Mỹ đang mất kiên nhẫn với Trung Quốc vì nước này không đáp ứng các cam kết mua hàng trong thỏa thuận thương mại thời chính quyền Trump, theo Bloomberg.
Quan chức Mỹ cho biết, trong vài tháng qua, Washington đã làm việc với Bắc Kinh để cố gắng giải quyết vấn đề, nhưng hiện vẫn chưa thấy bất kỳ dấu hiệu thực sự nào thể hiện Trung Quốc đáp ứng tốt các cam kết của thỏa thuận thương mại giai đoạn một.
Chính quyền Biden muốn Trung Quốc có hành động cụ thể và đang tiếp tục thúc ép nước này tuân thủ thỏa thuận. Song, theo vị quan chức, những gì diễn ra cho đến nay là dẫn chứng cho sự giới hạn của thỏa thuận thương mại mà chính quyền tiền nhiệm đạt được.
Cụ thể, Trung Quốc không thỏa mãn nhiều mục tiêu mua hàng trong thỏa thuận, như cam kết mua thêm so với năm 2017 là 200 tỷ USD hàng nông nghiệp, năng lượng và các sản phẩm do Mỹ chế tạo, trong hai năm, đến hết năm 2021. Bên cạnh đó, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cũng nhiều lần nói rằng chính quyền Biden không chỉ lo ngại về vấn đề thực hiện các cam kết mua hàng của Trung Quốc, mà còn cả chính sách công nghiệp lấy nhà nước làm trung tâm của Bắc Kinh.
Mỹ chưa cập nhật dữ liệu tháng 12/2021, song theo dữ liệu tháng 11, Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ chỉ chưa tới 60% so với cam kết. Bắc Kinh cũng cam kết chống lại hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ Mỹ và mở cửa thị trường nội địa cho các nhà cung cấp dịch vụ tài chính Mỹ.
Chính quyền Biden đã mất nhiều tháng rà soát chính sách của người tiền nhiệm đối với Trung Quốc và cân nhắc hướng đi mới để đối phó với các hoạt động kinh tế của Bắc Kinh. Mỹ vẫn duy trì thuế quan đối với hơn 300 tỷ USD hàng xuất khẩu hàng năm của Trung Quốc.
Tháng 1/2022, Tổng thống Biden nói “vẫn chưa đạt được” đến giai đoạn có thể tuyên bố Trung Quốc đang đáp ứng nhiều cam kết hơn nên có thể dỡ bỏ một số hạng mục thuế quan. Cả Đại diện Thương mại Tai và cấp phó phụ trách về châu Á, Sarah Bianchi, đều cho biết các cuộc đàm phán với những người đồng cấp Trung Quốc về thương mại rất “khó khăn”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên gần đây thì mô tả mối quan hệ thương mại của hai quốc gia là “đôi bên cùng có lợi”.
Ông nói thêm: “Các vấn đề trong thương mại cần được giải quyết hợp lý trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau và tham vấn bình đẳng”.