Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTại sao cuộc khủng hoảng Ukraine là do lỗi của phương Tây

Tại sao cuộc khủng hoảng Ukraine là do lỗi của phương Tây

Theo lối tư duy hiện đang thịnh hành ở phương Tây, cuộc khủng hoảng tại Ukraine có thể gần như được đổ lỗi hoàn toàn cho cuộc tấn công của Nga. Theo như mạch lập luận này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã sáp nhập Crimea để hiện thực hóa khát khao khôi phục lại đế chế Xô Viết đã tồn tại từ lâu, và ông ta rốt cuộc có thể làm điều tương tự với phần còn lại của Ukraine cũng như những quốc gia Đông Âu khác. Cũng theo quan điểm đó, việc Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych bị lật đổ vào tháng 2/2014 chỉ mang lại một cái cớ cho Putin quyết định đưa lực lượng quân đội Nga chiếm giữ một phần lãnh thổ Ukraine.

Một tòa nhà bị phá hủy sau các cuộc giao tranh giữa các bên ở đông Ukraine.

Tuy nhiên cách lý giải trên là không đúng: Mỹ và các đồng minh phương Tây phải chịu hầu hết trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng này. Gốc rễ của vấn đề nằm ở sự mở rộng của NATO, nhân tố trung tâm của một chiến lược bao trùm hơn nhằm đưa Ukraine ra khỏi quỹ đạo kiểm soát của Nga và đưa quốc gia này gia nhập phương Tây. Trong khi đó, sự mở rộng của EU về hướng đông và việc phương Tây chống lưng cho phong trào ủng hộ dân chủ ở Ukraine – bắt đầu với cuộc Cách mạng Cam năm 2004 – cũng là những nhân tố then chốt. Kể từ giữa thập niên 1990, giới lãnh đạo Nga đã phản đối mạnh mẽ sự mở rộng của NATO, và trong những năm gần đây họ cũng nêu rõ quan điểm rằng Nga sẽ không đứng nhìn quốc gia láng giềng có tầm quan trọng chiến lược bị biến thành thành trì của phương Tây. Đối với Putin, cuộc lật đổ bất hợp pháp vị Tổng thống đắc cử một cách dân chủ và thân Nga của Ukraine – cái mà ông gọi một cách chính xác là cuộc “đảo chính” – là giọt nước làm tràn ly. Putin đáp lại bằng cách chiếm Crimea, một bán đảo mà ông e rằng sẽ là nơi đặt căn cứ hải quân của NATO, và bằng cách làm bất ổn tình hình ở Ukraine cho tới khi quốc gia này từ bỏ nỗ lực gia nhập phương Tây.

Đòn đáp trả của Putin lẽ ra không có gì đáng ngạc nhiên. Rốt cuộc thì phương Tây đã xâm phạm đến sân sau của Nga và đe dọa đến lợi ích chiến lược cốt lõi của nước này, một điều mà Putin đã nhấn mạnh và lặp lại nhiều lần. Giới tinh hoa của Mỹ và Châu Âu bị các sự kiện giáng cho những đòn bất ngờ chỉ bởi vì họ tin vào một quan điểm sai lầm về chính trị quốc tế. Họ có xu hướng tin rằng logic của chủ nghĩa hiện thực không còn phù hợp trong thế kỷ 21 và châu Âu có thể được duy trì một cách toàn vẹn và tự do dựa trên nền tảng các nguyên lí của chủ nghĩa tự do như pháp quyền, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và nền dân chủ.

Dẫu vậy, đại kế hoạch này đã thất bại ở Ukraine. Cuộc khủng hoảng tại đây cho thấy rằng chính trị hiện thực vẫn còn thích hợp ở thời đại này – và những quốc gia nào chối bỏ nó sẽ phải chấp nhận đối mặt với những nguy hiểm và rủi ro. Các nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ và châu Âu đã phạm phải sai lầm ngớ ngẩn khi nỗ lực biến Ukraine thành một thành trì của phương Tây ngay trên biên giới nước Nga. Giờ đây, khi mà hậu quả của hành động này đã hiện ra rõ ràng, việc tiếp tục theo đuổi chính sách nhiều sai sót này sẽ là một sai lầm còn trầm trọng hơn nữa.

Sự sỉ nhục từ phương Tây

Khi Chiến tranh Lạnh tiến đến hồi kết, các nhà lãnh đạo của Liên Xô muốn rằng lực lượng của Mỹ ở lại châu Âu và khối NATO giữ nguyên hiện trạng, đó là một thỏa thuận mà họ cho rằng sẽ giữ cho một nước Đức vừa tái thống nhất trong tình trạng hòa bình. Tuy nhiên, họ và những lãnh đạo kế tục của Nga không muốn NATO mở rộng hơn nữa và cho rằng các nhà ngoại giao phương Tây hiểu được mối lo ngại này của họ. Chính quyền Clinton rõ ràng đã nghĩ khác, và đến giữa thập niên 90, chính quyền này bắt đầu thúc giục NATO tiến hành mở rộng.

Đợt mở rộng đầu diễn ra vào năm 1999 và kết nạp Cộng hòa Séc, Hungary và Ba Lan, và lần thứ hai vào năm 2004, thu nạp thêm Bulgaria, Estonia, Latvia, Litva, Romania, Slovakia và Slovenia. Moscow đã lên tiếng phàn nàn về hành động này ngay từ những ngày đầu tiên. Ví dụ, trong suốt chiến dịch đánh bom của NATO nhắm vào người Serbia ở Bosnia, Tổng thống Nga Boris Yeltsin đã nói: “Đây là dấu hiệu đầu tiên về điều có thể xảy ra khi NATO tiến gần đến biên giới của Liên bang Nga. … Ngọn lửa chiến tranh có thể bùng cháy và trải khắp châu Âu.” Nhưng người Nga tại thời điểm đó quá yếu ớt để làm trật bánh quá trình đông tiến của NATO –quá trình mà dù sao lúc đó cũng không có vẻ là mối đe dọa nghiêm trọng bởi không một quốc gia thành viên mới nào của NATO có chung đường biên giới với Nga, ngoại trừ các quốc gia vùng Baltic bé nhỏ.

Sau đó, NATO bắt đầu tìm cách tiến xa hơn nữa. Tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào tháng 4/2008 tại Bucharest, liên minh này đã cân nhắc đến việc kết nạp Gruzia và Ukraine. Chính quyền G.W. Bush ủng hộ hành động này, nhưng Pháp và Đức thì phản đối bởi họ sợ rằng điều này sẽ làm Nga tức giận quá mức. Cuối cùng, các nước thành viên NATO đã đạt được một thỏa hiệp: liên minh không bắt đầu tiến hành quy trình kết nạp chính thức mà thay vào đó ban hành một tuyên bố ủng hộ nguyện vọng của Gruzia và Ukraine, đồng thời mạnh bạo tuyên bố rằng “Những quốc gia này sẽ trở thành thành viên của NATO.”

Tuy nhiên, Moscow không nhìn nhận kết quả này như một sự thỏa hiệp. Alexander Grushko, khi đó là Thứ trưởng Ngoại giao Nga, đã lên tiếng cho rằng, “Việc Gruzia và Ukraine trở thành thành viên NATO là một sai lầm chiến lược, sai lầm này sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng nhất tới an ninh toàn châu Âu.” Putin giữ vững lập trường cho rằng việc NATO kết nạp 2 quốc gia kể trên sẽ là một “mối đe dọa trực tiếp” đối với Nga. Một tờ báo Nga đưa tin, trong khi hội đàm với Bush, Putin “đưa ra tín hiệu rõ ràng rằng nếu Ukraine được nhận vào khối NATO, sự tồn tại của quốc gia này sẽ chấm dứt.”

Cuộc xâm lược của Nga vào Gruzia vào tháng 8/2008 đáng lẽ nên xua tan mọi mối ngờ vực còn sót lại về quyết tâm của Putin nhằm ngăn chặn Gruzia và Ukraine gia nhập NATO. Tổng thống Gruzia Mikheil Saakashvili, người quyết tâm cam kết đưa Gruzia vào NATO, trước đó đã quyết định tái sáp nhập hai vùng ly khai Abkhazia và Nam Ossetia trong mùa hè 2008. Vậy nhưng Putin tìm cách giữ cho Gruzia yếu ớt và chia rẽ – cũng như ngoài tầm với của NATO. Sau khi cuộc chiến nổ ra giữa chính quyền Gruzia và lực lượng ly khai Nam Ossetia, lực lượng quân đội Nga đã nắm quyền kiểm soát Abkhazia và Nam Ossetia. Moscow đã làm rõ quan điểm của họ. Vậy mà, bất chấp lời cảnh báo rõ ràng đó, NATO chưa bao giờ công khai tuyên bố từ bỏ mục tiêu đưa Gruzia và Ukraine vào khối này. Công cuộc mở rộng của NATO cứ tiếp tục diễn ra, với việc Anbani và Croatia trở thành thành viên vào năm 2009.

Giống như NATO, EU cũng đã và đang đông tiến. Tháng 5/2008, liên minh này hé lộ sáng kiến “Đối tác phương Đông”, một chương trình nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng ở những quốc gia như Ukraine và đưa những quốc gia này hội nhập vào nền kinh tế EU. Không có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà lãnh đạo Nga nhìn nhận kế hoạch này như một hành động thù địch chống lại lợi ích quốc gia của họ. Tháng Hai vừa qua, trước khi Yanukovych bị buộc rời nhiệm sở, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã buộc tội EU nỗ lực tạo ra “phạm vi ảnh hưởng” ở Đông Âu. Trong con mắt các nhà lãnh đạo Nga, sự mở rộng của EU là bình phong cho sự bành trướng của NATO.

Công cụ cuối cùng của phương Tây để chia cắt Kiev khỏi Moscow là nỗ lực phổ biến các giá trị phương Tây và thúc đẩy dân chủ ở Ukraine và những quốc gia hậu Xô Viết khác – một kế hoạch bao gồm việc tài trợ cho các cá nhân và tổ chức ủng hộ phương Tây. Victoria Nuland, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề châu Âu và khu vực Á-Âu, đưa ra ước tính trong tháng 12/2013 rằng nước Mỹ đã đầu tư hơn 5 tỉ đô la kể từ năm 1991 để giúp Ukraine đạt được “tương lai mà quốc gia này xứng đáng được hưởng”. Như một phần của nỗ lực kể trên, chính phủ Hoa Kỳ cung cấp tài chính cho Quỹ Quốc gia vì Dân chủ (NED). Quỹ phi lợi nhuận này đã tài trợ cho hơn 60 dự án nhằm thúc đẩy xã hội dân sự ở Ukraine, và chủ tịch NED, Carl Gershman, gọi quốc gia này là “mục tiêu giá trị nhất”. Sau khi Yanukovych đắc cử tổng thống vào tháng 2/2010, NED quyết định rằng ông này đã phá hỏng các mục tiêu của họ, và do đó tổ chức này tăng cường nỗ lực để hỗ trợ phe đối lập và củng cố các thể chế dân chủ ở Ukraine.

Khi các lãnh đạo của Nga nhìn vào công cuộc thiết kế xã hội của phương Tây ở Ukraine, họ lo ngại rằng đất nước của họ sẽ là nạn nhân kế tiếp. Những lo ngại này không phải là hoàn toàn không có cơ sở. Vào tháng 9/2013, Gershman viết trên tờ Washington Post, “Sự lựa chọn gia nhập vào châu Âu của Ukraine sẽ thúc đẩy sự suy tàn của tư tưởng đế quốc Nga mà Putin đang thể hiện.” Tác giả cũng thêm vào: “Nước Nga cũng đang đối mặt với một sự lựa chọn, và Putin có lẽ đang thấy mình ở thế thua cuộc, không chỉ ở bên ngoài mà còn ở bên trong nước Nga.”

Tạo ra một cuộc khủng hoảng

Ba gói chính sách của phương Tây – tăng cường NATO, mở rộng EU và thúc đẩy dân chủ – đã đổ thêm dầu vào ngọn lửa đang chực chờ bùng phát. Tia lửa lóe lên vào tháng 11/2013, khi Yanukovych hủy bỏ một thỏa thuận kinh tế lớn mà ông ta đã đàm phán với EU và thay vào đó quyết định chấp nhận lời đề nghị trị giá 15 tỉ đôla từ phía Nga. Quyết định này đã dẫn đến các cuộc biểu tình chống chính phủ leo thang trong suốt ba tháng sau đó, một số cuộc biểu tình vào giữa tháng Hai đã gây ra cái chết của hàng trăm người biểu tình. Các phái viên của phương Tây nhanh chóng bay đến Kiev để giải quyết cuộc khủng hoảng này. Ngày 21/2, chính phủ và phe đối lập thỏa thuận cho phép Yanukovych tại vị cho đến khi các cuộc bầu cử mới được tổ chức. Tuy nhiên, thỏa thuận này ngay lập tức thất bại, và Yanukovych chạy trốn sang Nga ngay ngày sau đó. Chính phủ mới ở Kiev là một chính phủ thân phương Tây và chống Nga đến tận gốc rễ, nó cũng có bốn thành viên cấp cao mà có thể được gắn mác là những người theo chủ nghĩa tân phát xít.

Mặc dù phạm vi dính líu của Hoa Kỳ vẫn chưa được phơi bày đầy đủ, nước Mỹ rõ ràng đã chống lưng cho vụ đảo chính này. Nuland và Thượng nghị sĩ John McCain tham dự cuộc biểu tình chống chính phủ, và Geoffrey Pyatt, đại sứ Mỹ tại Ukraine, tuyên bố sau khi Yanukovych bị lật đổ rằng đó là “một ngày đáng nhớ trong lịch sử.” Sau khi một đoạn ghi âm điện thoại được hé lộ, người ta biết được rằng Nuland đã chủ trương tán thành thay đổi chế độ và mong muốn chính trị gia người Ukraine Arseniy Yatsenyuk sẽ trở thành thủ tướng trong chính quyền mới, và sau đó đúng là ông ta đã đạt được vị trí này. Chẳng lấy gì làm ngạc nhiên khi những nhà lãnh đạo Nga cho rằng phương Tây đã đóng vai trò nào đó trong vụ Yanukovych bị hất cẳng.

Đối với Putin, thời điểm để hành động chống lại Ukraine và phương Tây đã tới. Ngay sau ngày 22/2, ông ra lệnh cho lực lượng quân đội Nga chiếm lấy Crimea từ Ukraine, và không lâu sau đó, ông sáp nhập tỉnh này vào nước Nga. Nhiệm vụ này tỏ ra tương đối dễ dàng nhờ vào việc hàng ngàn lính Nga đã đóng quân trước đó tại một căn cứ hải quân ở cảng Sevastopol thuộc Crimea. Crimea cũng là một mục tiêu dễ đạt được bởi người dân tộc Nga chiếm đến khoảng 60% dân số ở khu vực này. Đa số họ mong muốn thoát khỏi Ukraine.

Kế tiếp, Putin gây sức ép rất lớn lên chính quyền mới thành lập ở Kiev để khuyến khích họ không liên minh với phương Tây chống lại Moscow, tỏ rõ quan điểm rằng ông sẽ làm tan vỡ Ukraine và biến nó thành một nhà nước không hoạt động được trước khi cho phép quốc gia này trở thành một thành trì của phương Tây ngay trước ngưỡng cửa của Nga. Để thực hiện mục tiêu trên, Putin cung cấp cố vấn, vũ khí và hỗ trợ ngoại giao cho những phần tử ly khai người Nga ở miền đông Ukraine, những người hiện đang đẩy quốc gia này đến một cuộc nội chiến. Ông ta cũng đưa một đội quân lớn đến biên giới Ukraine, đe dọa xâm lược nếu như chính phủ Ukraine đàn áp những người nổi dậy. Và ông cũng tăng mạnh giá khí đốt mà Nga bán cho Ukraine cũng như yêu cầu Ukraine thanh toán cho những đợt xuất khẩu khí đốt trước đó. Putin đang chơi lá bài cứng rắn với đối thủ của mình.

Chẩn đoán nguyên nhân

Những hành động của Putin là dễ hiểu. Là một khu vực đất bằng rộng lớn mà nước Pháp thời Napoleon, Đế quốc Đức và Đức Quốc xã trước đây đã từng vượt qua để tấn công Nga, Ukraine có vai trò như một quốc gia vùng đệm có tầm quan trọng vô cùng lớn đối với Nga. Không một nhà lãnh đạo nào của Nga có thể chấp nhận một liên minh quân sự mà cho đến gần đây vẫn là kẻ tử thù của Moscow lại được phép tiến vào Ukraine. Cũng như không có một nhà lãnh đạo Nga nào khoanh tay đứng nhìn phương Tây xây dựng một chính quyền ở Ukraine mà chính quyền này được xác định nhằm đưa Ukraine sáp nhập vào thế giới phương Tây.

Washington có thể không thích thú gì với lập trường của Moscow, nhưng họ nên hiểu logic đứng sau lập trường này. Đây là bài học nhập môn Địa chính trị: các cường quốc luôn nhạy cảm với những hiểm họa tiềm tàng gần lãnh thổ của họ. Rốt cuộc, Hoa Kỳ cũng không thể chấp nhận việc các cường quốc ở xa triển khai các lực lượng quân sự tại bất kỳ đâu ở Tây Bán cầu, chứ chưa nói đến tại biên giới nước này. Cứ thử tưởng tượng cơn thịnh nộ của Washington nếu như Trung Quốc xây dựng một liên minh quân sự đầy hùng mạnh và cố gắng lôi kéo Canada và Mexico vào liên minh ấy thì biết. Tạm bỏ logic sang một bên, các nhà lãnh đạo phía Nga đã từng nhiều lần nói với những người đồng cấp phương Tây rằng họ coi sự mở rộng của NATO sang Gruzia và Ukraine là không thể chấp nhận được, tương tự với bất kỳ nỗ lực nào nhằm biến những quốc gia này chống lại Nga. Cuộc chiến Nga-Gruzia năm 2008 đã nêu lên thông điệp này một cách hết sức rõ ràng.

Giới chức Mỹ và các đồng minh châu Âu tranh luận rằng họ đã cố gắng hết sức để xoa dịu nỗi sợ hãi của người Nga và rằng Moscow nên hiểu một điều là NATO không có mưu đồ gì đối với họ cả. Bên cạnh việc liên tục phủ nhận sự mở rộng của của họ không nhằm mục đích kiềm chế Nga, liên minh quân sự này cũng chưa bao giờ triển khai lực lượng quân sự vĩnh viễn tại các nước thành viên mới. Năm 2002, tổ chức này thậm chí còn lập ra một cơ quan có tên gọi Hội đồng NATO-Nga trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy hợp tác. Để xoa dịu Nga hơn nữa, Hoa Kỳ tuyên bố trong năm 2009 rằng quốc gia này sẽ lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa mới trên các chiến hạm tại các vùng biển châu Âu, ít nhất là vào thời điểm ban đầu, thay vì tại Cộng hòa Séc hoặc Ba Lan. Tuy nhiên không biện pháp nào trong số kể trên đã thành công; người Nga vẫn trước sau như một phản đối sự bành trướng của NATO, đặc biệt đối với sự mở rộng ra Gruzia và Ukraine. Và chính người Nga, chứ không phải phương Tây, mới là những người sau cùng đưa ra quyết định điều gì được coi là mối hiểm họa đối với họ.

Để hiểu tại sao phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, đã không hiểu được rằng chính sách Ukraine của họ đã tạo nền tảng cho cuộc xung đột lớn với nước Nga, ta cần phải quay trở lại thời điểm giữa thập niên 1990, khi chính quyền Bill Clinton bắt đầu chủ trương ủng hộ mở rộng NATO. Các chuyên gia tại thời điểm đó đưa ra nhiều loại lập luận cả ủng hộ lẫn bác bỏ sự bành trướng này, nhưng lại không nhất trí về những việc cần làm. Ví dụ, hầu hết những người di dân Mỹ gốc Đông Âu và những người thân của họ ủng hộ mạnh mẽ việc mở rộng, bởi họ muốn NATO bảo vệ những quốc gia như Hungary hoặc Ba Lan. Một vài người theo chủ nghĩa hiện thực cũng thiên về chính sách này vì họ cho rằng nước Nga vẫn cần phải bị kiềm chế.

Tuy vậy, hầu hết những người theo thuyết hiện thực phản đối sự bành trướng này, bởi họ tin rằng một cường quốc đang đi xuống với dân số đang ngày càng già cỗi và một nền kinh tế một chiều không cần thiết phải bị đặt trong vòng kiềm tỏa. Họ cũng sợ rằng việc mở rộng này sẽ chỉ khiến Nga có động cơ để gây rắc rối cho khu vực Đông Âu. Nhà ngoại giao Mỹ George Kennan nêu rõ quan điểm này trong một cuộc phỏng vấn năm 1998, không lâu sau khi Thượng viện Mỹ phê chuẩn đợt mở rộng NATO lần đầu tiên. Ông nói: “Tôi cho rằng người Nga sẽ dần có phản ứng tiêu cực hơn và điều này sẽ gây tác động xấu đến chính sách của họ. Tôi nghĩ đây là một sai lầm khủng khiếp. Dù gì đi chăng nữa, không có bất kỳ lí do gì có thể biện hộ cho chuyện này. Không ai đang đe dọa ai ở đây cả.”

Mặt khác, đại đa số những người ủng hộ quan điểm tự do lại ủng hộ việc mở rộng của NATO, trong số đó có nhiều nhân vật chủ chốt trong chính quyền Clinton. Họ tin rằng sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh đã làm chuyển đổi một cách cơ bản nền chính trị quốc tế và rằng một trật tự hậu quốc gia mới đã thay thế logic của chủ nghĩa hiện thực thống trị châu Âu trước đây. Nước Mỹ không chỉ là “một quốc gia không thể thiếu được”, như Ngoại trưởng Madeleine Albright tuyên bố, mà còn là một quốc gia bá quyền nhân từ, và do đó khó có thể bị coi là một mối hiểm họa đối với Moscow. Về bản chất, mục tiêu ở đây là biến cả lục địa châu Âu trông giống như Tây Âu vậy.

Do đó, Mỹ và đồng minh tìm cách thúc đẩy dân chủ ở các nước Đông Âu, tăng cường sự phụ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế giữa các nước này, và gắn họ vào các tổ chức quốc tế. Sau khi giành chiến thắng trong cuộc thảo luận trong nước Mỹ, những người theo thuyết tự do chẳng gặp khó khăn trong việc thuyết phục các đồng minh của họ ở châu Âu ủng hộ sự mở rộng của NATO. Sau cùng, vin vào những thành tựu của EU trong quá khứ, những người châu Âu thậm chí còn trung thành hơn cả người Mỹ với ý tưởng rằng địa chính trị không còn đóng vai trò quan trọng và rằng một trật tự tự do bao gồm tất cả các quốc gia sẽ có thể duy trì hòa bình ở châu Âu.

Vậy là những người chủ trương đường lối tự do đã lấn áp hoàn toàn trong cuộc tranh luận về vấn đề an ninh của châu Âu trong suốt thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 đến mức mà, trong khi liên minh theo đuổi chính sách tăng trưởng dựa trên mở cửa thì sự mở rộng của NATO cũng hầu như không gặp phải phản đối gì từ những người theo chủ nghĩa hiện thực. Thế giới quan của học thuyết tự do được chấp nhận như một thứ giáo điều trong nội bộ giới chức Mỹ. Điển hình như trong tháng 3 vừa qua, trong bài phát biểu của Tổng thống Obama về vấn đề Ukraine, ông thường xuyên nói về “những lý tưởng” tạo động lực cho chính sách của phương Tây và cái cách mà những lý tưởng này “thường bị đe dọa bởi quan điểm cũ kỹ, mang tính truyền thống hơn về quyền lực.” Phản ứng của Ngoại trưởng John Kerry về vấn đề khủng hoảng tại Crimea cũng phản ánh góc nhìn tương tự: “Trong thế kỷ 21 bạn không thể hành xử giống như cách của thế kỷ 19 bằng việc xâm lược quốc gia khác dựa trên cái cớ tự tạo.”

Về bản chất, hai bên hoạt động với hai chiến lược khác nhau: Putin và những đồng chí của ông tư duy và hành động theo tiếng gọi của chủ nghĩa hiện thực, trong khi những người đồng cấp phương Tây của ông thì tuân theo những ý tưởng của chủ nghĩa tự do về chính trị quốc tế. Kết quả là nước Mỹ và đồng minh đã vô tình gây ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Ukraine.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới