Các nhà nghiên cứu đã khai quật được 20 “chiến binh đất nung” bên trong một ngôi mộ bí mật 2.000 năm tuổi ở Trung Quốc.
Khám phá được thực hiện trong một khu vực mới được khai quật ở thành phố Tây An, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Các nhà khảo cổ nhận thấy những bức tượng đất nung chủ yếu là bộ binh và chiến xa. Một số bức tượng có mũ đội đầu phức tạp hơn, có vẻ như đây là các vị tướng.
Theo một tuyên bố của Bảo tàng Khu lăng mộ Hoàng đế Tần Thủy Hoàng, những bức tượng khai quật lần này được bảo quản rất tốt. Các nhà khảo cổ đã vận chuyển các bức tượng đất nung đến phòng bảo vệ và trùng tu.
Báo cáo từ Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN) cho biết một số tượng đất dường như đã vỡ thành từng mảnh và các chuyên gia tại Bảo tàng Lăng mộ Tần Thủy Hoàng sẽ khôi phục chúng.
Theo CGTN, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng cách bố trí dàn quân của các bức tượng đối xứng từ bắc xuống nam và từ đông sang tây. Báo cáo cho biết: “Phát hiện này có ý nghĩa to lớn trong việc tìm hiểu và nghiên cứu cách bố trí dàn quân của quân đội Trung Quốc cổ đại”.
Ngôi mộ có dạng hình chữ nhật, chiều dài từ đông sang tây là 230m, chiều rộng từ bắc xuống nam là 62m và sâu 5m, với tổng diện tích là 14.260 mét vuông.
Đội quân đất nung là một bộ sưu tập các tác phẩm điêu khắc bằng đất nung mô tả đội quân của Tần Thủy Hoàng, vị Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc, người trị vì từ năm 210–209 trước Công nguyên. Những bức tượng có kích thước như người thật này được xây dựng để bảo vệ hoàng đế ở thế giới bên kia.
Các chuyên gia tin rằng đội quân này bao gồm 8.000 “chiến binh” được điêu khắc chôn cất bên trong ba cái hố cách lăng mộ của Hoàng đế Tần Thủy Hoàng, người đầu tiên thống nhất Trung Quốc vào năm 221 trước Công nguyên, khoảng 1,5km về phía đông bắc.
Các nhà nghiên cứu cho đến nay đã khai quật được khoảng 2.000 binh lính đất nung, được chôn cùng với các vũ khí như nỏ, giáo và kiếm, một số vẫn còn nguyên vẹn.
T.P