khích đầu tư nhiều hơn vào Indo-Pacific, cũng như sáng kiến “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” mà nhóm G7 theo đuổi, thông qua nguồn quỹ được huy động lên đến hàng trăm tỉ USD để hỗ trợ xây dựng hạ tầng cho các nước một cách “minh bạch và bền vững”. Việc tài trợ xây dựng hạ tầng chất lượng cao mà Mỹ cùng các đồng minh theo đuổi có thể xem là đòn đối phó với sáng kiến Một vành đai – Một con đường và các chương trình hợp tác kinh tế, thương mại của Trung Quốc. Ngoài ra, Mỹ đang cùng với các thành viên còn lại của “bộ tứ” đang tăng cường xây dựng mạng lưới, hợp tác về công nghệ, chuỗi cung ứng… Nhằm cạnh tranh với Trung Quốc.

Chính vì thế, tuy không ồn ào như các hoạt động quân sự, nhưng việc hợp tác và phát triển kinh tế thương mại đang trở thành “đấu trường” then chốt trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ với Trung Quốc ở khu vực.

Mỹ phê chuẩn gói bảo trì và nâng cấp tên lửa cho Đài Loan

Mỹ phê chuẩn thương vụ trị giá 100 triệu USD cung cấp phương tiện và dịch vụ nhằm “duy trì, bảo quản và cải tiến” hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Đài Loan. Cụ thể, Reuters hôm qua (8.2) đưa tin Cơ quan Hợp tác an ninh quốc phòng Mỹ (DSCA) cho hay đã thông báo với quốc hội nước này về thương vụ được Bộ Ngoại giao thông qua trước đó sau khi cân nhắc yêu cầu của phía Đài Loan. Việc nâng cấp Hệ thống Phòng không Patriot sẽ góp phần duy trì ổn định chính trị, cán cân quân sự, kinh tế và thúc đẩy sự phát triển của khu vực, theo DSCA. Hai nhà thầu chính phụ trách hợp đồng trên là Raytheon Technologies và Lockheed Martin. Trong khi chính quyền Đài Bắc hoan nghênh quyết định của Mỹ, phát ngôn viên Triệu Lập Kiên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên án mạnh mẽ động thái trên. “Trung Quốc sẽ thực thi những biện pháp thích hợp và kiên định nhằm bảo vệ vững chắc sự toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích an ninh của mình”, theo ông Triệu.

RELATED ARTICLES

Tin mới