Một loạt trận động đất nhỏ đã xảy ra gần bãi thử hạt nhân bị đóng cửa của Triều Tiên. Sự bất ổn địa chất tại khu vực này do những đợt thử nghiệm mà Bình Nhưỡng thực hiện trong quá khứ.
Ngày 15-2, Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc (KMA) tại Seoul cho biết ít nhất 4 trận động đất đã xảy ra gần bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên trong 5 ngày qua.
Trận mới nhất mạnh 2,5 độ Richter xảy ra vào sáng 15-2, có tâm chấn cách Punggye-ri khoảng 36km.
Trước đó, hai trận động đất mạnh 3,1 và 2,3 độ Richter cũng được ghi nhận vào ngày 11-2 và 14-2.
Punggye-ri nằm ở phía đông của Triều Tiên, từng được biết đến là nơi tiến hành các vụ thử hạt nhân duy nhất của nước này.
Theo Hãng tin Reuters, vụ thử nghiệm gần đây nhất tại Punggye-ri vào tháng 9-2017. Thời điểm đó, Triều Tiên cho nổ quả bom hạt nhân thứ sáu và lớn nhất của mình. Bình Nhưỡng tuyên bố đó là một loại vũ khí nhiệt hạch.
Trong những tuần sau vụ nổ trên, các chuyên gia đã ghi nhận một loạt chấn động và lở đất gần cơ sở thử nghiệm hạt nhân này. Họ xem chúng là dấu hiệu cho thấy vụ nổ đã gây ra bất ổn địa chất trong khu vực.
Reuters cho biết nơi này trước đây chưa từng xảy ra động đất tự nhiên.
Sau một trận động đất khác vào năm 2020, các chuyên gia của Chính phủ Hàn Quốc nhận định các vụ thử nghiệm hạt nhân dường như đã làm thay đổi vĩnh viễn địa chất của khu vực.
Một số chuyên gia lo ngại về nguy cơ ô nhiễm phóng xạ nếu Triều Tiên sử dụng lại địa điểm này.
Theo ông Frank Pabian – một nhà phân tích đã nghỉ hưu của Mỹ, hoạt động địa chấn gây ra bởi các vụ thử hạt nhân không phải chuyện hiếm thấy.
Tình trạng tương tự đã được ghi nhận tại các địa điểm thử hạt nhân lớn khác như bãi thử Nevada ở Mỹ và bãi thử Semipalatinsk của Liên Xô, nay ở Kazakhstan.
Vào năm 2018, Bình Nhưỡng đã mời một nhóm nhỏ báo chí nước ngoài đến chứng kiến sự kiện đánh sập lối vào các đường hầm của khu thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri.
Tuy nhiên, Triều Tiên từ chối lời kêu gọi cho phép các chuyên gia quốc tế đến kiểm tra việc đóng cửa.