Wednesday, January 22, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnTrồng tre để bảo vệ biên giới Việt - Trung

Trồng tre để bảo vệ biên giới Việt – Trung

Dọc theo bờ sông Ka Long từ thành phố Móng Cái lên tới xã Quảng Đức, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, nhiều đoạn được phủ xanh bởi những lũy tre. Ít ai biết rằng, đó là thành quả của quân và dân nơi đây đã dày công trồng để bảo vệ biên giới từ nhiều năm trước. Những lũy tre không chỉ gia cố bờ sông, hạn chế làm thay đổi dòng chảy, cũng là đường biên giới giữa 2 nước Việt Nam – Trung Quốc, mà còn giúp bà con người Dao có thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn tuần tra dưới rừng tre dọc theo bờ sông biên giới Ka Long.

Năm 2000, Đồn trưởng Bùi Giang Nam và Chính trị viên Vương Ngọc Thực (nay đều đã nghỉ hưu) thuộc Đồn Biên phòng Lục Phủ đã đưa ra ý tưởng trồng tre dọc sông biên giới để bờ sông không sạt lở, ổn định được dòng chảy, từ đó, dễ dàng hơn trong việc xác định và quản lý đường biên giới. Sau khi tre bén rễ sẽ bàn giao lại cho người dân quản lý, chăm sóc và thu hoạch măng để cải thiện đời sống.

Sau khi thống nhất được chủ trương, một mặt, đơn vị trích tiền mua giống tre Bát Độ; mặt khác, vận động đồng bào đi đào thêm gốc tre gai, tre mai về trồng.

Trưởng thôn Thán Phún và thôn Pình Hồ, xã Bắc Sơn, lúc ấy là ông Nịnh A Bảo và Chỏng A Nhì. Hai ông chính là những người nhiệt tình nhất ủng hộ việc trồng tre dọc theo bờ sông biên giới của Đồn Biên phòng Lục Phủ.

Ông Chỏng A Nhì nhớ lại: “Khi đó, các chú Biên phòng đến vận động người dân tham gia trồng tre dọc bờ sông Ka Long. Tôi cùng chú Phong, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng đến từng nhà vận động bà con đi đào gốc tre về trồng. Để làm gương, tôi cũng vào rừng đào gốc tre. Bà con thấy trưởng thôn, BĐBP làm cũng hăng hái tham gia. Được một thời gian, đồn Biên phòng giao lại hết cho người dân chăm sóc, quản lý. Đến lúc thu hoạch măng, có được số tiền đáng kể, bà con phấn khởi lắm”.

Khởi nguồn của việc “trồng tre bảo vệ bờ sông biên giới” được bắt đầu từ xã Bắc Sơn, tuy nhiên, câu chuyện này đã được “bay xa” và người dân dọc theo sông Ka Long biết đến. Thấy bà con ở Bắc Sơn trồng, người dân ở xã Hải Sơn cũng làm theo. Từ kết quả thực tế cho thấy, trồng tre để bảo vệ bờ sông biên giới nhưng cũng chính là để ngăn những dòng lũ lúc nào cũng chực xói mòn đất canh tác ven sông. Những rừng tre vì thế mà cứ rộng và dài thêm theo bờ sông Ka Long.

Trong cửa hàng giới thiệu sản phẩm địa phương của UBND xã Bắc Sơn có nhiều thứ được trưng bày như trà hoa vàng, quả sim và có cả măng phơi khô đã được hút chân không. Đây là những mặt hàng được nhiều người lựa chọn làm quà khi đến mảnh đất biên cương này. Gói măng khô mang theo câu chuyện trồng tre bảo vệ biên giới càng khiến nhiều người thích thú.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới