Sunday, December 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTiếp theo Indonesia, là quốc gia nào?

Tiếp theo Indonesia, là quốc gia nào?

Gia tăng ảnh hưởng quốc gia trên phạm vi toàn cầu với các nước luôn là mục tiêu của Trung Quốc. Cùng với sử dụng sức mạnh tài chính và quân sự, những năm gần đây, Bắc Kinh còn ra sức khai thác truyền thông để thực hiện mục tiêu này.

Binh sĩ Indonesia trong một cuộc tập trận ở biển Natuna

Vài chục năm trước, truyền thông Trung Quốc lép vế trước hệ thống truyền thông của Mỹ và các quốc gia phương Tây. Những năm gần đây, sự phát triển kinh tế tới mức thần kỳ, đã giúp Trung Quốc có điều kiện tập trung nguồn lực cho truyền thông và biến nó thành một mũi nhọn mở rộng tầm ảnh hưởng của một “cường quốc trỗi dậy”.

Xét về quy mô, hiện nay, hệ thống truyền thông của Trung Quốc cực kỳ đồ sộ với hàng chục nghìn cơ quan báo chí, truyền thông bao gồm các loại hình: báo in, báo phát thanh, báo hình, báo điện tử. Vậy mà Bắc Kinh chưa bằng lòng. Họ chủ trương tái cơ cấu hệ thống truyền thông, nhất là đối với các cơ quan báo chí quan trọng nhất. Như đối với phát thanh, truyền hình, Đài Quốc gia Trung Quốc, Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc và Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc bao gồm cả chi nhánh quốc tế, Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc đã được hợp nhất thành Tập đoàn Truyền thông Trung Quốc (CMG) với hơn 14.000 nhân viên. Nước này cũng không chút dè dặt khi sẵn sàng chi hàng chục tỷ USD cho truyền thông đối ngoại, nhất là làm lan tỏa cái mà họ gọi “quyền lịch sử” liên quan đến yêu sách “đường 9 đoạn” bị cộng đồng quốc tế phê phán kịch liệt; mở rộng, tăng thêm các cơ quan đại diện của các tờ báo lớn ở nước ngoài. Tân Hoa xã, hãng tin quốc gia của Trung Quốc hiện có hơn 230 văn phòng trên toàn thế giới, phát tin bằng 11 ngôn ngữ, và được chi riêng cho tin tức gần 1 tỷ USD/năm.

Với các quốc gia trong khu vực, Bắc Kinh thường xuyên tổ chức các sự kiện giao lưu truyền thông và trong nhiều trường hợp, gắn với các sự kiện nóng. Tỷ như 5 năm trước, khi truyền thông các nước Đông Nam Á làm ầm ĩ về việc Trung Quốc hãm nước thượng nguồn sông Lan Thương – Mê Kông khiến các nước hạ lưu, nhất là Việt Nam, ảnh hưởng nặng nề, Trung Quốc liền tổ chức, mời đoàn nhà báo các quốc gia khu vực thị sát đập thủy điện Cảnh Hồng như một động thái thanh minh rằng họ là quốc gia trách nhiệm, chẳng hề làm cái việc hèn mọn đó. Việt Nam, tiếng là đối tác toàn diện, chiến lược, nhưng cũng là nước mà Bắc Kinh “ghét” nhất, vậy mà trước đại dịch Covid-19, họ thường xuyên cử các đoàn nhà báo của Thời báo Hoàn cầu tới Hà Nội “giao lưu” (?) với báo Nhân Dân và một số cơ quan báo chí Việt Nam.

“Ghét” chẳng thể bỗng chuyển thành “yêu”, Bắc Kinh, cụ thể là Thời báo Hoàn cầu, làm thế chẳng qua, như nhiều người bình luận, và Hà Nội, dù tỏ ra hữu hảo, cũng chẳng lạ, là “vừa đánh vừa xoa”. Bởi ai chẳng biết, liên quan vấn đề Biển Đông, trang mạng của Nhân dân Nhật báo này to mồm to miệng chỉ trích, thậm chí đe dọa Việt Nam như thế nào.

Gần đây, Indonesia – nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á – thành trọng tâm truyền của truyền thông Bắc Kinh do vị trí chiến lược của Jakarta trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI). Thực hiện mục tiêu này, cùng với mở rộng hiện diện thực tế, như thành lập văn phòng, như “Hi Indo! Chanel” thuộc sở hữu của Tập đoàn Truyền hình Quốc tế Trung Quốc (CITV) nhằm đến các khán giả trẻ; Tân Hoa xã mở tài khoản Twitter bằng tiếng Bahasa Indonesia; mời cánh báo chí Indonesia tới Trung Quốc “giao lưu”, kể cả tham dự Diễn đàn báo chí về sáng kiến “Vành đai và Con đường” do Hiệp hội nhà báo toàn Trung Quốc (ACJA) trực thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức, hoặc tới một số khu vực hạn chế thăm các trại người Duy Ngô Nhĩ trùng thời điểm các cuộc biểu tình gia tăng phản đối Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương…, Bắc Kinh còn giao Tân Hoa xã ký thỏa thuận hợp tác với Hãng thông tấn nhà nước Antara của Indonesia và đài truyền hình địa phương MetroTV nhằm “cải thiện nội dung thông tin”, nhất là các thông tin nhạy cảm về Trung Quốc của hai cơ quan báo chí Indonesia này. Trong thực tế, Trung Quốc đã đạt được một số kết quả cụ thể…

Tuy nhiên, chơi với Trung Quốc nghĩa là “chơi với lửa”. Sự “rộng rãi” của Trung Quốc không bao giờ nên được nghĩ đơn giản là vô tư. Một số chuyên gia truyền thông vốn là những người tỉnh táo, hiểu sâu sắc Trung Quốc đã cảnh báo rằng: “Jakarta cần cẩn thận, nếu không muốn bị trả giá”.

Lời cảnh báo trên có liệu có là “nghiêm trọng hóa” vấn đề?

Câu trả lời là không! Cơ sở câu trả lời là những diễn biến gần đây trên Biển Đông. Sau Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, cho dù được cho là không có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, vậy mà nước này đã và đang hứng chịu sự gây hấn ngỗ ngược của Trung Quốc.

Năm 2019, tàu cá Trung Quốc từng “lạc” vào khu vực vùng biển Natuna khai thác hải sản. Tiếp đó, lại tàu hải cảnh Trung Quốc xâm nhập và đe dọa hoạt động khoan thăm dò của công ty dầu khí Harbour Energy tại Lô Tuna nằm ở Biển Natuna (tên được Indonesia đặt cho một phần Biển Đông). Năm 2020, Indonesia vẫn phải đối mặt với một Trung Quốc lỳ lợm, ương ngạnh. Tới năm 2021, Trung Quốc còn làm một việc chưa từng có tiền lệ, gửi thư gửi tới Bộ Ngoại giao Indonesia yêu cầu Jakarta ngừng hoạt động thăm dò dầu khí ở biển Natuna (tiếp giáp biển Đông) với lý do Trung Quốc coi khu vực thăm dò này thuộc chủ quyền của mình…

Trong truyền thông, Trung Quốc đã tiến hành kiểm duyệt thông tin gây bất lợi cho Trung Quốc tại Indonesia.

Bằng chứng câu chuyện đến từ chính truyền thông phương Tây. Hãng Reuters, tháng 8/2020 từng đưa tin công ty công nghệ ByteDance của Trung Quốc, thực hiện yêu cầu từ trụ sở chính tại Bắc Kinh, đã kiểm duyệt các bài báo phê phán Trung Quốc gây hấn với Indonesia trên Biển Đông, trên ứng dụng tổng hợp tin tức “Baca Berita (BaBe)” có hàng triệu người sử dụng của Indonesia.

Sau Indonesia sẽ là quốc gia nào ở Đông Nam Á sẽ thành nạn nhân của Trung Quốc trong trò chơi truyền thông chẳng thể gọi là tử tế đó?

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới