Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNga – Trung gần gũi, Ấn Độ bất lợi

Nga – Trung gần gũi, Ấn Độ bất lợi

Với việc Mỹ điều hơn 3.000 binh lính đến Đông Âu và hàng loạt diễn biến dồn dập trong những ngày gần đây, khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh toàn diện có vẻ ngày càng cao.

Căng thẳng giữa Mỹ (và NATO) với Nga vì Ukraine khiến cả thế giới lo lắng. Với Ấn Độ, cuộc khủng hoảng địa chính trị này không phải điều diễn ra ở nơi xa xôi, mà ảnh hưởng trực tiếp đến những lợi ích chiến lược của New Delhi theo nhiều cách.

Sau một thời gian im lặng, Ấn Độ cuối cùng đã ra tuyên bố chính thức kêu gọi một giải pháp hoà bình. Ấn Độ là 1 trong 3 nước bỏ phiếu trắng về đề xuất tổ chức thảo luận tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về việc Nga tập hợp lực lượng gần biên giới Ukraine, cho thấy New Delhi đang đối mặt với một câu hỏi hóc búa.

Trong quá trình nỗ lực làm sâu sắc quan hệ chiến lược với cả Mỹ và Nga, Ấn Độ không may lại rơi vào tình huống khó xử. Những sự kiện gần đây đẩy Ấn Độ vào tình huống giống như thời Chiến tranh Lạnh: phải chọn phe. Tuy nhiên, với tầm vóc lớn hơn trong các vấn đề quốc tế và quan hệ năng động với cả hai siêu cường, Ấn Độ ngày nay gần như không thể duy trì quyền tự chủ chiến lược như trước đây, các nhà phân tích nhận định.

Quan hệ tụt dốc của Nga với Mỹ tạo ra thách thức đáng kể với Ấn Độ, vì thân thiết với bên này sẽ làm xấu quan hệ với bên kia. Hơn nữa, Trung Quốc nổi lên thành một trong những đồng minh lớn nhất của Nga trong những năm qua. Nếu căng thẳng giữa Nga với phương Tây tiếp tục tăng, quỹ đạo quan hệ Nga – Trung sẽ đi theo hướng bất lợi cho Ấn Độ vì lựa chọn chiến lược của họ.

Dù trục quan hệ Nga – Trung – Ấn trong bối cảnh hiện nay là điều không thể, nhưng việc nhảy vào toa xe của Washington cũng gây ra những hậu quả bất lợi cho Ấn Độ trước Mátxcơva.

Trước hết là vì hợp tác quốc phòng. Cùng với việc trở thành đối tác chiến lược đặc quyền, Mátxcơva đang là đối tác quốc phòng chủ yếu của Ấn Độ với 86% trang thiết bị, vũ khí và nền tảng đang được sử dụng trong quân đội Ấn Độ có nguồn gốc từ Nga. Vì sự phụ thuộc đó, Nga sau này có thể trì hoãn việc thay thế và bảo dưỡng cho các vũ khí và thiết bị mà Ấn Độ đang sử dụng nếu quan hệ hai bên xấu đi.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo rằng bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào cũng dẫn đến các biện pháp trừng phạt Nga. Ấn Độ có thể hứng các biện pháp trừng phạt thứ cấp như đạo luật CAATSA, vì Ấn Độ đã ký các thoả thuận mua hệ thống tên lửa S-400 và súng trường AK-203 với Mátxcơva. Tuy nhiên, Ấn Độ khẳng định việc “theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập áp dụng cả với việc mua sắm và cung cấp quốc phòng, dựa trên lợi ích an ninh quốc gia”.

Việc Washington chuyển hoàn toàn chú ý sang châu Âu cũng sẽ bất lợi cho Ấn Độ vì Mỹ không còn để tâm nhiều đến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và đối phó với những hành động của Trung Quốc ở khu vực.

Mục tiêu chính của sự liên kết Nga – Trung là làm suy yếu sức mạnh của Mỹ. Đây là mục tiêu dễ hiểu với Mátxcơva và Bắc Kinh, nhưng không có lợi cho Ấn Độ. Mỹ đóng vai trò quan trọng cho bất kỳ nỗ lực nào nhằm cân bằng với Trung Quốc. Nếu thiếu mỏ neo này, có rất ít hy vọng có thể chống lại sự thống trị của Trung Quốc ở châu Á.

Các cường quốc khác trong khu vực dù hoà hợp cũng không đủ để sánh với sức mạnh và sự giàu có của Trung Quốc. Trong khía cạnh này, lợi ích của Nga mâu thuẫn trực tiếp với Ấn Độ, vì sự suy yếu sức mạnh của Mỹ mà Nga mong muốn sẽ khiến Trung Quốc càng mạnh hơn. Nga không e ngại về điều này, kể cả phản đối trực tiếp “Bộ tứ kim cương” – một khuôn khổ mà Ấn Độ đang tham gia tích cực.

Một số nhà phân tích cho rằng nguy cơ xung đột lợi ích với Nga cho thấy Ấn Độ cần giảm phụ thuộc vào vũ khí của Nga. New Delhi đã nhận ra sự mâu thuẫn này. Chẳng hạn, Ấn Độ đã bác bỏ chỉ trích của Nga rằng New Delhi đang bị kéo vào một liên minh chống Trung Quốc và từ từ xây dựng quan hệ với “Bộ tứ”.

Về năng lượng, Nga có thể cắt nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu nếu xung đột xảy ra, khiến giá nhiên liệu tăng cao. Bất kỳ cú sốc lớn nào về giá dầu cũng sẽ gây hậu quả thảm khốc cho Ấn Độ, có thể làm chệch hướng kế hoạch của Ấn Độ trong việc cung cấp khí gas cho các nhà máy phân bón, khi châu Âu quay sang mua nhiên liệu từ thị trường mở để bù đắp nguồn cung đã mất từ Nga.

RELATED ARTICLES

Tin mới