“Nước Mỹ rõ ràng lo ngại về hiện diện ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực”, ông Pryke nhận định.
Mở cửa lại đại sứ quán
Mới đây, Mỹ đã tuyên bố sẽ tái mở cửa đại sứ quán tại quần đảo Solomon, một quốc đảo thuộc Tây Nam Thái Bình Dương trong một nỗ lực mà AFP cho là nhằm đối phó với tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực này.
Động thái này diễn ra chỉ vài tháng sau khi bạo động diễn ra ở Solomon, nơi người biểu tình kéo tới tòa nhà quốc hội và đốt cháy phần lớn khu người Hoa.
Giới chức Mỹ cho biết, họ đặc biệt quan ngại trước tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại Solomon.
Hồi tháng 12, Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ đưa các cố vấn cảnh sát và hỗ trợ trang bị chống bạo động cho quốc đảo này vì lực lượng gìn giữ hòa bình đã bắt đầu rời đi sau khi được triển khai trong giai đoạn biểu tình.
Chính quyền Solomon đã chấp nhận đề xuất của Trung Quốc, bao gồm việc đưa 6 “sĩ quan liên lạc” tới huấn luyện cho lực lượng cảnh sát của đất nước và nhận các thiết bị như khiên, mũ bảo hiểm, gậy và các công cụ phi sát thương.
Chuyến thăm đầu tiên trong 37 năm
Quyết định tái mở cửa đại sứ quán được Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đưa ra trong chuyến thăm tới Fiji, nơi ông tiến hành cuộc gặp trực tuyến với 18 lãnh đạo ở khu vực Thái Bình Dương nhằm nhấn mạnh sự chú ý mà Washington dành cho khu vực. Ông Blinken là Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên tới thăm Fiji trong 37 năm.
Mỹ đã đóng cửa đại sứ quán ở thủ đô Honiara năm 1993 và hiện chỉ còn 1 lãnh sự quán tại đó.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden cho biết, mặc dù hiện đang bận tâm với vấn đề Ukraine nhưng Washington coi khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương – nơi Trung Quốc đang mở rộng tầm ảnh hưởng – là trọng tâm cốt yếu trong chiến lược kinh tế, chính trị và an ninh của tương lai.
“Điều chúng tôi sẽ phải làm là đưa ra một kế hoạch đa diện, vừa kinh tế vừa chiến lược, liên quan tới ngoại giao và có thể tiếp cận những nơi xa xôi như Fiji”, một quan chức cấp cao tiết lộ với AFP trước thềm chuyến thăm.
Tại Fiji, ông Blinken đã có cuộc trao đổi với Thủ tướng lâm thời Aiyaz Sayed-Khaiyum và thực hiện cuộc gặp trực tuyến với lãnh đạo 17 quốc đảo Thái Bình Dương khác, nhấn mạnh sự chú ý đối với các vấn đề của khu vực như đánh bắt cá trái phép và biến đổi khí hậu, cam kết hỗ trợ thêm từ Washington.
“Trung Quốc rõ ràng có tham vọng ở Thái Bình Dương”, nguồn tin của AFP nói, “Một số việc họ đang làm gây quan ngại thực sự”.
“Chúng tôi có các nghĩa vụ và quan hệ tinh thần, lịch sử, thiết thực với các đối tác của chúng tôi trong khu vực. Chúng tôi dự tính gắn bó với những điều đó”.
Australia lo ngại
Jonathan Pryke, chuyên gia về các đảo Thái Bình Dương thuộc Viện Lowy (Australia) coi chuyến thăm của ông Blinken là “tương đối đáng chú ý” với khu vực.
“Nước Mỹ rõ ràng lo ngại về hiện diện ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực”, ông Pryke nhận định thêm rằng Washington không có sự hiện diện đáng kể ở Thái Bình Dương.
Wesley Morgan, chuyên gia về an ninh Thái Bình Dương ở Đại học Griffith (Australia) cho rằng, Mỹ phần nào phản ứng với lo ngại của chính Canberra về khả năng quân đội Trung Quốc thiết lập hiện diện ở các đảo Thái Bình Dương.
“Australia đang nỗ lực khiến Mỹ chú ý thêm vào khu vực bởi những lo ngại ấy”, ông Morgan nói.
Theo ông Morgan, Trung Quốc đang hỗ trợ xây dựng sân bay và cảng biển có khả năng phục vụ cả mục đích thương mại lẫn quân sự trong khu vực. Trung Quốc cũng năng nổ lấy lòng các lãnh đạo trong khu vực, mời họ tới Bắc Kinh dự các cuộc gặp một – một với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, điều mà nước Mỹ không làm.
T.P